Nguy cơ thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì vụ tranh chấp 'đất vàng'
Cho doanh nghiệp vay tiền và nắm giữ tài sản bảo đảm là nhà, đất, song Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lại đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng, sau bản án sơ thẩm.
Nhà đất mua bán bị tuyên hủy sau 15 năm
Theo thông báo của TAND TP. HCM, ngày mai (26-4), cơ quan xét xử này sẽ mở lại phiên tòa phúc thẩm để xem xét kháng cáo của các bên ở vụ tranh chấp "đất vàng" tại số 1199 Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8, TP. HCM. Trong đó, bị đơn ở vụ án là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước - Công ty Dịch vụ Agribank.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 12-2002, Công ty TNHH Nam Kinh (viết tắt là Công ty Nam Kinh) dùng tài sản của mình là nhà, đất (hơn 1.200m2) tại số 1199 Phạm Thế Hiển để bảo lãnh cho Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Kim Ngân (viết tắt là Công ty Kim Ngân) và Doanh nghiệp tư nhân bao bì Thanh Thủy (viết tắt là Doanh nghiệp Thanh Thủy) để vay 10 tỷ đồng tại Agribank - Chi nhánh quận 8 (viết tắt là Agribank - CN8).
Do Công ty Kim Ngân và Doanh nghiệp Thanh Thủy không thanh toán nợ vay theo đúng quy định nên Công ty Nam Kinh (bên bảo lãnh) đã thỏa thuận giao tài sản thế chấp là nhà đất 1199 Phạm Thế Hiển cho Agribank - CN8 bán đấu giá để thu hồi nợ.
Tháng 11-2005, Agribank - CN8 (bên ủy thác) và Chi nhánh Công ty Quản lý nợ, khai thác tài sản Agribank tại TP. HCM (bên nhận ủy thác) ký hợp đồng ủy thác đấu giá công khai tài sản bảo đảm tiền vay, gồm 7 tài sản, trong đó có nhà đất tại 1199 Phạm Thế Hiển.
Dù nhà đất trên được thông báo bán đấu giá công khai nhiều lần, nhưng chỉ có Công ty Dịch vụ Agribank đăng ký mua. Do đó, ngày 20-6-2007, Chi nhánh Công ty Quản lý nợ, khai thác tài sản Agribank tại TP. HCM, Agribank - CN8, Công ty Nam Kinh và Công ty Dịch vụ Agribank thống nhất giá mua bán nhà đất số 1199 Phạm Thế Hiển gần 13,4 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận của các bên, số tiền thanh toán sẽ được Công ty Dịch vụ Argiabank (bên mua) trả làm 3 đợt: Đợt 1 bằng 30% giá trị tài sản; đợt 2 bằng 60% và đợt 3 bằng 10% giá trị còn lại. Sau khi thanh toán đủ 90% số tiền, Công ty Dịch vụ Agribank sẽ nhận tài sản.
Thực hiện thỏa thuận giữa các bên, Công ty Dịch vụ Agribank đã 2 lần chuyển tiền đợt 1 và đợt 2 với hơn 12 tỷ đồng (90%) cho Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank. Và ngày 10-7-2007, ông Nguyễn Văn Sáng, đại diện Công ty Nam Kinh bàn giao nhà, đất tại 1199 Phạm Thế Hiển cho Agribank - CN8.
Ngày 27-12-2007, Công ty Nam Kinh và Công ty Dịch vụ Agribank ký hợp đồng công chứng số 049740 mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 1199 Phạm Thế Hiển. Hợp đồng ghi nhận “Công ty Dịch vụ Agribank (Bên B) giao và Công ty Nam Kinh (Bên A) nhận đủ số tiền mua bán căn nhà nêu trên trước khi ký kết hợp đồng này…”.
Cùng ngày ký hợp đồng, Agribank - CN8 xuất hóa đơn tài chính cho bên mua là Công ty Dịch vụ Agribank với nội dung: “Bán tài sản đảm bảo nợ vay theo quy định tại khoản 2, Điều 34, Nghị định 178/1999/NĐ-CP của Chính Phủ”.
Quá trình chuyển quyền sở hữu tài sản 1199 Phạm Thế Hiển sang Công ty Dịch vụ AgriBank, Chi cục thuế quận 8 (TP HCM) ra thông báo tiền thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 5,6 tỷ đồng và một số chi phí khác.
Sau khi phải đóng thuế và trừ các khoản chi phí, tổng số tiền từ việc bán tài sản bảo đảm (nhà đất tại số 1199 Phạm Thế Hiển) còn khoảng 7,6 tỷ đồng. Số tiền này không đủ để Công ty Nam Kinh trả nợ Agribank - CN8 thay Công ty Kim Ngân và Doanh nghiệp Thanh Thủy.
