Nguy cơ Trung Đông thành 'thùng thuốc súng' sau vụ tấn công rung chuyển Ả rập Xê út
Vụ tấn công làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng dầu mỏ khai thác của Ả rập Xê út được cho là có thể đẩy căng thẳng tại Trung Đông lên một mức mới và kịch bản đối đầu quân sự là có thể xảy ra.
Theo hãng tin Aljazeera, vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy của tập đoàn dầu khí Aramco tại đông Ả rập Xê út là một trong những chiến dịch tấn công quân sự gây ra hậu quả nghiêm trọng với các cơ sở hạ tầng chủ chốt của Riyadh từ trước tới nay.
Vụ tấn công ngày 14/9 mà phiến quân Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm làm giảm 5,7 triệu thùng dầu trong tổng sản lượng dầu Ả rập Xê út sản xuất một ngày. Nó cũng đẩy căng thẳng giữa Iran và những nước không phải đồng minh của Tehran trong khu vực lên một tầm cao mới khi cả Mỹ và Ả rập Xê út đều cáo buộc hoặc nghi ngờ Iran đứng sau lực lượng Houthi.
Hiện thời, tại Trung Đông, căng thẳng đang xảy ra giữa Iran cùng với Mỹ và các đồng minh của Washington như Ả rập Xê út và Israel.
Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công. Ngoại trưởng Mike Pompeo là quan chức đầu tiên lên tiếng chỉ trích Tehran. Tiếp sau đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đã "khóa mục tiêu và lên nòng" để đáp trả cuộc tấn công.
Ngày 16/9, ông Trump nói rằng Iran tấn công Aramco là “điều khá chắc chắn lúc này” tuy nhiên ông sẽ chờ kết quả chính xác và cảnh báo sẽ có đòn phản công “lớn gấp nhiều lần”.
Trong khi đó, ông Turki al-Maliki, phát ngôn viên liên minh các nước Ả rập, tổ chức do Riyadh đứng đầu, cáo buộc rằng các vũ khí được dùng trong cuộc tấn công đều đến từ Iran. Ông Maliki cũng nói rằng vụ tấn công không tới từ Yemen và Houthi chỉ đang nhận hộ trách nhiệm.
Iran trước đó đã thẳng thừng bác cáo buộc từ Mỹ, nói rằng những tuyên bố về thủ phạm vụ tấn công chỉ nhằm hợp lý hóa các hành động chống Tehran của Washington và đồng minh.
Vụ tấn công trở thành động thái gây leo thang căng thẳng và khiến cho viễn cảnh thương lượng ngoại giao giữa Mỹ và Iran trở nên xa vời. Mâu thuẫn bùng phát từ năm ngoái khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân JCPOA và thực thi chính sách gây áp lực tối đa lên Iran.
Tehran đã đáp trả bằng cách thực hiện hàng loạt các động thái nhằm thu hẹp các cam kết với hiệp ước hạt nhân.
Hai kịch bản xảy ra
Ngay sau khi vụ tấn công Aramco xảy ra, lực lượng Houthi đã nhanh chóng nhận trách nhiệm và mô tả rằng đây là biện pháp đáp trả của họ với các cuộc không kích nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Ả rập Xê út nhằm vào người dân thường tại Yemen.
Houthi cũng xác nhận rằng họ điều 10 máy bay không người lái thực hiện vụ tấn công. Theo kịch bản này, các thiết bị có vũ trang nói trên phải bay trên 1.000 km từ khu vực Houthi quản lý tại tây bắc Yemen, vượt qua bầu trời Ả rập Xê út để tới các mục tiêu ở Abquaiq.
Một tuyến đường di chuyển khác của các máy bay có thể là băng qua biên giới Oman và đi tiếp về phía bắc tới khu vực gần với UAE và Qatar trước khi tiếp cận mục tiêu và thực hiện vụ tấn công.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cả 2 kịch bản đều không hợp lý khi xét về phương diện tác chiến. Họ cho rằng Houthi hiện chưa được tiếp cận với các hệ thống tấn công trên không tiên tiến.
Thêm vào đó, khoảng cách xa từ nơi Houthi kiểm soát cho tới điểm bị tấn công cũng là yếu tố gây nên nghi ngờ. Trên cả 2 quãng đường, một điều dễ thấy là các máy bay không người lái phải đi qua những vùng không phận được canh phòng nghiêm ngặt với các hệ thống phòng thủ hiện đại. Vì vậy, giới quan sát cho rằng điều này rất khó để thực hiện.
Chính điều này đã làm gia tăng đồn đoán rằng vụ tấn công Aramco xuất phát từ phía nam Iraq, nơi nằm gần khu vực bị tấn công và cũng là nơi lực lượng Hashd al-Shaabi nghi được Iran hậu thuẫn, đóng quân.
Hồi cuối tháng 6, các quan chức Mỹ từng kết luận rằng vụ tấn công ngày 14/5 vào đường ống đông tây Aramco gần thị trấn al-Duwadimi xuất phát từ Iraq, không phải Yemen như những gì Houthi đã nhận.
Ngoài ra, một nguồn thạo tin nói rằng các mảnh vỡ từ thiết bị dùng để tấn công hôm 14/9 sử dụng loại máy bay và thuốc nổ khác với vũ khí mà Houthi từng dùng tấn công lãnh thổ Ả rập Xe út trước đó.
Chuyên gia Erwin van Veen từ viện Clingendael (Hà Lan) cho rằng những phân tích trên có lý nhưng chưa đủ để kết luận Iran có liên quan vì Houthi có thể có các cơ sở hoạt động khác trong khu vực và vụ tấn công có thể xuất phát từ các địa điểm gần hiện trường.
Ngoài ra, trong một kịch bản khác, Mỹ và Ả rập Xê út có thể cáo buộc quân đội Iran đã dùng tên lửa hành trình để tấn công Aramco từ lãnh thổ Iraq hoặc Iran. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng động thái này không trùng với chiến lược an ninh khu vực của Iran.