Nguy cơ vũ khí trí tuệ nhân tạo đe dọa an ninh thế giới

Trong thời gian gần đây, những vũ khí được trang bị trí tuệ nhân tạo đang làm mưa làm gió trên chiến trường bởi khả năng tự động thực hiện các cuộc tấn công, với độ chính xác cao mà không cần đến sự điều khiển của con người.

Năm ngoái, công ty Saker của Ukraine cho biết họ đã chế tạo máy bay không người lái Saker Scout, một loại vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo để tự động tìm kiếm và lựa chọn mục tiêu trên chiến trường. Các nhân viên của công ty này cho biết loại máy bay không người lái đã thực hiện các cuộc tấn công ở quy mô nhỏ.

Mặc dù chưa có nhiều thông tin xác thực, các nhà khoa học khẳng định công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể tạo ra những vũ khí như vậy. Điều này làm dấy lên những lo ngại về khía cạnh pháp lý và cả đạo đức về việc có thể sản xuất những vũ khí có thể tự tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu.

Máy bay không người lái của Ukraine - Ảnh: Reuters

Máy bay không người lái của Ukraine - Ảnh: Reuters

Không chỉ bây giờ, việc phát triển các loại vũ khí tự động, chủ yếu là bán tự động, đã bắt đầu từ những năm 1980 do nhu cầu phòng thủ quân sự. Cho đến nay, ít nhất 30 quốc gia vận hành các hệ thống phòng không và chống tên lửa có chức năng tự hành. Sau khi được kích hoạt, các hệ thống phòng thủ này có thể tự động cảm nhận tên lửa, pháo, súng cối hoặc máy bay tiến đến và đánh chặn chúng. Đối với những loại vũ khí này, con người có thể giám sát và trực tiếp can thiệp nếu có sự cố xảy ra.

Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ AI trong quân đội trước đây vẫn còn hạn chế do quy trình mua sắm phức tạp, tốn kém nhiều chi phí. Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, với việc Moscow và Kiev bắt đầu đẩy mạnh áp dụng các loại máy bay không người lái cỡ nhỏ để trinh sát và tấn công lực lượng mặt đất. Sự phát triển của các loại máy bay này đã thúc đẩy các bên đưa ra biện pháp đối phó, chẳng hạn xây dựng hệ thống tác chiến điện tử làm nhiễu tín hiệu liên lạc của máy bay không người lái hoặc vô hiệu hóa chúng bằng cách định vị và tấn công người điều khiển trên mặt đất. Do những nhược điểm trên, việc phát triển các loại máy bay tự hành ngày càng trở nên cần thiết.

Chủng loại và hình thức các dạng vũ khí tự hành sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của cuộc chiến. Tại Ukraine, các bên đã sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ để tấn công binh lính và các phương tiện quân sự. Trong khi đó, máy bay không người lái cỡ vừa hoặc lớn được sử dụng để tiếp cận sâu hơn về phía sau chiến tuyến của quân địch nhằm tấn công các radar hoặc các căn cứ. Ukraine thậm chí còn sử dụng tàu không người lái để tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga. Tất cả các máy bay không người lái trên đều có thể được nâng cấp để vận hành hoàn toàn tự động, cho phép chúng vẫn hoạt động trong trường hợp liên hệ với người điều khiển bị can thiệp.

Không chỉ cuộc chiến tại Ukraine, một số cuộc xung đột khác cũng có thể dẫn đến việc phát triển các loại vũ khí tự hành khác nhau. Một số quốc gia như: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Anh và Mỹ hiện đang nghiên cứu máy bay không người lái tàng hình, có khả năng tấn công vào hệ thống phòng không hoặc bệ phóng tên lửa di động trong tương lai. Bên cạnh đó là ra, chúng ta các robot mặt đất hoặc các ụ súng cố định trang bị các vũ khí tự hành.

Việc sản xuất những loại vũ khí này đang gia tăng đáng kể khả năng quân sự của các bên, làm dấy lên nguy cơ về việc loại bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát của con người. Các nhóm máy bay không người lái tự hành có thể tự động phối hợp các hành vi, phản ứng với những thay đổi trên chiến trường theo tốc độ vượt quá khả năng kiểm soát của con người, đẩy nhanh nhịp độ trận chiến.

Học giả quân sự Chen Hanghui thuộc Trường Chỉ huy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhận định vai trò của con người đang giảm sút khi khả năng điều hành của máy móc sẽ vượt xa tốc độ ra quyết định của họ. Hơn thế nữa, những máy móc này không chỉ chọn các mục tiêu riêng lẻ mà còn lập kế hoạch và thực hiện toàn bộ chiến dịch.

Mặc dù vũ khí tự động có thể làm giảm đáng kể thương vong dân sự do độ chính xác cao, tuy nhiên, nếu rơi vào một quốc gia hiếu chiến, chúng có thể được lợi dụng để thực hiện các cuộc thảm sát quy mô lớn, tiêu diệt hàng nghìn người cùng một lúc.

Các nhà khoa học AI hàng đầu như: giáo sư Stuart Russell của Đại học California và nhà khoa học máy tính Yann LeCun, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của vũ khí tự động.

Khoảng 30 quốc gia và một nhóm các tổ chức nhân đạo đã kêu gọi một hiệp ước cấm vũ khí tự động trước khi chúng có thể được triển khai.

Một nhóm gồm hơn 250 tổ chức phi chính phủ, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Sáng kiến Phụ nữ Nobel, đã thành lập Chiến dịch Ngăn chặn Robot sát thủ, kêu gọi một hiệp ước cấm vũ khí tự động.

Các quốc gia đã đạt được thành công tương đối trong việc cấm vũ khí hóa học, sinh học, bom chùm, tuy nhiên việc cấm hoàn toàn vũ khí tự động khó có thể xảy ra. Điều này bắt nguồn từ việc thế giới chưa thực sự hiểu rõ về rủi ro của loại vũ khí này, do chúng vẫn chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, nhiều nước không muốn từ bỏ một loại vũ khí có tiềm năng lớn vì những cảnh báo không chắc chắn.

Nếu không có những hạn chế hiệu quả, vũ khí tự động sẽ làm giảm sự kiểm soát của con người đối với chiến tranh, gây nguy hiểm ngày càng tăng cho dân thường và chiến binh, đồng thời làm suy yếu an ninh và sự ổn định quốc tế.

An Thái

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quoc-te/nguy-co-vu-khi-tri-tue-nhan-tao-de-doa-an-ninh-the-gioi/183843.htm