Nguy cơ thiếu gạo 'rình rập' châu Á

Những cú sốc về khí hậu, xung đột và cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực và gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp toàn cầu.

Nông dân trồng lúa trên cánh đồng tại Nagaon, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Nông dân trồng lúa trên cánh đồng tại Nagaon, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang mạng của Viện nghiên cứu kinh tế Lowy, nỗi lo thiếu gạo đang gia tăng trên khắp châu Á - khu vực sản xuất và tiêu thụ tới 90% lượng gạo trên thế giới. Nguyên nhân là do sản lượng gạo giảm đáng kể, giá quốc tế tăng cao và nguồn cung phân bón trên toàn cầu hạn chế.

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gần đây đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo, bao gồm gạo phi basmati và cám gạo đã lọc dầu (loại cám được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi). Nhằm giúp giải quyết tình trạng lạm phát giá gia tăng, các lệnh cấm mới này được đưa ra sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hồi năm ngoái. Trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại quốc gia Nam Á, lệnh cấm xuất khẩu gạo nhiều khả năng khó có thể ngay lập tức được dỡ bỏ, giống như những gì đã từng được quan sát thấy ở các nước khác.

Trong khi đó, một phần do tác động của tình trạng thời tiết El Ninõ, nên nguồn cung gạo của các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới như Thái Lan (chiếm 15% lượng xuất khẩu gạo trên toàn cầu) và Việt Nam (14%) khó giúp lấp đầy khoảng trống mà gạo Ấn Độ để lại.

Nhiều quốc gia khác cũng được cho là đang “theo chân” Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hạn chế xuất khẩu gạo.

Thời tiết cực đoan

Các nhà sản xuất gạo khác ở châu Á đã phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây. Ví dụ, ở Bangladesh, lượng mưa dưới mức bình thường trong tháng Sáu tại nước này đã làm dấy lên lo ngại về hạn hán. Và mặc dù tác động của tình trạng thời tiết El Ninõ trong niên vụ 2023-2024 vẫn chưa rõ ràng, nhưng các chính phủ dường như rất lo lắng.

Tại Philippines, Văn phòng Tổng thống đã công bố kế hoạch ban hành các khuyến nghị chuẩn bị cho tình trạng El Ninõ. Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cảnh báo khả năng El Ninõ gây ra một mùa khô kéo dài trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm sau. Tại Thái Lan, người nông dân được yêu cầu chỉ trồng một vụ mùa lúa để tiết kiệm nước, trong bối cảnh lượng mưa hạn chế. Lo ngại hiện tượng El Ninõ sẽ kéo dài đến năm 2025, các nhà nghiên cứu ước tính thiệt hại lên tới hơn 40 tỷ baht (1,12 tỷ USD) cho ngành nông nghiệp Thái Lan.

Tại Trung Quốc, nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, những cú sốc khí hậu gần đây đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp. Trong những tháng gần đây, 3 tỉnh chiếm gần 25% sản lượng gạo của Trung Quốc là Nội Mông, Cát Lâm và Hắc Long Giang đã bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn.

Người tiêu dùng đã cảm nhận được những tác động nghiêm trọng. Vào tháng Bảy, giá gạo ở châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, theo Chỉ số giá gạo toàn lương thực của Liên hợp quốc (LHQ). Để tránh tình trạng lặp lại cuộc khủng hoảng giá lương thực giai đoạn 2007-2008, các chính phủ có thể phải xem xét thực hiện các biện pháp khác ngoài việc trợ cấp và kiểm soát giá để giải quyết nỗi lo thiếu lương thực và lạm phát.

Trong khi các vấn đề về sản xuất gạo và nguồn cung hạn chế có thể gây "đau đầu" cho các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, đối với các quốc gia như Australia - một cường quốc nông nghiệp và vựa lúa mỳ toàn cầu - đây là cơ hội để tăng cường can dự và tăng xuất khẩu sang khu vực. Australia được coi là có khả năng tự cung tự cấp và là một trong những quốc gia có an ninh lương thực tốt nhất trên toàn cầu tại một khu vực mà phần lớn các quốc gia thực sự là những nhà nhập khẩu ròng lương thực. Đáng chú ý, Singapore - quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế - phải nhập khẩu hơn 90% lương thực, khiến quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu và biến động giá lương thực toàn cầu.

