Nguy cơ khủng bố từ các nhóm lính đánh thuê
Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise đã đẩy Haiti, quốc gia 11 triệu dân vào khủng hoảng mới sau hàng thập niên chịu đựng thảm họa thiên nhiên, các chế độ độc tài và sự xâm lược của các quốc gia khác.
Một ngày sau vụ ám sát, cảnh sát Haiti đã tiêu diệt 4 sát thủ, bắt sống 17 sát thủ khác mang quốc tịch Colombia và 2 công dân Mỹ gốc Haiti. 11 sát thủ bị bắt khi đang trốn trong Đại sứ quán Đài Loan.
Cho tới lúc này cảnh sát Haiti đang điều tra danh tính và mục đích của những kẻ đã thuê nhóm sát thủ người Colombia ám sát Tổng thống. Tuy nhiên, từ vụ trọng án này cũng thêm một lời cảnh báo cho thế giới về nguy cơ khủng bố từ các nhóm lính đánh thuê người Colombia.
Chân dung nhóm sát thủ
Vào đầu tháng 6-2021, khi Manuel Antonio Grosso Guarin đến Dominia trên chuyến bay mang số hiệu 252 của Hãng hàng không Avianca và làm thủ tục nhập cảnh.
Bộ phận nhập cảnh ở sân bay đông nghẹt người Punta Cana không chú ý đến người đàn ông 41 tuổi đến từ Colombia cho lắm vì ông ta cũng chỉ là 1 trong số hàng trăm khách du lịch tới nghỉ dưỡng ở thị trấn Punta Cana. Tuy nhiên, kế hoạch thực sự của cựu lính đặc nhiệm Manuel là đến Dominica sau đó vượt biên sang Haiti với “nhiệm vụ” ám sát Tổng thống Moise.
Manuel từng là một thành viên của biệt đội bảo vệ quan chức và chống khủng bố tinh nhuệ Colombia có mật hiệu là Afeur. Afeur được thành lập năm 1986 sau khi quân phiến loạn đột nhập tòa án tối cao, bắt cóc và giết hại hàng loạt thẩm phán.
Trong suốt quá trình vượt biên từ Dominica vào Haiti, Manuel cải trang thành một khách du lịch bình thường. Thậm chí hắn còn có thời gian tham quan một loạt di tích lịch sử, tạo dáng chụp ảnh và đăng lên Facebook.
Tên sát thủ này tham quan Hải đăng Columbus, và đặc biệt hơn, chỉ một thời gian ngắn trước khi tham gia ám sát tổng thống, hắn đã chụp ảnh chiếc xe ô tô chống đạn được chế tác để bảo vệ Giáo hoàng John Paul II khi ngài đến Dominica năm 1992.
Sau Manuel, 11 sát thủ từ thủ đô Bogota của Colombia đã đặt chân đến Punta Cana vào chiều 4-6. Chúng bao gồm: Víctor Alberto Pineda, Manuel Antonio Grosso Guarín, Jhon Jairo Ramírez, Jhon Jairo Súarez, Germán Alejandro Rivera García, Maiger Franco Castaneda, Ángel Mario Yarce Sierra, Carlos Giovanny Guerrero, Francisco Eladio Uribe Ochoa, Mauricio Javier Romero Medina và Alejandro Giraldo Zapata.
Trong số 11 tên này có Francisco Eladio Uribe Ochoa là kẻ đang bị Chính phủ Columbia điều tra do bị nghi ngờ bắt cóc, giết hại dân thường, sau đó “phù phép” thi thể những người dân vô tội thành lính phe đối địch để kiếm thêm tiền thưởng và nâng thành tích chiến đấu. Vụ bắt giữ này là một đòn đánh mạnh vào chiến lược ngoại giao của Colombia cũng như nỗ lực rũ bỏ tai tiếng “lò đào tạo sát thủ” của quốc gia Châu Mỹ.
Nguời dân thủ đô phẫn nộ đến mức họ bao vây đồn cảnh sát, đốt phá 3 chiếc xe hơi của các nghi phạm và còn định lôi 2 nghi phạm đi để tự mình thực thi công lý.
Nhằm xoa dịu người dân Haiti, chính quyền cho phát sóng trực tiếp hình ảnh các sát thủ bị bắt trói để áp giải đến Sở Cảnh sát Quốc gia Haiti, tuy nhiên cơn giận dữ chỉ thực sự biến mất khi ông Leon Charles thông báo đã bắt được 2 kẻ đứng đằng sau vụ ám sát vào ngày 8-7 vừa qua. Theo ông Mathis Piere, Bộ trưởng Bộ Đảng phái và Bầu cử, 2 kẻ chủ mưu là James Solages, 35 tuổi và Joseph Vincent, 55 tuổi - đều là công dân Mỹ gốc Haiti.
