Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm
Hà Nội vừa tiêu hủy gần 20.000 gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N6. Trước tình hình trên, sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện, đặc biệt là hai huyện Chương Mỹ, Mê Linh triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm không để lây lan ra diện rộng.
Với gần 34 triệu con gia cầm, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2019, Hà Nội đang là thành phố có đàn gia cầm lớn nhất cả nước. Trong đó đàn gà là 26,6 triệu con (gà sinh sản gần 7 triệu con), đàn vịt, ngan trên 7 triệu con (vịt, ngan sinh sản gần 4 triệu con). Trong khi đó, chăn nuôi gia cầm tập trung mới chiếm có 10% tổng đàn nuôi toàn thành phố (hơn 3 triệu con) tại 290 công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, trung tâm, doanh nghiệp; đàn chim cút nuôi có 504 hộ chăn nuôi tổng đàn khoảng 4,4 triệu.
Theo các chuyên gia thú y, nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm trên diện rộng là rất cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bởi các hộ chăn nuôi vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên, công tác chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp. Sở NNPTNT Hà Nội thông tin: Từ khi bùng phát hồi tháng 2/2020 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 7 thôn ở 6 xã thuộc 2 huyện (Chương Mỹ và Mê Linh). Hiện, có 13 hộ chăn nuôi có gia cầm mắc bệnh. Số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 19.786 con.
Theo đó, nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm hiện vẫn rất cao. Sở dĩ vậy là bởi các ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP đều xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm. Trong khi đó, tổng đàn gia cầm thương phẩm toàn TP chiếm tỷ lệ cao (gần 60%), do khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm.
Ngoài ra, nguy cơ lây lan còn là do Hà Nội cũng là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn từ các tỉnh khác về nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp không ít khó khăn.
Trước tình hình trên, Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện, đặc biệt là hai huyện Chương Mỹ, Mê Linh triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm không đế lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, chỉ đạo hệ thống thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tới tận hộ chăn nuôi, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có ổ dịch xảy ra…
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm nói riêng, dịch bệnh động vật nói chung, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các địa phương cần bố trí lực lượng phối hợp với cán bộ thú y tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia cầm. Đồng thời kiên quyết ngăn chặn việc đưa gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bệnh... vào giết mổ. Các xã có dịch cần lập chốt kiểm dịch, tránh tình trạng vận chuyển gia cầm đi nơi khác tiêu thụ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/nguy-co-lay-lan-dich-cum-gia-cam-tintuc462603