Nguy cơ từ trang sức vàng non
Trang sức vàng non đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và được rao bán công khai từ cửa hàng đến mạng internet. Giá loại trang sức này cũng khá đa dạng, phong phú.
Rao bán tràn lan
Dạo một vòng qua “chợ mạng”, người mua dễ dàng thấy nhiều địa chỉ, website bán trang sức vàng non với các loại nhẫn, dây chuyền, lắc tay… Thậm chí, để quảng cáo bán hàng, các cửa hàng còn rầm rộ livestream giới thiệu bán buôn, bán lẻ, miễn phí vận chuyển cho khách trên địa bàn toàn quốc.

Trang sức vàng non dễ dàng mua được qua mạng
Một chỉ vàng non được rao bán với giá rẻ bằng 1/9 so với giá vàng 9999 đang được niêm yết trên thị trường (gần 600.000 đồng). Mặc dù được gọi là vàng non nhưng thực chất hàm lượng vàng thật chiếm tỷ lệ vô cùng ít hoặc không hề có trong sản phẩm loại này.
Theo lý giải của chủ một cửa hàng trang sức vàng non tại Hà Nội, đây chính là vàng tây thấp tuổi. Để thu hút người mua, nhiều cửa hàng có chính sách thu mua lại với giá trị từ 40 - 60% nếu người dùng có nhu cầu bán.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vàng non bán trên mạng chỉ là mỹ ký, còn vàng tây thấp tuổi trong sản phẩm vẫn có vàng. Vàng ký hiệu KHT có khoảng 20% vàng, ký hiệu TY, TY+ có tỷ lệ 30% hoặc trên 33%, 34% là vàng.
Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh trang sức, anh Bùi Đỗ Toàn - chủ cửa hàng vàng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - chia sẻ, trang sức vàng non thực chất chỉ là kim loại mạ vàng. Những loại trang sức này rất đẹp, giá bán rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng một bộ trang sức nên được nhiều chị em mua sử dụng. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn sản phẩm sẽ bị phai màu...
Nhập nhằng thật - giả
Theo anh Toàn, trước đây, cửa hàng đã tiếp nhận một số trường hợp khách hàng mang sản phẩm vàng non mua trôi nổi trên mạng muốn bán lại. Tuy nhiên, khi kiểm định phát hiện, toàn bộ các sản phẩm trang sức đó chỉ là kim loại mạ vàng. Thậm chí, có sản phẩm chỉ được xi một lớp có màu giống vàng nên phía cửa hàng đã từ chối mua lại.
Một số sản phẩm vàng non mua trôi nổi trên thị trường sau khi sử dụng các phương pháp chuyên dụng đo tuổi vàng để kiểm định sẽ thấy được hàm lượng vàng chiếm tỷ lệ khoảng 3% là vàng; đồng chiếm tỷ lệ 79%; còn lại là kẽm. Do đó, vàng non này thực chất là dây chuyền hợp kim đồng hay đồng mạ vàng.
Thực tế trên thị trường, vàng non được các đối tượng làm giả và rao bán rất tinh vi, sản phẩm bên ngoài được mạ lớp vàng, bên trong lõi là kim loại khác khiến máy đo quang phổ thông thường không phát hiện được khiến người mua sẽ dễ dàng bị lừa. Bằng những cách xác định chuyên dụng hơn như nấu chảy sản phẩm sẽ phải phá hủy mẫu. Nhưng, cách này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua.
Không chỉ mất tiền, người tiêu dùng còn vô tình mang theo nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe khi đeo trang sức vàng non mà thực chất là hợp kim đồng - chứa nhiều kim loại khác nhau. Khi sử dụng những trang sức vàng non, mồ hôi tiết ra hoặc tác động bên ngoài môi trường sẽ làm oxy hóa đồng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Theo đại diện Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt, trong thực tế, quá trình sản xuất vàng sẽ có một số sản phẩm vàng bị non so với tuổi nhưng vẫn là vàng thật. Do đó, nếu xác định mua vàng non, người mua cần đến những địa chỉ uy tín.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguy-co-tu-trang-suc-vang-non-143547.html