James Solages là giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo trì tên EJS, được thành lập năm 2019 tại Florida, Mỹ và hắn ta thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có số vốn 11.000 USD trong cùng năm với mục đích cứu trợ nhân đạo cho đất nước Haiti.
Trang web của tổ chức tên FWA SA A Jacmel Avan mô tả James là một “kĩ sư xây dựng cơ sở hạ tầng”, một “nhân viên ngoại giao được đào tạo” và từng “đảm nhận chức vụ trưởng bộ phận an ninh tại Đại sứ quán Canada ở Haiti”.
Thông tin trên trang Facebook cá nhân của tên này bổ sung rằng hắn là một diễn viên có tiềm năng, từng theo học trường dạy nghề ở Florida, hiện đang sinh sống tại thành phố Fort Lauderdale, Mỹ và quê hương của James là thành phố Jacmel, Haiti.
Chú ruột của James là ông Schubert Dorisme cùng toàn thể gia đình hắn đều kinh ngạc khi biết hắn có liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Haiti. Ông Dorisme đã đứng ra xin lỗi gia đình Tổng thống cùng người dân cả nước và khẳng định ông không hề biết gì về ý định phạm tội của James do cháu của ông chưa hề có tiền án tiền sự và cũng không được huấn luyện quân sự.
Người thân của James không rõ hắn đã ở lại Haiti trong bao lâu trước khi vụ ám sát xảy ra, nhưng đúng là trước đó hắn có bay từ Mỹ về Haiti khoảng 4-5 lần để thiết lập quỹ từ thiện tại thị trấn quê hương Jacmel - nơi hắn từng tranh cử chức thị trưởng và thất bại thảm hại. Tuy nhiên, James có khuynh hướng chính trị cực đoan và ông Dorisme suy đoán đó có thể là động cơ gây án của cháu trai.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối bình luận về quốc tịch của James do cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng vụ bắt giữ là có thật.
Tờ Le Nouvelliste dẫn lời các thẩm phán đã tham gia thẩm vấn James và Joseph cho thấy 2 nghi phạm một mực chối tội chủ mưu và chỉ nhận mình là phiên dịch cho nhóm sát thủ: “Các nghi phạm khai rằng mình đã tìm thấy công việc trả lương cao này trên Internet. Các sát thủ không hề có ý định sát hại ông Moise mà chỉ định bắt giữ ông để phục vụ một cuộc điều tra bí mật”.
Đại tướng Jorge Luis Vargas Valencia, Bộ trưởng Bộ An ninh Colombia, cho biết kết quả điều tra ban đầu cho thấy có 4 công ty tư nhân có liên quan đến việc “tuyển dụng” các lính đánh thuê đã ám sát Tổng thống Moise.
Ngoài ra, Colombia cũng đang nỗ lực hợp tác với Haiti bằng cách cung cấp toàn bộ tên tuổi, thông tin giao dịch ngân hàng và các chuyến bay của các nghi phạm.
Những kẻ đánh thuê thiện chiến
Vụ ám sát đẫm máu này không phải phi vụ đầu tiên của lính đánh thuê người Colombia. Trên thực tế, những sát thủ này đã xuất hiện ở nhiều vùng chiến sự trên thế giới bao gồm Yemen, Iraq, Israel và Afghanistan trong suốt nhiều thập niên. Họ được lính đặc nhiệm Mỹ huấn luyện, sau đó dành nhiều năm chiến đấu chống lại các nhóm phản loạn và băng nhóm buôn ma túy ở Colombia.
Vấn nạn lính đánh thuê của Colombia bùng lên một phần vì quốc gia này luôn có thừa binh lính. Quân đội Colombia có tới 220.000 binh sĩ và mỗi năm, hàng nghìn người xin giải ngũ do lương thấp, không có cơ hội thăng tiến hoặc đã đến tuổi nghỉ hưu.
Hội trưởng Hội Cựu chiến binh Colombia John Marulanda ước tính, hàng năm có khoảng 10.000-15.000 người rời quân ngũ và do lương hưu cùng trợ cấp quá thấp, nhiều người chọn đầu quân cho các nhà thầu quân sự tư nhân ở các quốc gia khác.
