Nguy cơ gia tăng đối đầu giữa Nga và phương Tây ở Biển Đen sau sự cố UAV
Biển Đen từ lâu đã là một trong những 'đấu trường' cạnh tranh giữa Nga và phương Tây. Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng sự đối đầu tại khu vực này.
Nếu xếp hạng các địa điểm trên toàn cầu mà quân đội Mỹ và Nga có thể chạm trán với nhau, Biển Đen có lẽ sẽ nằm gần đầu danh sách.
Vùng biển nằm ở sườn Đông Nam châu Âu từ lâu đã trở thành đấu trường cạnh tranh quốc tế giữa một bên là Mỹ và các đồng minh châu Âu với một bên là Nga và các nước nằm trong không gian ảnh hưởng của của Moscow. Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến sự đối đầu gia tăng.
Vụ việc giữa tiêm kích Nga và máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ hôm 14/3 là lời cảnh báo đối với nhiều quốc gia đang hoạt động trong và xung quanh Biển Đen về khả năng khu vực này trở thành một điểm nóng, cho dù là vô tình hay cố ý.
Ông Ian Lesser, Phó Chủ tịch Quỹ Marshall Đức (trụ sở tại Mỹ) cho biết: “Mọi thứ luôn phức tạp và vẫn đang phức tạp, nhưng nguy cơ hiện nay cao hơn nhiều so với trước đây. Cuộc xung đột [ở Ukraine] càng kéo dài, nguy cơ mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát càng cao”.
“Đấu trường” cạnh tranh giữa Nga và phương Tây
Biển Đen có diện tích lớn hơn so với bang California của Mỹ, có 6 quốc gia ven Biển. 3 trong số đó, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria là thành viên NATO, trong khi những nước khác, như Ukraine, vốn thân thiện với liên minh quân sự này, từ lâu đã coi Biển Đen là thiết yếu trong nỗ lực kiềm chế Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng lớn đối với Biển Đen do nước này kiểm soát 2 eo biển Dardanelles và Bosporus, con đường mà tàu thuyền phải đi qua khi muốn ra/vào Biển Đen. Công ước Montreux năm 1936 trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền đóng cửa các eo biển này đối với hầu hết các phương tiện giao thông quân sự trong thời chiến. Ankara đã thực hiện quyền này sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đầu năm 2022.
Biển Đen có vai trò rất quan trọng đối với những nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mở rộng ảnh hưởng của Moscow. Điểm quan trọng nhất trong chiến lược của Nga là sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Điều này đã nâng cao vị thế của Nga ở Biển Đen và trao cho Nga quyền kiểm soát Sevastopol, hiện là cảng nước ấm duy nhất của Nga.
Kể từ năm 2014 đến nay, Nga đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan năm 2016 từng cảnh báo rằng vùng biển này “gần như đã trở thành một cái hồ của Nga”.
Các đối thủ của Nga đã phản ứng bằng cách tăng cường tập trận quân sự xung quanh Biển Đen. Các thành viên NATO thường xuyên thực hiện chuyến bay giám sát, Mỹ và Anh cũng nhiều lần điều động tàu chiến tới khu vực này.
Sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, cả Nga và phương Tây tiếp tục mở rộng hoạt động ở Biển Đen.
“Căng thẳng ở Biển Đen rõ ràng đã gia tăng sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát”, ông Arda Mevlutoglu, một nhà phân tích quốc phòng độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.
Cuộc xung đột gây phức tạp cho thương mại hàng hải của các quốc gia Biển Đen. Việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine từ các cảng ở Biển Đen cũng bị ảnh hưởng, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực ở các nước nghèo.
Thổ Nhĩ Kỹ đã làm trung gian dàn xếp một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hơn 22 triệu tấn ngũ cốc Ukraine qua các vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa các eo biển đối với hầu hết các tàu quân sự là nhằm ngăn Nga tăng cường lực lượng hải quân chống lại Ukraine bằng cách điều động tàu từ các căn cứ khác, nhưng đồng thời cũng ngăn không cho tàu của Mỹ và các thành viên NATO khác vào Biển Đen.
Ông Yoruk Isik, một học giả tại Viện Trung Đông, người theo dõi chặt chẽ giao thông hàng hải qua các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết hiện tại chỉ có tàu thuyền của các quốc gia ven Biển Đen mới được hoạt động trong khu vực.
Trong số đó, chỉ có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng hải quân hùng mạnh, ông Isik nói. Romania và Bulgaria có lực lượng nhỏ hơn, Gruzia chỉ có lực lượng bảo vệ bờ biển và hoạt động của các tàu Ukraine rất phức tạp do xung đột.
Nguy cơ sự cố vượt tầm kiểm soát
Tuy nhiên, bầu trời vẫn mở. Vì vậy, các thành viên NATO đã tăng cường các chuyến bay giám sát trên và xung quanh Biển Đen và Nga cũng đã đáp trả bằng cách điều động máy bay chiến đấu.
Lầu Năm Góc cho biết chiếc UAV rơi xuống Biển Đen hôm 14/3 không được trang bị vũ khí và cất cánh từ Romania để thực hiện một chuyến bay giám sát thông thường. Phía Mỹ cho rằng, các máy bay Nga đã chặn chiếc UAV ở vị trí cách Crimea 120km về phía Nam và xả nhiên liệu lên chiếc UAV này. Máy bay Nga cũng áp sát UAV của Mỹ một cách “nguy hiểm”.
Theo Lầu Năm Góc, một trong hai chiếc Su-27 của không quân Nga đã “đâm vào cánh quạt của MQ-9” khiến nó bị rơi xuống biển.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Theo Moscow, UAV MQ-9 Reaper bị rơi xuống biển là do máy bay bị mất điều khiển. Nga cũng khẳng định các máy bay của nước này đã “không sử dụng vũ khí hay tiến lại gần UAV Mỹ”. Bên cạnh đó, Nga cáo buộc UAV của Mỹ đã “di chuyển lại gần khu vực biên giới của Liên bang Nga”.
Các quan chức Mỹ trong những tháng gần đây bày tỏ lo ngại rằng một số sự cố trên Biển Đen, thậm chí là một vụ va chạm ngẫu nhiên hoặc thông tin sai lệch, có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Vụ rơi UAV ở Biển Đen đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga, mặc dù không bên nào thể hiện khuynh hướng cho phép tình hình leo thang.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hoạt động quân sự trong và xung quanh Biển Đen cũng như những nơi khác gia tăng. Cuộc xung đột này càng kéo dài, khả năng xảy ra những sự cố như vậy càng lớn.
Ông Lesser thuộc Quỹ Marshall Đức cho biết: “Điều đó cho thấy, khu vực địa lý tiềm tàng của sự đối đầu và leo thang rộng hơn nhiều so với những gì người ta có thể thấy khi đọc tin tức hàng ngày”./.