Nguy cơ mất an toàn tại những bãi tắm tự phát

Năm nay, do đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên bể bơi là một trong những loại hình dịch vụ phải tạm dừng hoạt động. Một bộ phận người dân đã tìm đến các hồ nước, dòng sông để bơi, tắm, hình thành nên những bãi tắm tự phát, làm dấy lên nhiều mối lo ngại về an toàn sức khỏe, tính mạng.

"Phớt lờ" biển cảnh báo, nhiều người dân vẫn tắm tại hồ nước xã Ninh Mỹ mỗi buổi chiều.

"Phớt lờ" biển cảnh báo, nhiều người dân vẫn tắm tại hồ nước xã Ninh Mỹ mỗi buổi chiều.

Một bãi tắm tự phát ngay giữa lòng thành phố Ninh Bình là hồ núi Lớ. Nằm bên tuyến đường dẫn vào Quần thể danh thắng Tràng An, hồ nước ôm trọn núi Lớ cùng khu nghĩa trang nhân dân và khu chùa Vàng mới được xây dựng. Cứ tầm 5 giờ chiều, nhiều ô tô, xe máy của người dân thành phố đổ về đây. Người lớn thì cầm can nhựa to loại 10-20 lít, mấy em thiếu niên thì buộc can nhựa loại 5 lít quanh bụng, lác đác có người mặc áo phao hoặc đem cả phao loại to, thường thấy ở các bãi biển đến để xuống tắm hồ.

Khung cảnh này diễn ra mỗi ngày, kể từ khi mùa hè bắt đầu. Anh L.H.V (phường Tân Thành) thường xuyên ra hồ núi Lớ tắm mỗi buổi chiều. Theo anh V cho biết, anh "chập chững" biết bơi với khoảng cách dưới 30m. Thế nhưng do thời tiết nóng bức nên mỗi buổi chiều anh V thường rủ bạn bè ra hồ bơi... cho mát.

Còn tại xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư), công trình hồ nước điều hòa của xã nằm phía trước ngôi chùa Nương Sơn là điểm nhấn cho cảnh quan nông thôn. Mặc dù chưa hoàn thiện, song kể từ khi nước được dẫn vào hồ, nhiều người dân địa phương và các xã lân cận đã kéo về đây tắm, trong khung giờ từ 16 - 19 giờ mỗi ngày. Lượng người dân ra tắm hồ rất đông, đến mức những hộ dân sinh sống xung quanh hồ thường gọi vui là "hồ Sầm Sơn" - ngụ ý nhằm liên hệ tới bãi biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa.

Không chỉ trong những ngày hè nóng nực, kể cả ngày trời se mát do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong tháng vẫn có người ra hồ tắm. Người dân đến tắm ở hồ Ninh Mỹ cũng đủ mọi lứa tuổi, có cả những bé chỉ độ 2 tuổi, rồi đến lứa thanh thiếu nhi được cha mẹ cho ra tập bơi... cho đến các bác trung niên với mái tóc đã điểm bạc. Xế chiều, còn có cả những người đi cấy lúa thuê, tranh thủ ghé qua hồ để giũ đi những bùn đất và đắm mình vào dòng nước mát.

Không chỉ tại các hồ nước, những dòng sông cũng là nơi một số người dân tìm đến để bơi, để tắm trong mùa hè. Tuy nhiên, số lượng người tắm ở sông không nhiều như ở các hồ nước, có lẽ vì ở sông thì mức độ nguy hiểm cao hơn với các yếu tố như dòng chảy, độ sâu, sự di chuyển của các phương tiện đường thủy...

Việc xuất hiện những bãi tắm tự phát làm nảy sinh nhiều nguy cơ mất an toàn. Trước tiên là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 bởi những bãi tắm tự phát tập trung khá đông người. Thêm vào đó là nhiều loại dịch bệnh do vi khuẩn trong nước hồ có thể gây ra cho người tắm. Và cũng không thể loại trừ nguy cơ về đuối nước luôn có thể xảy ra.

Trước thực trạng xuất hiện những bãi tắm tự phát, chính quyền các địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, song tính hiệu quả tại mỗi địa phương lại khác nhau.

Theo ông Đặng Tất Đạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất, trung tuần tháng 7, xã đã huy động lực lượng Công an tuần tra, nhắc nhở cũng như vận động người dân không tiếp tục tụ tập đông người, đến bơi, tắm tại khu vực hồ núi Lớ, thành phố Ninh Bình. Hiệu quả đã đạt được rõ rệt bởi khoảng thời gian từ đó đến nay, số lượng người dân đến tắm tại đây đã giảm đáng kể, chỉ còn một vài trường hợp vẫn lén lút tắm tại thời điểm không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát.

Còn tại xã Ninh Mỹ, ông Đinh Vạn Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết: Công trình hồ nước của xã vẫn đang trong quá trình thi công, hiện chưa hoàn thành. Khi nắm được thông tin có trình trạng trên, xã đã yêu cầu nhà thầu thi công tăng cường quản lý, hạn chế việc người dân ra tắm hồ. Đồng thời huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ cùng đoàn thanh niên tổ chức nhiều buổi đi vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu về những nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh đó, giao cho cán bộ chuyên môn viết các bài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, gửi về các thôn để tuyên truyền đến các hộ dân. Xã cùng nhà thầu thi công cũng đặt nhiều biển hiệu với nội dung cảnh báo nước sâu, cấm tắm... Nhưng dù đã triển khai nhiều biện pháp như vậy, lượng người dân ra tắm hồ vẫn rất đông, không chỉ người dân trong xã mà còn có cả các xã lân cận.

Có thể thấy, việc một bộ phận người dân đến tắm tại các bãi tắm tự phát là "lợi bất cập hại", đem lại nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho chính sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Thiết nghĩ, người dân cần nâng cao nhận thức, không nên ra hồ, sông để tắm, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bài, ảnh: Thái Học

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguy-co-mat-an-toan-tai-nhung-bai-tam-tu-phat/d20210719142655610.htm