Nguy cơ kích hoạt 'bom hẹn giờ' Trung Đông

'Chảo lửa' Trung Đông vốn đã chẳng yên ả nay lại được 'đổ thêm dầu' sau khi một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát ngay ở trong nước.

Al Jazeera dẫn nguồn từ truyền thông Iran cho biết, ông Mohsen Fakhrizadeh, người được phương Tây và Israel coi là “kiến trúc sư” của chương trình hạt nhân Iran, đã tử vong tại bệnh viện do bị thương nặng trong một cuộc phục kích tại thành phố Absard, phía đông thủ đô Tehran ngày 27-11. Một nhóm tay súng đã đánh bom một chiếc xe bán tải, trước khi nổ súng vào xe chở ông Fakhrizadeh cùng các vệ sĩ. Hiện chưa rõ danh tính của những tay súng này. Bộ Quốc phòng Iran xác nhận đây là một vụ ám sát.

Reuters trích lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28-11 chính thức lên tiếng quy trách nhiệm cho Israel đứng sau vụ tấn công này. “Lính đánh thuê Israel là những kẻ thực hiện. Sự hy sinh của ông Mohsen Fakhrizadeh sẽ không làm chậm thành tựu của chúng ta”, ông Rouhani tuyên bố. Nhà lãnh đạo Iran khẳng định nước này sẽ “báo thù” cho ông Fakhrizadeh vào một “khoảng thời gian phù hợp” chứ không hành động vội vàng.

 Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Reuters

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Reuters

Trước đó, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định Tehran “cần phải trừng phạt tội ác này, trị tội hung thủ gây án cùng những kẻ chỉ đạo”. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên trang Twitter cá nhân rằng “nhiều chỉ dấu khẳng định vai trò của Israel trong vụ ám sát” và kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu, lên án hành động khủng bố này. Trong bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi nhấn mạnh: “Iran bảo lưu quyền tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân dân và bảo đảm các lợi ích của đất nước”, kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ ám sát và có các biện pháp phù hợp đối với “những kẻ gây tội ác”. Về phần mình, Phó phát ngôn viên của TTK LHQ Farhan Haq hối thúc sự kiềm chế và cần thiết phải tránh mọi hành động có thể dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng trong khu vực, theo Reuters.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối bình luận. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng chưa lên tiếng. Ngoài ra, chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ việc.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết, ông Fakhrizadeh đóng vai trò quan trọng trong các đổi mới quốc phòng và tham gia vào công tác phòng thủ hạt nhân của Iran, song không nêu chi tiết. Tuy nhiên, chính quyền Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ông Fakhrizadeh vào năm 2008 với lý do “nhà khoa học này góp phần phát triển chương trình hạt nhân của Iran”. Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế năm 2011 cũng xác định ông Fakhrizadeh là “một nhân vật chủ chốt trong nỗ lực phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân của Iran”.

Dù chưa thể đi đến kết luận chính thức về vụ việc nhưng hành động ám sát nhà khoa học Iran này sẽ châm ngòi “thùng thuốc súng” Trung Đông. Không loại trừ khả năng sau khi tuyên bố cáo buộc Israel, chính quyền Tehran có thể phát động các hành động trả đũa Nhà nước Do Thái hay thậm chí là căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực, từ đó dẫn đến nguy cơ bùng phát đối đầu quân sự trực diện tại khu vực. Điều này không khác gì vụ tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ bên ngoài sân bay quốc tế tại thủ đô Baghdad của Iraq hồi tháng 1 vừa qua.

Một kịch bản khác cũng được tính đến là việc Iran sẽ quyết định quay lại quá trình làm giàu urani. Việc ông Fakhrizadeh bị ám sát có thể làm chậm tiến độ chương trình hạt nhân của Iran nhưng điều này vô hình trung tạo ra áp lực chính trị để Iran khôi phục kho nhiên liệu hạt nhân mà chính quyền Tehran từ bỏ vào năm 2015 khi đặt bút ký vào Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Không lâu sau khi truyền thông Iran xác nhận về vụ ám sát, người dân Iran đã xuống đường biểu tình, kêu gọi trục xuất các thanh sát viên quốc tế đang theo dõi chương trình hạt nhân ở Iran. Những lo ngại về số phận của văn bản này sẽ lại càng hiển hiện sau vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Nếu JCPOA sụp đổ, Trung Đông và thế giới có thể lại rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nguy-co-kich-hoat-bom-hen-gio-trung-dong-645120