Nguy cơ thương vong từ pháo tự chế và những loại pháo bị cấm sử dụng
Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.
Hiểm họa từ pháo tự chế
Ngày 7/12 vừa qua, một vụ nổ do mua vật liệu tự chế pháo đã xảy ra tại tỉnh Ninh Bình khiến 2 phụ nữ tử vong và một trẻ em bị thương; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” và tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1996, trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) để điều tra làm rõ.
Linh là người đã thuê ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Chính (sinh năm 1987, ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn) và thuê 2 người phụ nữ là chị M.T.X (sinh năm 1993) và chị T.T.G (sinh năm 1995) cùng ở huyện Kim Sơn làm công việc lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ, đóng gói đơn hàng pháo tại gian bếp do chính Linh thuê.
Khai nhận tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Linh cho biết, đã xem trên mạng xã hội Facebook biết cách thức chế tạo pháo nổ nên đặt mua 20kg thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ bán kiếm lời. Ngày 7/12/2023, khi tự chế pháo nổ thì xảy ra vụ việc thương tâm, làm chị X và chị G tử vong, cháu P (con trai chị G) bị thương nhẹ.
Sự việc này một lần nữa cảnh báo về nguy cơ thương vong do tự chế pháo nổ trái phép gây ra.
Hơn nữa, càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép.
Để đảm bảo an ninh, trật tự, bình yên khi Tết đến, xuân về, Bộ Công an khuyến cáo đến người dân nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn trong quản lý và sử dụng pháo theo đúng quy định của pháp luật.
Những loại pháo không được phép sử dụng
Theo quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, người dân cần phân biệt loại pháo được phép sử dụng và bị nghiêm cấm.
Loại pháo được phép sử dụng: Pháo hoa
Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng (đốt) phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
Loại pháo không được phép sử dụng (nghiêm cấm) gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ
- Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả… khi đốt gây ra tiếng nổ);
- Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc sử dụng pháo
Cụ thể, theo Điều 5, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, nghiêm cấm các hành vi sau liên quan đến việc sử dụng pháo:
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định.
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
Hướng dẫn sử dụng pháo hoa đúng cách
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, người dân sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, địa điểm đặt giàn pháo phải là nơi bằng phẳng, rộng, cách xa các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, không gian trên cao phải bảo đảm thông thoáng, không có vật cản; đặc biệt không sử dụng pháo hoa gần các khu vực cấm như cơ sở sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, nhà máy điện, trạm biến áp, kho vũ khí, vật liệu nổ...
Ngoài ra, trước khi sử dụng pháo hoa, người dân phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật, gồm: Hạn sử dụng được ghi (in) trên sản phẩm. Sản phẩm phải bảo đảm còn trong hạn mới được phép sử dụng. Kết cấu sản phẩm phải chắc chắn, ngòi phải được gắn chặt với thân sản phẩm, không được rơ lỏng hoặc tách rời thân sản phẩm. Sản phẩm có kết cấu không đạt yêu cầu thì không được phép sử dụng.
Về thao tác sử dụng pháo hoa, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo, người sử dụng cần đặt sản phẩm thẳng đứng trên mặt phẳng cứng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi sử dụng loại pháo này, không để gần vào người hoặc động vật. Dùng nguồn lửa đốt cháy dây ngòi cháy chậm, sau đó lùi ra xa với khoảng cách yêu cầu phù hợp với từng loại pháo hoa, đợi sản phẩm hoạt động. Không dùng tay cầm sản phẩm khi đốt.
Sau khi sản phẩm cháy hết, để nguội không dưới 15 phút hoặc tưới nước cho ướt toàn bộ sản phẩm (không còn tàn lửa), sau đó cho vào thùng rác.
Khi sử dụng, người xem pháo hoa phải đứng cách sản phẩm ít nhất 5-10m theo từng loại sản phẩm. Không được sử dụng sản phẩm cho các mục đích khác ngoài quy định.
Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ xảy ra cháy nổ, khi chưa sử dụng, cần bảo quản pháo hoa ở vị trí an toàn, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, bao gói, che chắn, chống va đập và tàn lửa, tránh xa tầm tay của trẻ em.
Nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng pháo
Bộ Công an khuyến cáo, để đón một năm mới an toàn, bình yên, người dân cần chú ý nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo.
Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.
Nếu xảy ra tai nạn, sự cố cháy, nổ khi sử dụng pháo phải nhanh chóng báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 để kịp thời cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy.
Theo thông tin từ Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000kg pháo.
Các cá nhân tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản và sử dụng pháo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về:
- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Xử lý hình sự tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi gây ra theo quy định tại Điều 190 (về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 389 (về tội gây rối trật tự nơi công cộng) tại Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).