Nguy cơ lây nhiễm bệnh do virus rất cao từ động vật hoang dã

Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) ghi nhận 1.777 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực động vật hoang dã (ĐVHD) bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong năm qua.

Trong đó, có 146 vụ vận chuyển, 979 vụ mua bán và quảng cáo, 610 vụ nuôi nhốt trái phép ĐVHD. Các nhóm loài bị thương mại bất hợp pháp chủ yếu gồm: gấu, hổ, tê giác, ngà voi, tê tê, rùa biển.

Đồng thời, trong năm 2019, có 321 cá thể ĐVHD còn sống được các cơ quan chức năng tịch thu sau khi tiếp nhận thông tin vi phạm hay do người dân tự nguyện chuyển giao, bao gồm nhiều loài nguy cấp, quý hiếm như gấu, culi, mèo rừng, rùa biển,…

Số rùa bị buôn bán trái phép tại TPHCM bị cơ quan chức năng tịch thu

Số rùa bị buôn bán trái phép tại TPHCM bị cơ quan chức năng tịch thu

Trong sáng ngày 7-2-2020, từ tin báo của người dân đến ENV, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường Kiên Giang và công an TP.Hà Tiên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một đối tượng đang xẻ thịt rùa tại chợ Phường Pháo Đài (TP.Hà Tiên). Tại đây, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản hiện trường và tịch thu tang vật gồm 12,5 kg rùa xanh (Vích).

Những vụ việc trên được phát hiện nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng trên khắp cả nước thông qua đường dây nóng của ENV (18001522 và email hotline@fpt.vn).

Theo đó, mỗi ngày ENV đã tiếp nhận trung bình khoảng 4 đến 6 vụ vi phạm các vụ việc về vận chuyển, mua bán, nuôi nhốt trái phép ĐVHD. Đầy cũng là nguồn tin chính (chiếm gần 52%) trong tổng số các vụ việc được xử lý từ nguồn tin của người dân.

Tang vật rùa biển bị xẻ thịt bán ở Kiên Giang ngày 7-2-2020

Tang vật rùa biển bị xẻ thịt bán ở Kiên Giang ngày 7-2-2020

Từ những thông tin được tiếp nhận, các cán bộ của ENV sẽ liên hệ với cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật. Đồng thời, ENV cũng theo sát quá trình xử lý từ điều tra, bắt giữ cho đến khi có kết quả cuối cùng.

Rái cá được cứu hộ tại TPHCM

Rái cá được cứu hộ tại TPHCM

Điều đáng nói, ngoài các vấn đề pháp lý liên quan đến việc buôn bán, tàng trữ, nuôi nhốt các loài ĐVHD thì việc con người sử dụng các loài thú hoang làm nguồn thức ăn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật. Bởi theo các hồ sơ nghiên cứu của các chuyên gia đã cho thấy hầu hết thú rừng đều mang trong mình nhiều loại virus khác nhau.

Theo dự án Virome toàn cầu (dự án nghiên cứu nhận dạng 99% loài virus gây bệnh cho con người), đến nay có khoảng 1,7 triệu virus chưa được phát hiện trong thú rừng. Trong đó, gần 50% số virus đó gây hại cho con người và tạo thành những ca bệnh rất nghiêm trọng. Không riêng gì việc sử dụng ĐVHD mới bị lây bệnh mà con người còn có thể nhiễm virus thông qua quá trình bắt giữ, vận chuyển, giết mổ thịt thú hoang.

Thịt thú hoang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh

Thịt thú hoang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh

Trong đó, các căn bệnh thế kỷ từng là nỗi ám ảnh cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người như: mầm bệnh từ dê, cầy hương có thể tạo ra dịch SARS và Ebola, linh trưởng châu Phi tạo bệnh HIV/AIDS, gia súc gia cầm gây bệnh cúm và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Riêng đại dịch virus 2019-nCoV (corona) được các chuyên gia nhận định có nguồn gốc từ rắn, dê (những loài động vật được con người sử dụng làm thực phẩm).

Phù Sa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nguy-co-lay-nhiem-mam-benh-tu-virus-rat-cao_87188.html