Nguy cơ động đất dây chuyền ở Đông Nam Á

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Đông Nam Á là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn dữ dội nhất thế giới, nên khả năng xảy ra động đất rất cao.

Trận động đất vừa qua tại Myanmar và dư chấn sang tận Thái Lan đã làm sập 1 tòa nhà cao tầng đang xây dựng.

Trận động đất vừa qua tại Myanmar và dư chấn sang tận Thái Lan đã làm sập 1 tòa nhà cao tầng đang xây dựng.

Mảng kiến tạo địa chấn mạnh nhất thế giới

Theo USGS, thông thường tâm một trận động đất sẽ được biểu thị dưới dạng 1 điểm trên bản đồ. Tuy nhiên, trận động đất ở Myanmar vừa qua, tâm chấn là vết trượt trên khu vực đứt gãy lớn có chiều dài khoảng 200 km và rộng khoảng 20 km.

Trước đó, khu vực này đã ghi nhận 6 trận động đất khác trên 7 độ richter. Điển hình là trận động đất có cường độ 7 độ richter xảy ra vào tháng 1-1990, khiến 32 tòa nhà sụp đổ; tháng 2-1912, một trận động đất có cường độ đến 7,9 độ richter xảy ra ở phía Nam; và trận động đất 7,7 độ richter vào ngày 28-3-2025 vừa qua.

Trong bản đồ địa chấn mới được USGS công bố, Đông Nam Á là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn dữ dội nhất thế giới, bao gồm Indonesia, Philippines và Myanmar. Theo đó, nơi này có nguy cơ động đất thay đổi, từ nguy cơ động đất cao liên quan đến quá trình hút chìm bên dưới quần đảo Indonesia và Philippines, đến nguy cơ động đất vừa phải trên khắp một khu vực rộng lớn bao gồm bán đảo Malaysia.

Tại Indonesia, hoạt động địa chấn xảy ra dày đặc hơn. USGS từng đánh giá chuyển động mặt đất cao hơn đáng kể so với quy định xây dựng hiện tại của nước này. Vùng Nam Sumatra của Indonesia là một trong những rìa mảng kiến tạo hoạt động địa chấn mạnh nhất trên thế giới.

Ở vùng Java của Indonesia, động đất thường gây ra thiệt hại từ sự rung chuyển, hoặc sóng thần do đứt gãy trên giao diện mảng và đứt gãy trong các mảng Úc hoặc Sunda.

Tại Thái Lan, theo USGS, nguy cơ động đất có xu hướng được kiểm soát bởi sự hút chìm và động đất sâu tại các địa điểm ven biển, các đứt gãy ở nhiều nơi thuộc phía Tây nội địa Thái Lan, và các sự kiện nền tương đối ít xảy ra ở vùng nội địa ổn định. Yếu tố chính góp phần gây ra nguy cơ động đất ở thủ đô Bangkok trong mảng Sunda ổn định. Hầu hết đứt gãy ở Thái Lan trong mô hình của USGS đều có cường độ đặc trưng với thời gian tái diễn là vài ngàn năm.

Đáng chú ý, hai đứt gãy có chu kỳ tái diễn theo thứ tự vài trăm năm là đứt gãy sông Hồng (chạy qua Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam), và đứt gãy Sagaing (kéo dài hơn 1.000km qua miền Trung Myanmar). Những đứt gãy này gây ra mối nguy hiểm cao nhất ở phía Bắc Đông Nam Á.

Vì vậy, dù nằm ngoài các khu vực diễn ra hoạt động địa chấn mạnh ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn có nguy cơ hứng chịu các trận động đất nhỏ hoặc bị ảnh hưởng bởi rung chấn từ các trận động đất mạnh trong khu vực. Minh chứng rõ nhất là hiện tượng rung lắc và nứt vỡ tại một số tòa nhà ở Hà Nội và TPHCM sau trận động đất ở Myanmar hôm 28-3.

