Nguy cơ tử vong tăng cao nếu nhiễm đồng thời virus SARS-CoV-2 và cúm

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh ngày 27/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Biến thể BA.2 có thể nguy hiểm hơn với trẻ em

Trang tin Bloomberg dẫn nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet ngày 26/3 cho biết, người nhiễm cùng lúc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và virus cúm có nguy cơ tử vong cao gấp đôi, trong khi nguy cơ phải thở máy tăng gấp 4 lần.

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Đại học Edinburgh, Đại học Liverpool, Đại học Imperial London cùng Đại học Leiden (Hà Lan) thực hiện đối với 305.000 người ở Anh nhập viện vì COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 6/2/2020 đến 8/12/2021.

Kết quả cho thấy 6.695 người mắc COVID-19 đồng nhiễm virus gây viêm đường hô hấp trên. Đáng chú ý, trong số này có 227 bệnh nhân nhiễm virus cúm và tình trạng bệnh của họ nghiêm trọng hơn nhiều so với nhóm còn lại.

Theo nghiên cứu, người trưởng thành nhập viện nhiễm đồng thời virus SARS-CoV-2 và virus cúm có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 2,4 lần so với các bệnh nhân chỉ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc nhiễm một trong số các loại virus khác.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh những phát hiện này cho thấy cần tăng cường xét nghiệm cúm ở người mắc COVID-19 phải nhập viện, cũng như cần tiêm cả vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 và vắc xin phòng cúm.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Kenneth Baillie tại Đại học Edinburgh nêu rõ: “Chúng tôi phát hiện sự kết hợp giữa virus SARS-CoV-2 và virus cúm đặc biệt nguy hiểm. Phát hiện này rất quan trọng khi nhiều quốc gia đang dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Chúng tôi hy vọng COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu như cúm mùa. Đó là lý do chúng ta nên thay đổi chiến lược xét nghiệm đối với các ca mắc COVID-19 phải nhập viện kết hợp với tăng cường xét nghiệm cúm”.

Trong khi đó, Giáo sư Calum Semple, chuyên gia về sức khỏe trẻ em tại Đại học Liverpool, cho biết các nhà khoa học đang ghi nhận sự gia tăng các loại virus gây bệnh đường hô hấp theo mùa thông thường khi người dân trên thế giới nối lại cuộc sống bình thường mới và không áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Vì vậy, sau phát hiện mới nhất về nguy cơ tử vong tăng gấp đôi ở người nhiễm đồng thời virus cúm và virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là mọi người phải tiêm phòng đầy đủ để có kháng thể phòng ngừa cả hai loại virus trước khi quá muộn.

Về phần mình, Giáo sư Peter Openshaw tại Đại học Imperial London nêu rõ vắc xin ngừa COVID-19 và vắc xin phòng cúm có công thức khác nhau, nên người dân cần tiêm cả hai loại.

Cách điều trị hai bệnh này cũng khác nhau và xét nghiệm giúp bác sĩ cũng như bệnh nhân có hướng xử lý phù hợp.

Nghiên cứu mới nhất nói trên được thực hiện trong khuôn khổ dự án của Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm mới và bệnh hô hấp cấp tính quốc tế (Isaric).

Đây là dự án nghiên cứu lớn nhất từ trước tới nay về những người mắc COVID-19 và virus đường hô hấp đặc hữu khác. Nghiên cứu của Isaric bắt đầu được thực hiện vào năm 2013 nhằm lường trước các đại dịch như COVID-19.

* Một nghiên cứu mới về mức độ nghiêm trọng của biến thể BA.2 đối với trẻ em ở Hongkong (Trung Quốc) cho thấy biến thể này nguy hiểm với trẻ em hơn các biến thể khác hoặc so với virus cúm thông thường và virus parainfluenza gây các bệnh về đường hô hấp.

Tuy nhiên, xét về số liệu tuyệt đối, nghiên cứu trên chỉ thấy một số lượng nhỏ ca tử vong hoặc ca nặng. Nghiên cứu trên chỉ mang tính sơ bộ bước đầu vì chưa được công bố chính thức trên một tạp chí khoa học.

Tuy nhiên, tiến sĩ Beth Thielen, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Đại học Minnesota ở TP Minneapolis (Mỹ), cho rằng nghiên cứu này đem lại một cái nhìn quan trọng về sự nguy hiểm của biến thể BA.2 đối với một nhóm người dễ bị tổn thương.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh cần sớm có vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em và cần có thêm nhiều thuốc điều trị cho nhóm tuổi này.

