Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do xả thải từ trang trại nuôi lợn
Những năm gần đây, việc nuôi lợn theo mô hình trang trại đã thu hút nhiều hộ dân và doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Trị quan tâm đầu tư. Mô hình trang trại nuôi lợn chủ yếu được xây dựng ở vùng gò đồi, đầu nguồn và ven các con sông, khe suối nên nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước luôn hiện hữu.
Các trang trại nuôi lợn ở tỉnh Quảng Trị phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, một số có quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa thể thống kê đầy đủ về nguồn xả thải từ các trang trại nuôi lợn, do đó gặp khó khăn trong việc ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Từ nhiều tháng qua, người dân sinh sống ở ven khe Rào Trường (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) rất bức xúc trước việc nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết, không khí có mùi hôi thối. Nguồn nước từ khe Rào Trường dùng để sinh hoạt và sản xuất hàng ngày nên khi bị ô nhiễm gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.
Theo người dân địa phương, tình trạng cá chết ở khe Rào Trường đã lặp đi lặp lại nhiều lần do nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân đã phản ánh với các cấp chính quyền nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Từ ngày 1/4 đến nay, người dân địa phương lại phát hiện cá chết hàng loạt ở khe Rào Trường, khi nguồn nước ở đây đổi màu đen, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Cao Văn Hướng, người sinh sống ven khe Rào Trường cho rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt là do trang trại nuôi lợn xả thải ở phía đầu nguồn. Giếng nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày chỉ cách khe Rào Trường từ 10 - 15m. Nguồn nước từ khe Rào Trường bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Ngày 2/4, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hà đã lập biên bản vụ việc, xác nhận cá chết hàng loạt ở khe Rào Trường như phản ánh của người dân là đúng. Nguyên nhân là do trang trại nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Ngọc Lợi ở phía thượng nguồn khe Rào Trường xả nước thải. Quản lý trang trại lợn này xác nhận, đã trực tiếp mở cống xả nước thải ra khe Rào Trường và không thực hiện thông báo cho chính quyền địa phương. Trang trại này có công suất nuôi 7.000 con lợn thịt/lứa, được tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép môi trường năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà, nguồn nước khe Rào Trường bị ô nhiễm đã xảy ra vài lần, trong đó lần bị ô nhiễm xảy ra ngày 2/4 là quá nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện và tỉnh tiến hành lấy mẫu nước để kiểm tra.
Điều đáng quan tâm nữa là nguồn nước từ khe Rào Trường chảy về phía hạ nguồn, trong đó một phần đổ về sông Sa Lung. Con sông này cấp nước tưới cho 419 ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các xã: Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn; đồng thời cấp nước phục vụ sản xuất trong lưu vực, vùng thượng nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho thị trấn Bến Quan và dân cư xã Vĩnh Hà với lưu lượng 2.000 m3/ngày đêm. Sông Sa Lung có diện tích lưu vực 410 km2 chảy qua địa phận các xã: Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Hòa, Vĩnh Sơn, Hiền Thành, cùng hai thị trấn Hồ Xá và Bến Quan của huyện Vĩnh Linh với chiều dài 59 km. Năm 2023 nguồn nước từ sông Sa Lung bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nguồn thải từ chăn nuôi lợn nói riêng, chăn nuôi nói chung và từ sinh hoạt ra sông Sa Lung, là một trong những nguyên nhân khiến thông số E.coli vượt giới hạn. Đơn cử, tháng 9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị quan trắc chất lượng nước sông Sa Lung ngay chân đập Sa Lung tại thời điểm xả đập (ngày 5/9/2023) cho thấy, có hai thông số Coliform và E.coli vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt); trong đó thông số E.coli cao bất thường khi vượt giới hạn B1 tới 47,6 lần. Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã có Thông báo số 3623/TB-STNMT ngày 25/9/2023 và đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh phối hợp rà soát, ngăn chặn nguồn thải; đặc biệt các nguồn thải có nguy cơ phát sinh E.coli vào môi trường từ chăn nuôi, sinh hoạt.
Hiện nay, các trang trại chăn nuôi lợn hầu hết được xây dựng ở vùng gò đồi đầu nguồn hoặc ven các sông, suối trên địa bàn các huyện: Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh. Do đó, khi gặp sự cố hoặc nguồn xả thải không đảm bảo quy định về môi trường, các trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng.
Thời gian qua người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã phản ánh về việc, trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý một số chủ trang trại nuôi lợn vi phạm quy định về môi trường. Minh chứng là tháng 11/2023, Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi. Theo đó cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 114 triệu đồng đối với hai chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cam Chính về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn về chất thải từ 10 lần trở lên. Cả hai chủ trang trại nuôi lợn này buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục là xây dựng, sửa chữa hệ thống xử lý chất thải, nước thải đúng theo quy định; sử dụng biện pháp sinh học để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại khu vực sông, suối xung quanh các trang trại.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị Trần Văn Quảng cho biết, nước xả thải từ chăn nuôi lợn ra sông Sa Lung nói riêng và các sông, suối nói chung là một trong những nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngành Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, trong đó quy định chủ trang trại nuôi lợn bắt buộc phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt quy chuẩn về bảo vệ môi trường.