Nguy cơ lây lan bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện lần đầu trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 11/2020 tại huyện Vân Hồ. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc tiếp tục diễn biến phức tạp, với 20 xã ở 7 huyện phát sinh dịch, phát hiện và tiêu hủy gần 140 con trâu bò, nguy cơ lây lan diện rộng rất lớn. Công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục cần được tăng cường, không được chủ quan, lơ là.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn người dân xã Viêng Lán (Yên Châu) tiêm phòng dịch viêm da nổi cục.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn người dân xã Viêng Lán (Yên Châu) tiêm phòng dịch viêm da nổi cục.

Viêng Lán là xã phát hiện dịch bệnh viêm da nổi cục đầu tiên trên địa bàn huyện Yên Châu. Ngay khi phát sinh dịch bệnh, xã Viêng Lán đã thành lập 3 chốt kiểm dịch tại bản Nà Và và bản Huổi Hẹ; thành lập tổ phản ứng nhanh của xã thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi của các hộ gia đình tại 3 bản giáp ranh và phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện tiêm phòng 640 liều vắc xin cho trâu bò trên địa bàn xã (trừ con nhỏ dưới 6 tháng và những con chửa); vận động các hộ chăn nuôi ký cam kết tuyệt đối không vận chuyển, buôn bán gia súc vùng dịch ra khỏi địa bàn. Ông Lừ Văn Sán, bản Nà Và, chia sẻ: Ngay khi có kết quả xét nghiệm bò mắc bệnh viêm da nổi cục, gia đình tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy bò mắc bệnh. Đồng thời, phun khử trùng chuồng trại, thực hiện nuôi nhốt bò tại chuồng, không chăn thả, ngăn chặn không cho nguồn bệnh lây lan.

Cho đến thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục ở Yên Châu vẫn được kiểm soát tốt, chỉ có 5 con bò mắc bệnh của 3 hộ trên địa bàn bản Nà Và (Viêng Lán) và bản Mệt Sai (Sặp Vạt). Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Tổng đàn gia súc của huyện Yên Châu khoảng 30.000 con. Huyện đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch; cấp hóa chất cho các hộ ở vùng dịch và các xã lân cận thực hiện phun tiêu độc khử trùng; tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm phòng bệnh cho 1.000 con trâu, bò ở xã phát sinh dịch và một số bản giáp ranh nguy cơ lây lan cao. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát nghiêm hoạt động mua bán, vận chuyển đại gia súc trên địa bàn, nhất là khu vực phát sinh dịch. Theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm bệnh và tổ chức việc tiêu hủy đúng quy định đối với trâu, bò mắc bệnh; lập hồ sơ hỗ trợ các hộ có trâu, bò tiêu hủy. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của các hộ dân hạn chế, vẫn chăn thả trâu, bò; một số hộ dân vẫn lơ là, chủ quan trong thực hiện phòng chống dịch bệnh.

Còn tại huyện Thuận Châu, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện ở 4 bản, thuộc các xã: Chiềng Pha, Phổng Lái, Tông Cọ. Nguyên nhân bệnh viêm da nổi cục xâm nhập được xác định do hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc từ tỉnh thành lân cận vào địa bàn. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Ngay khi điều tra, phát hiện nguyên nhân, huyện đã chỉ đạo địa phương truy vết, xác định 4 con bò mới được mua bán, vận chuyển từ Điện Biên vào địa phương. Ngoài con bò nhiễm bệnh đã tiêu hủy, 3 con bò còn lại đã tách đàn, nuôi nhốt riêng để tiếp tục theo dõi. Đồng thời, cung ứng 236 lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng tại khu vực ổ dịch và nghi có dịch. Thành lập 4 chốt kiểm dịch liên ngành ở xã Chiềng Pha và Tông Cọ, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Thời điểm này, trời nắng nóng các loại côn trùng phát triển mạnh, các véc tơ truyền bệnh mạnh, nguy hiểm, bán kính lên tới 50 km. Hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc ở các khu vực giáp ranh tỉnh, thành lân cận vẫn diễn ra và gây khó khăn trong công tác kiểm soát, nhất là vận chuyển các thực phẩm gia súc bằng xe khách. Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển tại 3 chốt kiểm dịch trên quốc lộ 6 và quốc lộ 37.

Cùng theo lời ông Toàn, vấn đề hiện nay là tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi giữ gìn vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị đủ hóa chất cung cấp cho các địa phương phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong tháng 4. Xây dựng, kế hoạch và vận động xã hội hóa tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò toàn tỉnh. Hiện nay, thông qua hình thức xã hội hóa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đã phối hợp với các xã triển khai cho các hộ chăn nuôi đăng ký tiêm phòng viêm da nổi cục cho trâu bò và tự nguyện chi trả phí, đã có hơn 9.000 liều vắc xin viêm da nổi cục được tiêm phòng trên địa bàn huyện.

Tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các địa phương thì người dân cần chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn. Giải pháp hữu hiệu là đẩy mạnh huy động xã hội hóa, nhanh chóng tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, ưu tiên tiêm phòng ở những vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nguy-co-lay-lan-benh-viem-da-noi-cuc-o-trau-bo-38954