Vụ vay mượn tiền bạc và dùng tài sản bảo đảm giữa 3 doanh nghiệp với Agribank - CN8 nêu trên tưởng chừng đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng hơn 10 năm sau (ngày 27-11-2018), ông Nguyễn Văn Sáng - Giám đốc Công ty Nam Kinh bất ngờ có đơn khởi kiện Công ty Dịch vụ Agribank với yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng công chứng 049740, đồng thời buộc bên mua phải trả lại giấy tờ nhà đất số 1199 Phạm Thế Hiển. Lý do Công ty Nam Kinh đưa ra là Công ty Dịch vụ Agribank đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn sơ thẩm (tháng 6-2022), kết quả định giá tài sản cho thấy, giá trị nhà đất tại 1199 Phạm Thế Hiển là 180,3 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với giá trị tài sản này được bán cho Công ty Dịch vụ Agribank hồi cuối năm 2007.
Với nội dung vụ án nêu trên, TAND quận 8 (TP. HCM) đã tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng QSDĐ tại số 1199 Phạm Thế Hiển giữa Công ty Nam Kinh và Công ty Dịch vụ Agribank. Tòa cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc Công ty Dịch vụ Agribank phải trả lại giấy tờ đất cũng như các tài liệu liên quan cho nguyên đơn.
Nhà nước có bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng?
Không đồng tình với phán quyết của TAND quận 8, ngay sau phiên tòa sơ thẩm, Công ty Dịch vụ Agribank có đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, đồng thời bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Nam Kinh.
Theo đại diện Công ty Dịch vụ Agribank, quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm chưa đúng quy định pháp luật, khiến doanh nghiệp Nhà nước chưa được bảo đảm quyền lợi. Cụ thể là TAND quận 8 thụ lý Đơn khởi kiện đề ngày 27/11/2018 với người khởi kiện là Công ty Nam Kinh nhưng thực tế doanh nghiệp ty này không đủ điều kiện khởi kiện và Tòa cấp sơ thẩm đã xác định sai quan hệ pháp luật khi giải quyết tranh chấp, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng.
Công ty Dịch vụ Agribank cho rằng đơn vị này mua tài sản bảo đảm tiền vay từ Agribank - CN8 thông qua Công ty Khai thác và quản lý nợ Agribank nhằm thu hồi nợ. Hoạt động này thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm tiền vay được quy định tại Nghị định 178/1999/NĐ-CP. Bị đơn không mua trực tiếp tài sản của Công ty Nam Kinh.
“Việc Tòa án xác định sai quan hệ pháp luật giải quyết tranh chấp dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng và tuyên bản án sơ thẩm gây thiệt hại lớn về tài sản cho bị đơn” - kháng cáo của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nêu rõ.
Cùng với kháng cáo về bản án sơ thẩm và sẽ tiếp tục tham gia phiên tòa phúc thẩm vào ngày mai, mới đây, Công ty Dịch vụ Agribank còn gửi đơn "cầu cứu" tới hành loạt cơ quan hữu quan và các cá nhân có thẩm quyền.
Theo đơn, ngoài việc cho rằng Tòa cấp sơ thẩm giải quyết vụ án thiếu khách quan, Công ty Dịch vụ Agribank đề nghị cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo Tòa cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết vụ án một cách công minh, khách quan, đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tài sản Nhà nước không bị thất thoát, thiệt hại.
Đặc biệt, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cho rằng, mặc dù vụ án hàm chứa nội dung "tranh chấp hợp đồng bảo lãnh" nhưng phán quyết của cấp tòa sơ thẩm chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty Nam Kinh về việc hủy hợp đồng mua bán tài sản, chưa xem xét, giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng liên quan đến giao dịch bảo đảm giữa bị đơn và Agribank - CN8.
Công ty Dịch vụ Agribank cho rằng phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm có nguy cơ dẫn đến việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bị thiệt hại hơn 19,5 tỷ đồng, tính đến ngày 31-12-2019 (gồm cả tiền gốc và lãi mà 3 doanh nghiệp liên quan phải có nghĩa vụ thanh toán). Vì rằng TAND quận 8 chưa xem xét đến vấn đề hậu quả của việc hủy hợp đồng mua bán tài sản, theo quy định tại Điều 427 - Bộ luật Dân sự năm 2015.
Agribank - CN8 cũng có kháng đề nghị Tòa cấp phúc thẩm buộc Công ty Nam Kinh phải thực hiện thủ tục công chứng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm lại để bảo đảm nghĩa vụ của bên bảo lãnh. Agribank - CN8 đồng thời yêu cầu nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ cho các Công ty Kim Ngân và Doanh nghiệp Thanh Thủy với tổng số tiền phải thanh toán tính đến hết ngày 1-7-2022 là hơn 21,2 tỷ đồng...