Rủi ro và tổn thất

Năm 2023, Cơ quan Quản lý khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) từng dự báo, những trận động đất mạnh sẽ xảy ra ở châu Á trong những năm tới. Bản đồ rủi ro động đất của NOAA cho thấy, có 20% khả năng các khu vực rộng lớn của châu Á sẽ trải qua các trận động đất mạnh trong vòng 50 năm.

Bản đồ này xác định các khu vực gồm Bangladesh, Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Nepal, Indonesia, Papua New Guinea và Philippines là những nơi đặc biệt dễ xảy ra động đất mạnh.

Hoạt động kinh doanh tại châu Á có khả năng phải chịu nhiều rủi ro do động đất, bao gồm thiệt hại và gián đoạn chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng quan trọng, như giao thông, năng lượng và thông tin liên lạc. Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2022, cho thấy 72,4% trong số 30.000 bất động sản mà họ đánh giá tại châu Á - Thái Bình Dương phải chịu tác động của động đất.

Sự gián đoạn liên quan đến động đất rất có thể sẽ kéo dài trong vài tuần đến vài tháng. Các dư chấn trong những giờ, ngày và tuần sau trận động đất lớn gần như chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm thiệt hại và cản trở nỗ lực phục hồi.

Các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là Bangladesh, Philippines và Nepal, Myanmar có khả năng bị ảnh hưởng không cân xứng bởi động đất. Điều này là do chất lượng của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, mật độ dân số, mức độ chuẩn bị của các dịch vụ khẩn cấp và các nguồn lực sẵn có.

Dựa trên phân tích dữ liệu của NOAA, mức tăng 1% trong GDP bình quân đầu người có liên quan đến mức giảm 0,31% về số ca tử vong do động đất. Một trận động đất gần Kathmandu ở Nepal năm 2015, đã giết chết hơn 8.600 người. Trong khi đó, một trận động đất có cường độ tương tự ở New Zealand năm 2016 chỉ làm thiệt mạng 2 người.

Các quốc gia kém phát triển cũng có khả năng phải chịu thiệt hại lớn hơn về GDP so với các quốc gia phát triển hơn, bởi do cản trở các nỗ lực ứng phó. Nhật Bản, một trong những quốc gia có GDP cao nhất trong khu vực, đã phải chịu chi phí thiệt hại cao nhất do động đất trên toàn cầu trong thế kỷ qua, theo dữ liệu của NOAA.

Nhưng phân tích cho thấy quốc gia này không nằm trong 20 quốc gia hàng đầu khi tính theo tỷ lệ phần trăm GDP quốc gia. Các quốc gia có thu nhập cao hơn rất có khả năng có nhiều nguồn lực hơn để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các sự kiện kiến tạo lớn, giúp giảm mức độ gián đoạn đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngay cả cơ sở hạ tầng tinh vi hơn và các dịch vụ khẩn cấp được chuẩn bị tốt ở các quốc gia có thu nhập cao, cũng khó có thể giảm thiểu hoàn toàn các sự kiện kiến tạo cực đoan nhất. Các trận động đất có cường độ lớn nhất có thể làm tê liệt cơ sở hạ tầng trong bất kỳ quốc gia nào trong ít nhất vài tuần.

Ví dụ, trận động đất và sóng thần Tohoku có cường độ 9 richter ở Nhật Bản năm 2011, đã làm hư hại hơn 2.000 tuyến đường bộ và 26 tuyến đường sắt, khiến 4,4 triệu người không có điện và gây ra thiệt hại trị giá 235 tỷ USD.

Dù nằm ngoài các khu vực diễn ra hoạt động địa chấn mạnh ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn có nguy cơ hứng chịu các trận động đất nhỏ hoặc bị ảnh hưởng bởi rung chấn từ các trận động đất mạnh trong khu vực. Minh chứng rõ nhất là hiện tượng rung lắc và nứt vỡ tại một số tòa nhà ở Hà Nội và TPHCM sau trận động đất ở Myanmar hôm 28-3.

VĨNH CẨM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nguy-co-dong-dat-day-chuyen-o-dong-nam-a-post121932.html