Nguy cơ mất trên 150 tỷ đồng từ giao dịch bất cẩn?
Bà Dương Thị Ẩn (sinh năm 1950, ngụ khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên, An Giang) tố giác bà Trần Minh Ng. (sinh năm 1958, ngụ khóm Thới Hòa, thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền đã vay cùng lãi suất trên 264 tỷ đồng.
Gửi đơn đến Báo An Giang, bà Dương Thị Ẩn cho biết, bà Trần Minh Ng. là chỗ thân thiết nhiều năm qua. Bà Ng. có thời gian dài kinh doanh xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, là chủ doanh nghiệp uy tín ở địa phương. Năm 2012 và trước đó, bà Ng. nhiều lần vay tiền của bà Ẩn để đáo hạn ngân hàng, chỉ vài ngày là hoàn trả vốn cùng lãi suất.
Năm 2013, bà Ng. nói đang đầu tư xây dựng khu dân cư kết hợp chợ bách hóa, làm nhà máy xay lúa, mở tổng đại lý xăng dầu, đang chờ vốn vay, cần số tiền lớn để xoay sở. Bà Ng. đưa ra dự án, các giấy tờ liên quan và nhờ bà Ẩn cho vay 150 tỷ đồng, hứa trả mỗi quý, từng năm theo tiến độ xây dựng nhưng chậm nhất năm 2016 sẽ hoàn tất.
“Chuyện vay tiền 2 bên thỏa thuận miệng bởi đã diễn ra nhiều lần, cả 2 quen thuộc nhau, tin tưởng đối phương. Từ năm 2013, bà Ng. nhiều lần đến nhận tiền, nâng tổng số tiền vay lên 153 tỷ đồng vào ngày 21-10-2015. Đến thời hạn trả tiền (tháng 12-2016) bà Ng. nói đủ lý do, rồi hứa hẹn. Nghi ngờ có chuyện không ổn, tôi nhiều lần đến nhà đòi nợ.
Thấy tôi làm dữ quá, ngày 29-10-2018, bà Ng. đến nhà tôi ký xác nhận nợ cùng lãi suất, hẹn trả nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó bà Ng. né tránh, khi tôi đến đòi không thấy ở nhà, gọi điện không liên lạc được. Tính đến đầu năm 2019, nợ và lãi (1,8%/tháng) bà Ng. thiếu tôi là 264 tỷ đồng.
Tôi làm đơn khiếu nại và tố giác tội phạm về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bà Ng. đến Công an huyện Tịnh Biên và Công an tỉnh An Giang. Sau đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh An Giang trả lời: việc vay mượn của tôi với bà Ng. là giao dịch dân sự, thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân. Họ đề nghị tôi gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên để được xem xét giải quyết theo quy định” - bà Ẩn nói.
Chúng tôi liên lạc để tìm hiểu thêm về sự việc nhưng không gặp được bà Ng. Hỏi về việc này, Ban Nhân dân khóm Xuân Phú và Thới Hòa đều xác nhận 2 đương sự trong vụ việc cư trú lâu năm ở địa bàn. Về việc làm và vay mượn của họ đối với nhau, Ban Nhân dân khóm không hay biết. Sau khi sự việc đổ bể, họ làm đơn khiếu nại và tố cáo thì địa phương mới nghe thông tin, biết được sự việc và hướng dẫn về mặt pháp lý.
Trao đổi với phóng viên, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương và tỉnh An Giang cho biết, việc tự vay mượn với nhau mà không qua hợp đồng vay mượn đúng theo quy định của pháp luật thì nguy cơ mất tài sản là rất lớn. Đối với việc vay mượn thông qua mạng xã hội, làm hợp đồng không hợp pháp hoặc qua “hợp đồng miệng”, việc mất tài sản đã xảy ra nhan nhản. Việc báo tin tội phạm và tố giác tội phạm là hành vi báo tin về tội phạm; còn việc có phạm tội và có dấu hiệu về tội phạm hay không là một việc khác, phải có thời gian xem xét, kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Trần Văn Sáu, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: “Người tố giác, báo tin tội phạm sẽ được cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, thông báo kết quả giải quyết, được giữ bí mật, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp. Đương sự tố giác có nghĩa vụ có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết về nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc. Tố giác hoặc báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và phòng, chống tội phạm. Người nào cố ý tố giác, báo tin sai, tùy tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật”.