Ông Marulanda thừa nhận vụ ám sát ở Haiti là một ví dụ điển hình cho những “phi vụ” mờ ám mà các nhà thầu quân sự thường mượn tay lính đánh thuê Colombia. Vợ của một nghi phạm liên quan đến vụ ám sát cũng khai rằng một công ty đã trả hắn ta 2.700 USD để giết hại ông Moise.
Ông Addam Isacson, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến dịch quốc phòng của Viện Nghiên cứu Mỹ-La tinh tại Washington lập luận rằng sau nhiều năm chiến tranh, Colombia hiện có thừa những lính đặc nhiệm được huấn luyện bài bản, và các nhà thầu quân sự ở Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Trung Đông, các băng nhóm buôn ma túy ở Châu Mỹ sẵn sàng trả họ rất nhiều tiền để làm vệ sĩ hoặc thậm chí sát thủ.
Tờ New York Times từng đưa tin về việc năm 2011, công ty Blackwater thuê hẳn một máy bay riêng chở hàng chục cựu binh Colombia đến Abu Dhabi để canh gác tài sản của một số tỉ phú, và năm 2015, UAE đã thuê hàng trăm sát thủ đổ bộ xuống Yemen để tiêu diệt quân phiến loạn Houthi.
Theo nhà nghiên cứu tội phạm học Jorge Mantilla, sát thủ Columbia được ưa chuộng vì họ cực kì thiện chiến, có kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm do xuất thân từ quân ngũ, lấy giá rẻ bằng 1/5 lính Mỹ và luật pháp quốc tế hiện chưa thể chạm đến các nhà thầu thuê lính nước ngoài để chiến đấu ở nhiều lãnh thổ khác nhau.
Ông Mantilla khẳng định cho dù những công ty này được thành lập một cách hợp pháp nhưng đa số phi vụ làm ăn của họ đều vi phạm pháp luật và trách nhiệm sẽ đổ lên đầu những người lính.
Nguy cơ cuộc khủng hoảng mới ở Haiti
Hiện tại, Haiti đã tạm thời cấm các chuyến bay thương mại nhập cảnh, còn nước láng giềng Dominica đã đóng biên giới với Haiti. Động cơ của vụ ám sát vẫn chưa được làm rõ và nhiều chuyên gia đánh giá đây là cái kết đẫm máu cho nhiệm kì đầy tranh cãi của cố Tổng thống Moise.
Ông Moise, vốn là một doanh nhân xuất khẩu chuối giàu có, lên nắm quyền từ năm 2017 và cho dù nhiệm kì của ông đã hết hạn năm 2020, ông vẫn từ chối chuyển giao quyền lực và tổ chức cuộc bầu cử mới. Uy tín của ông Moise đã suy giảm nghiêm trọng do các băng đảng bạo lực thống trị Haiti, khủng bố dân lành qua hàng loạt cuộc bắt cóc và thảm sát…
Giáo sư Robert Fatton, hiện đang giảng dạy môn Chính trị và Quan hệ Quốc tế ở Đại học Virginia, Mỹ nhận định: “Ông Moise có quá nhiều kẻ thù. Có một số người tin rằng lính gác của ông đã hợp tác với thủ phạm”.
Bà Alussa Goldstein Sepinwall, nhà nghiên cứu chính trị Haiti hiện đang giảng dạy tại Đại học bang California, cho biết trong nhiệm kì kéo dài 4 năm, cố Tổng thống Moise đã gây thù với nhiều thế lực đến mức rất khó để đoán xem kẻ đã sử dụng lính đánh thuê Columbia để giết hại ông Moise là ai. Hiện tại, bà tin rằng kẻ chủ mưu có thể là những nhóm tài phiệt Haiti, các băng nhóm buôn ma túy Nam Mỹ...
Haiti hiện vẫn chưa tổ chức bầu cử tổng thống chính thức, nhưng người đứng đầu Cục cảnh sát Haiti, ông Leon Charles đã tuyên bố mình sẽ là tổng thống kế tiếp. Thế nhưng bác sĩ thần kinh Ariel Henry đã phản đối phát ngôn này của ông Charles trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Nouvelliste.
Trên thực tế, ông Moise đang trong quá trình chuyển giao quyền lực cho bác sĩ Henry. Phát ngôn mới đây nhất của ông Henry cũng cho thấy ông đang rất cẩn thận với tình trạng hỗn loạn của đất nước: “Tôi không muốn đổ thêm dầu vào lửa. Chúng ta không nên khiến Haiti bùng cháy”.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nguy-co-khung-bo-tu-cac-nhom-linh-danh-thue-650276/