Nguy cơ mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc… bị tẩy 'date' để bán lại
Từ nay đến cuối năm, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ gia tăng hoạt động để tung hàng hóa ra thị trường trong dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) vừa có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Công Thương (Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương).
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, 10 tháng đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý 36.755 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 282 tỷ đồng. Tính chung sau ba năm thành lập, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 214.105 vụ vi phạm, thu ngân sách nhà nước ước trên 1.221 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2021 nổi lên một số vi phạm chủ yếu về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với 3.300 vụ bị xử lý.
Vi phạm về các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh do Covid-19 với 10.000 lượt kiểm tra, giám sát, phạt hành chính trên 8,2 tỷ đồng; vi phạm về xăng dầu cũng nổi lên trong những tháng vừa qua khi có đến 200 vụ vi phạm bị xử lý...
Tại buổi làm việc, các ý kiến lo ngại trong tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ kéo theo tình trạng tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng có hạn sử dụng như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc tân dược, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… Theo đó, nhiều mặt hàng có nguy cơ bị tẩy xóa, thay đổi thông tin về ngày sản xuất, thời hạn sử dụng để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ gia tăng hoạt động để tung hàng hóa ra thị trường trong dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán.
Trước nguy cơ như trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cần có những buổi làm việc để đưa ra nhiều giải pháp phù hợp trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, gian lận thương mại.
Đặc biệt là việc thu thập, chia sẻ, chuyển giao thông tin liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng.
Ông An cũng yêu cầu lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với lực lượng các địa phương biên giới, không để hàng hóa nhập lậu vào thị trường.
Thứ trưởng lưu ý, lực lượng QLTT cần tiếp tục chú ý đến các mặt hàng "nóng", có thể dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ như xăng dầu, thuốc lá điếu, rượu, đường, phân bón...; đặc biệt các hành vi vi phạm trên môi trường điện tử.
Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho biết thời gian qua, sự phối hợp, hợp tác giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương rất chặt chẽ, hiệu quả.
"QLTT là một trong những lực lượng chủ công thuộc Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp nhanh hơn, chặt chẽ hơn với các lực lượng khác để xử lý các vụ vi phạm” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.