Sự hỗ trợ từ Australia

Các quốc gia đang gia tăng dự trữ gạo để phòng khủng hoảng lương thực có thể xảy ra . Ảnh: Reuters

Các quốc gia đang gia tăng dự trữ gạo để phòng khủng hoảng lương thực có thể xảy ra . Ảnh: Reuters

Để giúp giải quyết những lo ngại về việc đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lương thực và tránh tình trạng thiếu lương thực hơn nữa, đặc biệt là thiếu gạo, các chính phủ có thể xem xét tăng dự trữ. Làm như vậy cũng có thể giúp các chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt mà vốn đã ảnh hưởng đáng kể đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là ở các quốc gia như Philippines - nơi lạm phát giá tiêu dùng vẫn ở mức cao. Các quốc gia như Trung Quốc đã thực hiện nỗ lực tăng dự trữ quốc gia. Tương tự, tại Indonesia, Bulog – một công ty thu mua thuộc sở hữu nhà nước – đã lên kế hoạch nhập khẩu gạo từ Campuchia và Myanmar để hỗ trợ nguồn dự trữ gạo của chính phủ.

Australia có thể hỗ trợ bằng cách tăng cường sản xuất và xuất khẩu gạo, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, mạng lưới và chiến lược quốc gia hiện có để thực hiện điều đó. Sản lượng gạo của quốc gia châu Đại Dương này đã thay đổi trong những năm gần đây, nhưng ước tính sẽ tăng 26% lên 656.000 tấn trong giai đoạn 2023–2024, mang đến cho Australia cơ hội tăng nguồn cung một cách khiêm tốn trong khu vực vào thời điểm cần thiết. Tuy nhiên, việc duy trì sự đóng góp như vậy sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm biến đổi khí hậu và đầu tư vào ngành này trong tương lai.

Ngoài ra còn có những cơ hội khác. Các chính phủ khu vực có thể còn muốn tăng cường khả năng phục hồi và khả năng tự cung tự cấp của nông nghiệp, bao gồm cả việc giải quyết khoảng cách về năng suất và sử dụng nước trong nông nghiệp. Australia, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực như công nghệ nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể giúp ích.

Một vấn đề cần cân nhắc khác là việc tăng cường an ninh lương thực hiện có và các cơ chế hợp tác liên quan trong khu vực. Thỏa thuận an ninh lương thực Trung Quốc-ASEAN cùng với sự hợp tác đa phương gần đây, một phần nhờ việc Indonesia chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022, cho thấy có sự quan tâm đến việc theo đuổi các chương trình như vậy.

Một lần nữa, Canberra có thể thể hiện cam kết liên tục của mình đối với khu vực bằng cách tạo ra những sáng kiến như vậy và ủng hộ những sáng kiến hiện có. Ví dụ, chương trình Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) có thể được mở rộng để bao gồm cả Australia, từ đó có thể thúc đẩy việc đưa vào dự trữ các sản phẩm nông nghiệp quan trọng khác cũng được sản xuất tại Australia (như ngũ cốc và hạt có dầu).

Những cú sốc về khí hậu, xung đột và cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực và gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Sự sụt giảm như vậy trong sản xuất nông nghiệp - bao gồm cả sản xuất gạo - sẽ có hiệu ứng domino, khiến nguồn cung xuất khẩu ít hơn và nguồn cung hạn chế trên thị trường toàn cầu cho các nhà nhập khẩu. Điều này có thể dẫn đến nhu cầu cạnh tranh từ các nước nhập khẩu và làm tăng giá lương thực trên khắp châu Á và hơn thế nữa.

Vì an ninh lương thực là một phần của an ninh quốc gia nên những tình huống như vậy sẽ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về nguồn cung thực phẩm và có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng chính trị và kinh tế xã hội hiện có trên toàn khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường địa chính trị ngày càng rạn nứt, các cơ hội ưu tiên hợp tác thay vì xung đột vẫn tồn tại. Australia, với tư cách là nước đi đầu trong khu vực, có đủ khả năng để giúp đỡ./.

Thanh Tú (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguy-co-thieu-gao-rinh-rap-chau-a/306422.html