Nguy cơ nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh luật với nước khoáng

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, nếu đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên Nước sẽ có nguy cơ gây thất thoát.

Chiều 28/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sau đó được chỉnh lý, hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thường kì tháng 8.

Cân nhắc mở rộng phạm vi điều chỉnh

Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, đây là vấn đề đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tập trung vào việc có nên đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QH.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QH.

Theo đại biểu, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh luật Tài nguyên nước với nước nóng, nước khoáng thiên nhiên. Về bản chất, nước nóng, nước khoáng thiên nhiên là khoáng sản, có nguồn gốc hình thành từ hoạt động nội sinh trong lòng đất, có thành phần khoáng chất và tính chất hóa học, lý học, độ tinh khiết nguyên thủy ổn định theo thời gian.

Vì tính chất tự nhiên của hai nguồn nước này, trên thế giới và cả ở Việt Nam hiện nay, đây được coi là khoáng sản và đang được quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả trong việc phục vụ phát triển y học cũng như kinh tế - xã hội.

Và do xác định đây là khoáng sản, nên hiện nay nước nóng, nước khoáng thiên nhiên đang được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản, đang được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy trình chặt chẽ như đối với các khoáng sản khác.

Ngay ở khâu thăm dò cũng phải có giấy phép thăm dò, trong quá trình thăm dò phải thiết lập vành đai bảo vệ, khi khai thác, các chủ thể phải đáp ứng nhiều nhóm điều kiện, tiêu chí cụ thể như ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ ở địa phương, có trách nhiệm, nghĩa vụ phải phối hợp, hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi…

"Ngoài ra, nếu đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước, áp dụng cơ chế quản lý của Luật Tài nguyên nước thì sẽ không phù hợp về bản chất, đồng thời cũng gây nguy cơ gây thất thoát nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao này", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến.

Cần bảo đảm an ninh nguồn nước

Phát biểu ý kiến ở hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo đảm an ninh nguồn nước, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ở Điều 22 nên chia làm 2 phần. Một là, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước. Hai là, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt chủ động, tích cực lưu giữ nguồn nước mặt như xây hồ đập, tích trữ nước mưa…

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần sửa đổi khoản 2 của dự thảo Luật theo hướng đảm bảo lưu thông dòng chảy, làm rõ việc tăng khả năng chịu tải của nguồn nước. Mặt khác, cần nhấn mạnh giá trị và việc đảm bảo hồ đập trong việc trữ nước, làm thủy điện, phòng chống lũ lụt, xả lũ; xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ phân tán ở nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh…

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nguy-co-neu-mo-rong-pham-vi-dieu-chinh-luat-voi-nuoc-khoang-1894087.html