Nguy cơ giá lương thực tăng cao khi Nga rút khỏi thỏa thuận với Ukraine

Nga đã quyết định đình chỉ tham gia thỏa thuận xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp từ các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen sau cuộc tấn công nhằm vào các tàu Nga tại bán đảo Crimea.

Tàu chở lúa mỳ qua cảng quốc tế Rostov-on-Don để chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu chở lúa mỳ qua cảng quốc tế Rostov-on-Don để chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, diễn ra từ ngày 24/2, đang diễn biến rất phức tạp giữa bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra cứng rắn, trong khi Mỹ và các đồng minh của Ukraine hỗ trợ khí tài và tiền bạc cho Ukraine.

Nga cáo buộc Ukraine, với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, đã tấn công các tàu của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol - thành phố lớn nhất ở Crimea.

* Thế giới nói gì?

Người đứng đầu Liên hợp quốc António Guterres cho biết, ông "quan ngại sâu sắc" về quyết định đình chỉ tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian của Nga và ông đã quyết định trì hoãn chuyến thăm nước ngoài để tìm cách khôi phục thỏa thuận và xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc ông Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang tham gia vào "các cuộc tiếp xúc căng thẳng nhằm mục đích đưa Nga trở lại thỏa thuận". Ông Guterres đã hoãn chuyến đi tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arập ở Algiers để tập trung vào vấn đề này, tuyên bố của ông Dujarric cho biết thêm.

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã giúp làm giảm giá lương thực trên thế giới. Người phát ngôn Oana Lungescu nói: “Chúng tôi kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình và nhanh chóng nối lại thỏa thuận, tạo điều kiện để lương thực đến tay những người cần nhất”.

Ở châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã thúc giục Nga đảo ngược quyết định. Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho biết trên Twitter: “Quyết định đình chỉ tham gia vào thỏa thuận Biển Đen của Nga dẫn đến nguy cơ cắt đứt con đường xuất khẩu chính của ngũ cốc và phân bón, vốn rất cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột ở Ukraine gây ra”.

Kể từ khi Nga và Ukraine ký kết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc hậu thuẫn tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22/7, hàng triệu tấn ngô, lúa mỳ, và đậu nành đã được xuất khẩu từ Ukraine. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Bộ trưởng Hulusi Akar đang đàm phán với những người đồng cấp Nga và Ukraine để nối lại thỏa thuận và yêu cầu các bên tránh mọi "hành động khiêu khích".

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi động thái của Nga là "hoàn toàn thái quá" và nói rằng động thái này sẽ làm gia tăng nạn đói, trong khi Ngoại trưởng Antony Blinken cáo buộc Nga vũ khí hóa lương thực.

Ngày sau đó, Đại sứ Nga tại Washington đã phản pháo lại những lời chỉ trích, nói rằng phản ứng của Mỹ mới là "thái quá" và rằng họ đang đưa ra những khẳng định sai lầm về Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã tấn công Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol bằng 16 máy bay không người lái vào sớm ngày 29/10 và rằng các "chuyên gia" của Hải quân Anh đã giúp điều phối cái mà nước này gọi là một cuộc tấn công khủng bố.

Nga cho biết, họ đã đẩy lùi cuộc tấn công nhưng các tàu bị nhắm mục tiêu có liên quan đến việc đảm bảo hành lang chuyên chở ngũ cốc ra khỏi các cảng Biển Đen của Ukraine.

Ukraine không phủ nhận cũng như xác nhận đã thực hiện vụ tấn công, trong khi quân đội Ukraine cho rằng chính người Nga phải chịu trách nhiệm về các vụ nổ đó. Trong khi đó, Anh đã bác bỏ cáo buộc này.

Ngày 29/10, Chánh Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga dàn dựng các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở của chính họ. Ukraine thường cáo buộc Nga sử dụng Hạm đội Biển Đen để bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu dân sự của Ukraine.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/TTXVN

* Rủi ro mất an ninh lương thực

Ra đời từ tháng Bảy, thỏa thuận ngũ cốc đã giúp khởi động lại các chuyến hàng từ Ukraine, cho phép nước này bán ra thế giới 5 triệu tấn hàng xuất khẩu mỗi tháng, bằng với mức trước khi cuộc xung đột nổ ra.

Hơn 9 triệu tấn ngô, lúa mỳ, các sản phẩm hạt hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu theo thỏa thuận này. Tuy nhiên, trước khi hết hạn vào ngày 19/11, Nga đã liên tục nói rằng có vấn đề nghiêm trọng với thỏa thuận và Ukraine phàn nàn rằng Nga đã chặn gần 200 tàu lấy hàng ngũ cốc.

Khi thỏa thuận được ký kết, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cho biết, khoảng 47 triệu người đã phải chịu "nạn đói nghiêm trọng" do cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến các chuyến hàng của Ukraine bị đình trệ, gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và khiến giá cả tăng vọt.

Thỏa thuận đảm bảo an toàn qua lại thành phố cảng Odesa và hai cảng khác của Ukraine trong điều mà một quan chức gọi là "lệnh ngừng bắn trên thực tế" đối với các tàu và cơ sở trong thỏa thuận.

Ngày 29/10, Nga nói với Tổng Thư ký Guterres trong một lá thư mà Reuters xem được rằng họ đình chỉ thỏa thuận "vô thời hạn" vì không thể "đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự" đi lại theo thỏa thuận.

Tổng thống Ukraine Zelenskiy cáo buộc Nga muốn leo thang khủng hoảng và nói rằng 218 tàu đã bị phong tỏa bởi quyết định này. Các nhà phân tích cho biết giá lúa mỳ trên thị trường thương phẩm quốc tế tăng vọt vào ngày 31/10, vì cả Nga và Ukraine đều nằm trong số những nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới.

Theo đó, giá lúa mỳ giao kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) đã tăng 5,5% lên 8,75 USD/bushel vào lúc 8 giờ 2 phút sáng (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao 8,93 USD/bushel trước đó. Ngoài ra, giá ngô và đậu tương cũng lần lượt cộng thêm 2,2% và 1%.

Tổng thống Zelenskiy cho biết, 40.000 tấn lúa mỳ đã được chất lên một con tàu tại cảng Chornomorsk và dự định đến Ethiopia, nơi theo ông đang ở "trên bờ vực của nạn đói", cũng giống như Yemen và Somalia – các quốc gia đang đối mặt với "thảm họa" thiếu lương thực.

Ông nói: “Chuyến tàu đã sẵn sàng khởi hành, nhưng giống như những con tàu chở nông sản khác, nó buộc phải chờ đợi bởi vì động thái từ Nga”.

Tổng thống Ukraine kêu gọi phản ứng mạnh mẽ từ Liên hợp quốc và Nhóm 20 nền kinh phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đối với cái mà ông gọi là động thái vô lý của Nga trong thỏa thuận ngũ cốc. Động thái này đe dọa nạn đói quy mô lớn ở châu Phi và châu Á.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho rằng Nga đang cố gắng sử dụng cuộc xung đột tại Ukaine làm cái cớ để vũ khí hóa lương thực. Điều này tác động trực tiếp đến các quốc gia có nhu cầu và giá lương thực toàn cầu, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và tình trạng mất an ninh lương thực.

Ngày 31/10, Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen với một kế hoạch trung chuyển cho 16 tàu hàng, bao gồm 12 chuyến tàu ra và 4 chuyến tàu vào Ukraine./.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguy-co-gia-luong-thuc-tang-cao-khi-nga-rut-khoi-thoa-thuan-voi-ukraine/264124.html