Nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm
Việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là mối nguy mắc các bệnh truyền nhiễm. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe.
Ngộ độc do ăn thịt chó đánh bả
Mới đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận một vụ ngộ độc thực phẩm sau khi 7 người trong một gia đình ăn thịt chó. Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại gia đình bà H.M.N. (trú tại buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, gia đình bà N. làm thịt chó và tổ chức ăn tại gia đình.
Sau bữa ăn, 8 người trong gia đình bắt đầu có các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, sốt nhưng 7 người có biểu hiện nặng nên được đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột cho biết, tất cả 7 bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng, tiêu chảy, sốt do ngộ độc thực phẩm. Sau quá trình điều trị, 7 bệnh nhân đã được xuất viện.
Bác sĩ Phạm Thị Kim Quế - Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột cho biết, con chó được gia đình bà N. làm thịt để ăn có dấu hiệu bị đánh bả hoặc bệnh. Người dân ăn thịt chó bị đánh bả tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bả chó được làm từ nhiều nguồn chất độc, có thể ngấm vào máu của chúng. Lượng độc tố này, khi vào cơ thể con người, gây nhiều phản ứng, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tử vong.
Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra ngộ độc thực phẩm sau khi ăn thịt chó. Trước đó, tại địa phương này cũng đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt chó. Đáng nói, các vụ ngộ độc này xảy ra ngay trong bếp ăn gia đình, có nhiều người cùng một gia đình.
Còn tại Hà Nội cũng đã 1 có ca tử vong do bệnh dại tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh. Đây là trường hợp dại trên người, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng điển hình, xét nghiệm khẳng định virus dại trong dịch não tủy. Nguồn lây nghi do tiếp xúc trong quá trình giết mổ chó tại địa phương.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, bệnh nhân là N.V.T. (nam, 52 tuổi) có địa chỉ tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh.
Trước 2 tháng phát bệnh, bệnh nhân tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn (2 con chó đều khỏe mạnh, nuôi trên 5 tháng, không được tiêm phòng). Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt (không đo nhiệt độ), mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho kết quả dương tính với virus dại. Bệnh nhân tử vong ngay sau đó.
Từ bỏ thói quen ăn thịt chó
Thời gian qua, nhiều trường hợp tử vong do bệnh dại. Chó, mèo gần như là vật chủ trung gian gây nên bệnh dại và lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thế nhưng nhiều người vẫn có thói quen tiếp xúc gần, thậm chí ăn thịt chó, mèo.
Lương y Hoàng Duy Tân, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, trong Đông y, thịt chó thuộc tính nhiệt và có tác dụng bổ dưỡng mạnh. Do vậy, sau khi ăn nhiều, người lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh huyết áp dễ bị tăng huyết áp, thậm chí dẫn tới tai biến, vỡ mạch máu não. Người có bệnh liên quan mạch máu não, bệnh tim, người cường tuyến giáp trạng, mới ốm dậy không nên ăn thịt chó. Với thai phụ, nếu ăn thịt chó, có thể khiến axit uric tăng lên dẫn đến nguy cơ cao về sản giật và tiền sản giật.
Đặc biệt, khi ăn thịt chó cần kiêng kỵ với nhiều món khác nhau, đặc biệt là thịt dê vì thịt chó tính cam ôn, dê tính đại nhiệt, khi hai thứ gặp nhau sẽ sinh ra chứng tích thực, thức ăn khó tiêu, sẽ tích nhiệt, sinh ra chứng tả lỵ.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay, nguy cơ không đảm bảo ATTP, thậm chí gây tử vong nếu sử dụng thịt chó bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác.
Ngoài ra, thịt chó còn có khả năng nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người.
Nhiều người cho rằng thịt chó có tác dụng trong y học, giúp tăng sinh lực nam giới. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định điều đó. PGS.TS Lâm Vĩnh Niên, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khẳng định, ăn thịt chó có thể nguy hiểm nếu con vật không được kiểm tra về bệnh, thịt không được chế biến phù hợp.
Người ăn thịt chó, mèo cũng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng có nguồn gốc từ các động vật này. Đặc biệt, nếu con vật đó bị bắt trộm, thịt của nó có thể bị nhiễm độc.
CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người dân, gây phản cảm với du khách quốc tế.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cảnh báo, nếu ăn phải thịt chó, mèo bị bệnh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm khá cao khi con vật bị đánh bả (bả thường dùng thuốc trừ sâu, thuốc chuột... trộn vào thức ăn). Do đó, người dân không nên ăn thịt những con vật đã xác định bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh vì có thể lây nhiễm trong quá trình làm thịt, chế biến thức ăn, nhiễm độc do độc tố của vi khuẩn hoặc do con vật nhiễm độc từ bả thuốc. Khi có dấu hiệu ngộ độc phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chữa trị.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguy-co-tiem-an-khi-su-dung-thit-cho-meo-lam-thuc-pham.html