Nguy cơ nhiễm độc từ việc vận chuyển và sử dụng khí Clo trong dân?

Hiện nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dùng Clo khí để xử lý khử trùng, diệt tảo trong nước ao nuôi tôm rất nhiều. Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đến con người, môi trường…

Được biết, Khí Clo (Cl2) được tạo ra từ quá trình điện phân nước muối (NaCl), trong các nhà máy sản xuất xút – clo. Clo là một chất oxy hóa mạnh, ở bất cứ dạng nào, nguyên chất hay hợp chất. Khi clo tác dụng với nước đều cho các phân tử axit hypocloro (HOCl), một hợp chất có năng lực khử trùng rất mạnh. Vì vậy, clo được dùng phổ biến với mục đích tẩy trắng hoặc khử trùng.

Clo khí được dùng phổ biến với mục đích tẩy trắng hoặc khử trùng. (Ảnh minh họa)

Clo khí được dùng phổ biến với mục đích tẩy trắng hoặc khử trùng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Clo cũng là một chất độc có thể gây chết người và hủy hoại môi trường, nếu bị rò rỉ ra bên ngoài. Một người bình thường, nếu hít phải chỉ từ 40 – 60 ppm khí clo sẽ bị tử vong.

Trên thực tế, khí clo đã từng được sử dụng làm vũ khí hóa học trong chiến tranh, nó có thể gây chết người hàng loạt. Ngày nay, loại vũ khí hóa học này đã bị cấm sử dụng. Trên thế giới đã từng xảy ra nhiều vụ rò rỉ khí clo gây chết người và hủy hoại môi trường rất ngiêm trọng.

Để bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và xã hội, pháp luật Việt Nam (Luật Hóa chất, Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan) đã có quy định cụ thể đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng hóa chất, trong đó có clo. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng clo trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Nếu vi phạm sẽ bị sử phạt vi phạm hành chính, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Nhiều cơ sở coi thường các quy định của pháp luật tự ý mua bán, sang chiết Clo khí bán cho người dân.

Nhiều cơ sở coi thường các quy định của pháp luật tự ý mua bán, sang chiết Clo khí bán cho người dân.

Trong dân dụng và công nghiệp, Clo thường được sử dụng dưới các dạng như:

Dạng Khí: Khí Clo được hóa lỏng có nồng độ 99,9% được chứa trong các bình thép chịu áp lực. Nếu sử dụng ở dạng này có nguy cơ rò rỉ rất cao, gây nguy hiểm cho con người và môi trường, nên yêu cầu sử dụng rất nghiêm ngặt.

Dạng bột (hạt): Clo được tồn tại dưới dạng hợp chất rắn, có nồng độ 65 – 70%. Nếu sử dụng dạng này có nguy cơ gây nguy hiểm cho con người và môi trường.

Dạng lỏng: Clo được tồn tại dưới dạng hợp lỏng (nước javen), có nồng độ 10 – 12%. Nếu sử dụng dạng này không có nguy cơ gây nguy hiểm cho con người và môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng không cao và phải xử lý trung hòa lượng kiềm dư sau khi sử dụng.

Tại Việt Nam, Clo dạng khí thường được sử dụng để khử trùng trong các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt và các nhà máy nhiệt điện. Đây là các cơ sở lớn, sử dụng khí clo đã lâu năm, có khả năng đáp ứng quy định của pháp luật và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để ứng phó sự cố khi rò rỉ khí clo.

Thời gian gần đây, Clo khí đang được các hộ nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng để xử lý khử trùng, diệt tảo trong nước ao nuôi tôm. Đây là các cơ sở nhỏ, phân tán, không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để ứng phó sự cố khi rò rỉ khí clo.

Trên thực tế, môi trường nước và không khí khu vực các ao nuôi tôm đều có độ mặn của muối (NaCl). Vì vậy rất dễ gây hư hỏng van bình clo bằng đồng (Cu), dẫn đến nguy cơ rò rỉ khí clo rất nguy hiểm.

Cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng, mua bán Clo khí.

Cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng, mua bán Clo khí.

Điều quan trọng không kém, khi dùng phương tiện vận chuyển bình clo khí đến các ao nuôi tôm thường sử dụng bằng xe ô tô bán tải, xuồng (ghe) không đáp ứng quy định về vận chuyển khí clo.

Rồi, người sử dụng clo khí là nông dân không có chuyên môn về hóa chất, cũng như nhận thức về mối nguy còn rất hạn chế. Qua đây cho thấy, việc kinh doanh, vận chuyển và sử dụng clo khí như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng con người.

Vì vậy, để an toàn cả về tính mạng và môi trường cần sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo bằng chính các biện pháp cứng rắn trong việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, sử dụng… để giải quyết dứt điểm những bất cập trên. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chức năng, tính nguy hại, mất an toàn tới người dân để nâng cao tính cảnh giác, đảm bảo tính mạng con người.

Kim Tuyến

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguy-co-nhiem-doc-tu-viec-van-chuyen-va-su-dung-khi-clo-trong-dan-10287206.html