Nguy cơ lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ ở khu vực Bắc Bộ
BBK- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 3-6 giờ tới, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều khu vực.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những giờ qua, khu vực các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Dự báo, từ chiều tối 3/7 đến sáng 4/7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi hơn 120mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi hơn 60mm.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện, đặc biệt tại các khu vực:
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 65/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Chỉ đạo cơ quan truyền thông ở địa phương tăng cường truyền thông, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.
Tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Phối hợp với cơ quan có liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du; triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo quy định, hạn chế tối đa thiệt hại.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống; chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật...
Theo BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai
Để đảm bảo an toàn, người dân lưu ý không nên chủ quan, tuân thủ theo các khuyến cáo sau:
1. Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh.
2. Hạn chế di chuyển trong mưa lũ, trường hợp thật cần thiết phải đảm bảo an toàn. Không đi qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
3. Không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trong vùng ngập lũ, khu nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
4. Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.
5. Chủ động các phương án bảo vệ đồ đạc, tài sản của gia đình. Đề phòng điện giật.
6. Chủ động quan sát các dấu hiệu xảy ra lũ quét, sạt lở đất xung quanh nơi ở và khu sản xuất (như tiếng động lạ, vết nứt, nước suối chuyển màu...) để chủ động phòng tránh.
7. Lưu các số điện thoại cứu hộ cứu nạn tại địa phương để liên hệ trong tình huống khẩn cấp.
8. Tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh công tác phòng ngừa, ứng phó từ các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin và bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản./.