Trong suốt thời gian đầu của đại dịch, Hongkong đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách xã hội, truy vết tiếp xúc, đóng cửa trường học và doanh nghiệp.

Kết quả là thành phố này có số ca mắc COVID-19 rất thấp và tương đối ít người bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 trong hầu hết thời gian dịch hoành hành. Điều này đúng cho đến khi xuất hiện biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron.

Từ thời điểm này, Hong Kong chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng ở mức đáng báo động, đặc biệt ở người cao tuổi.

Trẻ em cũng không được miễn dịch trước BA.2. Nghiên cứu nói trên đã so sánh tình trạng của trẻ nhập viện vì nhiễm biến thể này với so với trẻ nhập viện vì các biến thể trước đó (từ tháng 1/2020 đến tháng 11/2021) hoặc trẻ nhập viện vì nhiễm virus cúm thông thường hoặc parainfluenza (từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2018).

Tháng 2/2022, giữa lúc làn sóng lây lan biến thể Omicron lên đỉnh điểm tại Hongkong, hầu hết do biến thể BA.2 gây ra, có 1.147 em phải nhập viện, trong đó 4 em tử vong. Trẻ tử vong là các bé 11 tháng tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi và 9 tuổi.

Trước đó, các bé này đều có sức khỏe tốt và bé 9 tuổi mắc chứng loạn dưỡng cơ. Chưa bé nào được tiêm vắc xin. 2 bé tử vong vì viêm não hoặc phù não. Đây là những trẻ em đầu tiên tử vong vì COVID-19 tại Hongkong kể từ khi dịch bùng phát.

Khi so sánh tỉ lệ tử vong, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong phát hiện rằng tỉ lệ tử vong ở trẻ nhập viện vì BA.2 cao gấp 7 lần trẻ nhập viện vì cúm thông thường, gấp 6 lần trẻ nhập viện vì nhiễm virus parainfluenza. Tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm là 0,35% đối với BA.2, 0,05% đối với cúm thông thường và 0,04% đối với parainfluenza (vốn gây ho có đờm).

Bên cạnh đó, số trẻ nhập viện vì BA.2 phải điều trị tích cực cao gấp 18 lần so với các biến thể trước của SARS-CoV-2, gấp 2 lần so với cúm thông thường và so với trẻ nhập viện vì nhiễm parainfluenza.

Không có ca nào sốt được ghi nhận ở Hong Kong trong các làn sóng biến thể trước. Nhưng số trẻ nhiễm BA.2 có triệu chứng sốt cao gấp 3 lần so với trẻ nhiễm cúm và gấp 4 lần so với trẻ nhiễm parainfluenza. Trẻ nhiễm BA.2 cũng có nguy cơ mắc chứng phù não hơn trẻ nhiễm parainfluenza, nhưng nguy cơ tương đương với trẻ nhiễm cúm thông thường.

Về các biến chứng hô hấp, 5% trẻ nhiễm BA.2 bị ho có đờm, so với 0,27% trẻ nhiễm các biến thể khác của SARS-CoV-2, cao gấp 11 lần. So với trẻ nhiễm cúm thì trẻ nhiễm BA.2 bị ho có đờm cao gấp hai lần.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “Không thể coi thường mức độ nghiêm trọng của biến thể BA.2, nhất là xét về tỉ lệ tử vong, mắc các biến chứng nặng của trẻ chưa tiêm phòng và chưa từng mắc COVID-19 trước đó".

Dù phát hiện của nghiên cứu trên là đáng lo ngại, nhưng tiến sĩ Claudia Hoyen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi và trẻ sơ sinh UH Rainbow ở Cleveland (Mỹ), lưu ý các bậc phụ huynh rằng “nguy cơ trẻ tử vong vì nhiễm Omicron rất, rất, rất thấp".

Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 0,1% số ca tử vong vì COVID19 tại Mỹ là trẻ em dưới 12 tuổi.

Bà Hoyen nhấn mạnh rằng không cần phải quá lo ngại, thay vào đó, các phụ huynh có con nhỏ cần thận trọng hơn. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đảm bảo rằng mọi người ở quanh bé đều đã tiêm phòng, bao gồm cả mũi tăng cường.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272497/nguy-co-tu-vong-tang-cao-neu-nhiem-dong-thoi-virus-sars-cov-2-va-cum.html