Nguy cơ trẻ gặp tai nạn khi nghỉ hè

Trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích, nhất là khi nghỉ hè.

Điều trị bệnh nhi gặp tai nạn sinh hoạt tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Điều trị bệnh nhi gặp tai nạn sinh hoạt tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, nơi này đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhân H.K.K. (11 tuổi, ở Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) trong tình trạng bỏng khắp vùng bụng, lưng, chân, tay - chiếm khoảng 72% diện tích cơ thể.

Khai thác tiền sử, gia đình cho biết, bệnh nhi đang ngồi câu cá, khi giật cần câu vô tình vướng vào dây điện cao thế khiến điện phóng ra gây bỏng. Nam sinh được gia đình đưa đến BV đa khoa huyện Chiêm Hóa để sơ cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh.

Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi nhanh chóng được điều trị tích cực bằng các biện pháp bù dịch, chống sốc, giảm đau, kháng sinh chống nhiễm khuẩn… bệnh nhi được chuyển về bệnh viện tuyến trung ương để điều trị bỏng chuyên sâu.

Một trường hợp khác, theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), nơi này vừa cấp cứu thành công bệnh nhi bị lưỡi câu móc vào mắt khi đi câu cá. Cụ thể, bệnh nhi N.P.A. (8 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) đi xem câu cá không may bị lưỡi câu móc vào mắt, được gia đình đưa đến cở sở y tế thăm khám và điều trị.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện một lưỡi câu sắc nhọn còn nguyên mồi câu (giun) móc sâu vào bờ trong mi trên mắt phải, lưỡi câu xuyên qua sụn mi vào trong hốc mắt. Sau hơn 1 giờ đồng hồ thực hiện, lưỡi câu được các bác sĩ rút ra thành công dù phần ngạnh nằm sâu trong mí mắt gần 0,5cm.

BSCKI Hà Duy Tiến - Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng cho biết, đây là tổn thương vùng mắt phức tạp có nguy cơ gây hậu quả khôn lường và có thể mất thị lực vĩnh viễn.

Đáng nói, theo thống kê từ các bệnh viện, thời gian vừa qua, liên tục các ca nhập viện do tai nạn sinh hoạt là do kẹt tay vào cửa, máy thêu, máy lọc nước của gia đình, bỏng nước sôi… đều gặp phải tổn thương phức tạp, khó hồi phục.

BSCKI Đinh Văn Nghĩa - Khoa Ngoại nhi tổng hợp, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Từ khi mùa hè bắt đầu tới nay, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ đã liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ nhỏ phải nhập viện do tai nạn thương tích, trong số này có không ít trường hợp gặp tổn thương nặng, nguy kịch tính mạng.

Trong khi đó, TS.BS Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, BV Nhi trung ương cũng thông tin: “Mỗi năm, đặc biệt vào dịp hè, Khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do tại nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp thương tổn nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi, nhưng cũng có những thương tổn nặng không thể phục hồi như đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng”.

Theo lý giải từ các chuyên gia, trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp phải tai nạn.

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ. Ví dụ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi… gần khu vực trẻ chơi. Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn. Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc,cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn.

“Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ” - BS Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cùng trẻ tìm hiểu, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.

Khi trẻ không may xảy ra tai nạn, cần xử trí băng vết thương và liên lạc ngay với hệ thống cấp cứu ngoại Nhi của các bệnh viện và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa ngoại Nhi gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-tre-gap-tai-nan-khi-nghi-he-10285886.html