Nguy cơ tử vong do tự chế pháo nổ

Dù pháp luật đã cấm sử dụng pháo nổ nhưng hàng năm, cứ đến thời điểm gần Tết Nguyên đán, số ca nhập viện vì tai nạn pháo nổ đều gia tăng.

Cấp cứu bệnh nhân nhập viện do pháo nổ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Cấp cứu bệnh nhân nhập viện do pháo nổ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Mới đây nhất, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, cơ sở y tế này tiếp nhận trường hợp bé trai 14 tuổi nhập viện với tình trạng dập nát bàn tay trái.

Theo lời kể của gia đình, bé trai này đã mua bột về để tự chế pháo nổ, trong quá trình chế tạo thì bất ngờ pháo phát nổ. Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, tổn thương của bé trai này rất phức tạp, nếu không được xử trí kịp thời thì khả năng phải cắt cụt bàn tay trái là rất cao, trong khi tuổi đời còn quá trẻ. Với sự nỗ lực của các nhân viên y tế để cứu vãn tương lai của cháu bé, cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, bé trai nói trên đã bảo tồn được 4 ngón tay, cắt cụt hoàn toàn ngón tay thứ 4.

Một trường hợp khác tương tự vừa xảy ra được Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thông tin: Bệnh nhi T.Đ.A. (15 tuổi trú tại Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện với vết thương vùng bàn tay trái và hai mắt.

Theo gia đình, trước vào viện khoảng 30 phút, cháu T.Đ.A. có tự chế pháo tại nhà không may phát nổ. Hậu quả, nam thiếu niên bị đau, chảy máu vùng bàn tay trái, đau rát vùng mặt, 2 mắt cộm, chói, chảy nước mắt.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hai mắt có nhiều dị vật kết - giác mạc, bỏng kết - giác mạc độ 1, vết thương bàn tay trái, bỏng xây xát da mặt độ 1-2. Sau khi được các bác sĩ tiến hành xử trí, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.

Không may như bé trai nói trên, cuối tháng 12/2021, tại thôn Thanh Văn 2 (xã Tân Hoa, Lục Ngạn, Bắc Giang) đã phát hiện tiếng nổ lớn tại nhà anh Phan Văn D. Cảnh tượng vụ nổ làm nhiều người bàng hoàng: Cháu Phan Công M. (SN 2008, con anh D.), trên người đầy vết thương, nằm bất động giữa ngổn ngang xác pháo. Mặc dù được nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cháu M. không qua khỏi.

Khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Lục Ngạn xác định nguyên nhân vụ nổ dẫn đến cái chết thương tâm của cháu M. là do cháu sử dụng một số hóa chất trộn với nhau rồi cuốn thành các khối hình trụ tạo pháo nổ. Trong quá trình chế pháo, pháo đã phát nổ và gây ra vụ việc trên. Cơ quan công an còn phát hiện trong ngăn kéo bàn học của cháu M. còn 9 quả pháo tự chế.

Có thể thấy được, cứ đến dịp gần Tết, tình hình tự chế, sử dụng trái phép pháo nổ lại tăng cao và hậu quả đó là những tai nạn thương tâm vì nó cũng gia tăng. Thống kê không đầy đủ trong năm 2020, có tới hơn 300 trường hợp đã phải nhập viện vì pháo nổ. Còn ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, chưa đầy 1 tháng qua đã có tới hơn 10 trường hợp nhập viện vì tai nạn thương tích do pháo. Đặc biệt, nạn nhân lại thường là các em học sinh với tuổi đời còn rất trẻ.

Nguy hiểm hơn, với sự phát triển của mạng internet, những thông tin, bài viết hay video clip hướng dẫn trẻ em học sinh cách tự chế pháo đang tràn lan. Có kênh Youtube với hơn 55.000 người đăng ký đã công khai đăng tải cả những video hướng dẫn người xem cách làm pháo, từ pháo cối tới pháo hoa, pháo tép, thậm chí là những clip thử nghiệm các loại chất nổ.

Mỗi clip đăng tải thường có hàng nghìn lượt xem, hàng trăm lượt bình luận, trao đổi về cách làm pháo nổ. Thông qua cách xưng hô, không loại trừ khả năng đa số thanh thiếu niên là khán giả của kênh này.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng, rất nặng và đặc biệt nguy hiểm. Pháo nổ không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá và ảnh hưởng của hóa chất, gây ra các vết thương nghiêm trọng, dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay. Thậm chí có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế.

Khả năng bị nhiễm trùng vết thương cũng rất cao do các bệnh nhân thường bị bỏng nặng và điều trị cũng rất tốn kém; chăm sóc sau phẫu thuật thường phức tạp do nhiễm trùng lớn và quá trình điều trị lâu dài; hồi phục chức năng khá lâu gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân và tinh thần của những người thân trong gia đình bệnh nhân.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh những tai nạn do pháo nổ, người dân không nên tự mua pháo trên mạng; không cho trẻ con sử dụng pháo; phụ huynh nên quan tâm, kiểm soát những nội dung trên mạng internet, không để con xem những clip hướng dẫn làm pháo tự chế và làm theo sẽ rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia về trật tự xã hội: Cùng với sự quyết liệt của cơ quan Công an, để góp phần đẩy lùi tiếng pháo thì gia đình, trường học và toàn xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung các văn bản quy định về quản lý và sử dụng pháo, nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của mọi người, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh - nhóm đối tượng theo thống kê thường liên quan đến các hành vi vi phạm liên quan pháo về mức độ nguy hiểm và những hậu quả có thể phải đối mặt nếu thực hiện các hành vi mà pháp luật nghiêm cấm về pháo và hãy nói “không” với pháo dưới mọi hình thức.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguy-co-tu-vong-do-tu-che-phao-no-5677337.html