Nguy cơ khủng hoảng di cư từ Ecuador và Haiti
Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cảnh báo hàng nghìn người có thể bị buộc phải rời khỏi Ecuador và Haiti trong năm 2024 do khủng hoảng nhân đạo, bạo lực leo thang, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng.
Báo cáo của IRC công bố ngày 14/2 được phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh trích dẫn chỉ rõ Ecuador và Haiti đã trải qua nhiều cuộc di cư lớn trong những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế, lương thực và an ninh của hai nước này suy giảm.
Theo cơ quan di cư Panama, năm ngoái, hơn 57.000 người Ecuador và 46.000 người Haiti đã vượt qua khu rừng rậm nguy hiểm Darien, biên giới tự nhiên giữa Colombia và Panama, để tiến về phương Bắc. Con số nêu trên đã vượt xa “kỷ lục buồn” ghi nhận năm 2022.
Người đứng đầu cơ quan IRC khu vực, ông Julio Rank Wright, dẫn các số liệu cho thấy cuộc khủng hoảng ở Haiti và Ecuador đang tạo ra hiệu ứng domino trên toàn khu vực Mỹ Latinh.
Theo đại diện IRC, xung đột giữa lực lượng chính phủ Ecuador và các nhóm tội phạm đang gia tăng. Làn sóng bạo lực lại nổi lên vào tháng trước sau khi một thủ lĩnh băng đảng trốn thoát khỏi nhà tù, thể hiện rõ nhất là khi một nhóm vũ trang xông thẳng vào một buổi truyền hình tin tức trực tiếp.
Ông Wright cũng lo ngại khả năng Ecuador phải hứng chịu lũ lụt do hiện tượng khí hậu El Ninõ gây ra trong năm nay. Lượng mưa trên mức trung bình có thể làm xói mòn các khu vực nông nghiệp và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực tại Ecuador.
Trong khi đó, Haiti tiếp tục rung chuyển trong làn sóng bạo lực khi các băng nhóm tội phạm ngày càng gia tăng tầm kiểm soát sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise năm 2021.
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm xuyên quốc gia, hiện có khoảng 200 băng nhóm vũ trang hoạt động ở quốc gia Caribe này, trong khi các cuộc biểu tình và đụng độ chống chính phủ thường xuyên diễn ra.
Đại diện IRC cảnh báo rằng nếu không có một hệ thống chính trị hoạt động tốt, Chính phủ Haiti sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết bạo lực và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ và mặc dù Kenya đã đồng ý lãnh đạo lực lượng đa quốc gia tới Haiti nhưng kế hoạch này hiện đang đối mặt khó khăn về tổ chức và tài chính, và chưa biết khi nào có thể được triển khai.
IRC dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm xuyên quốc gia cho thấy các băng nhóm tội phạm đã mở rộng tầm kiểm soát tới các vùng nông thôn, chiếm đất nông nghiệp và đe dọa nông dân, do đó tình trạng mất an ninh lương thực tại Haiti nhiều khả năng sẽ càng trở nên trầm trọng hơn trong năm 2024.
IRC nhận định rằng cả Ecuador và Haiti đều phải đối mặt với rất nhiều trở ngại để nhận viện trợ. Tổ chức này kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra cam kết tài chính cụ thể, trong bối cảnh gần một nửa dân số Haiti cần viện trợ nhân đạo và khoảng 40% người dân Ecuador sống dưới mức nghèo khổ.