Nguy cơ xói mòn hợp tác an ninh Mỹ-Nhật-Hàn

Việc Hàn Quốc chấm dứt Hiệp định GSOMIA với Nhật Bản có thể làm xói mòn hợp tác an ninh Mỹ-Nhật- Hàn, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn với an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Hướng liên kết của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: CBN

Hướng liên kết của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: CBN

Hàn Quốc vừa quyết định chấm dứt Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản. Với động thái này, các tranh cãi chính trị và thương mại Nhật-Hàn giờ đây đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm nhất trong khu vực, đồng thời có thể làm xói mòn hợp tác an ninh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn.

Từ căng thẳng lịch sử, thương mại đến an ninh

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua bắt nguồn từ quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Đáp lại, đầu tháng 7 vừa qua, Nhật Bản siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao, trong đó có chất cản quang, dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng đã loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác đáng tin cậy được hưởng ưu đãi thương mại. Seoul chỉ trích động thái này là sự trả đũa của Tokyo đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên (từ năm 1910-1945). Ngày 12.8, Hàn Quốc tuyên bố cũng loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại của Seoul. Seoul cũng cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo vốn là một phần quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên với Mỹ.

Đến ngày 22.8, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo nước này đã quyết định chấm dứt Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản, viện dẫn "sự thay đổi lớn" về các điều kiện an ninh do những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước láng giềng.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không đáp ứng "các lợi ích quốc gia" của nước này. Theo Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim You-geun, Hàn Quốc có kế hoạch thông báo với phía Nhật Bản về quyết định rút khỏi GSOMIA trước thời hạn chót 24.8 thông qua một kênh ngoại giao.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết quyết định của Seoul hủy bỏ GSOMIA với Nhật Bản tách biệt với liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng khẳng định nước này sẽ duy trì khả năng sẵn sàng ứng phó phối hợp chặt chẽ với Mỹ dựa trên liên minh vững mạnh giữa hai nước, không liên quan đến quyết định ngừng GSOMIA giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc Hàn Quốc rút khỏi GSOMIA đã nhận được những phản ứng trái chiều từ chính giới Hàn Quốc. Đảng Dân chủ đồng hành đã bày tỏ tôn trọng quyết định của Chính phủ, đồng thời hy vọng Nhật Bản rút lại các biện pháp trả đũa kinh tế, chấp thuận đối thoại và hợp tác trên tinh thần tôn trọng người dân hai nước. Trong khi đó, đảng Công lý cũng bày tỏ hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh quyết định của Chính phủ, tin tưởng dù hiệp định bị phá vỡ cũng sẽ không gây ra lỗ hổng về an ninh. Ngược lại, đảng Hàn Quốc tự do bày tỏ lo ngại mâu thuẫn lịch sử giữa hai nước đang lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế, an ninh. Đảng Tương lai chính nghĩa cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định trên của Chính phủ, lo ngại điều này sẽ khiến Mỹ quay lưng lại với Hàn Quốc.

Nhằm phản đối quyết định của Seoul hủy Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản, ngày 22.8, Nhật Bản đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Nam Gwan Pyo. Ngày 23.8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc đang tiếp tục "làm tổn thương mối quan hệ tin cậy" khi quyết định chấm dứt Hiệp định GSOMIA với Nhật Bản. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh gia tăng từ phía Triều Tiên. Theo Bộ trưởng Iwaya, các vụ phóng tên lửa liên tiếp gần đây của Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia, và hợp tác 3 bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ rất quan trọng trong bối cảnh này. Do đó, ông cho biết Tokyo sẽ hối thúc mạnh mẽ Seoul xem xét lại và đưa ra quyết định sáng suốt.

Trước việc Hàn Quốc quyết định chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản, Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đồng thời kêu gọi hai nước giải quyết những căng thẳng.

Phát biểu trong cuộc họp báo khi đang ở thăm Canada, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: "Chúng tôi lấy làm tiếc trước quyết định của Hàn Quốc liên quan thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo. Chúng tôi kêu gọi hai nước tiếp tục tiếp xúc và đối thoại". Ông Pompeo cũng nhấn mạnh, sự cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á này đóng vai trò quan trọng không chỉ trong vấn đề Triều Tiên mà còn đối với các vấn đề khác trong khu vực và trên thế giới.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã bày tỏ lo ngại về quyết định của Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh quan trọng của sự hợp tác an ninh liên tục giữa ba quốc gia Mỹ-Nhật-Hàn. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra tuyên bố bày tỏ "vô cùng lấy làm tiếc và quan ngại" trước quyết định trên của Hàn Quốc. Quan chức này kêu gọi hai bên cùng nhau nhanh chóng giải quyết những bất đồng, đồng thời nhấn mạnh "sự phối hợp trong đoàn kết và hữu nghị" giữa Mỹ-Nhật-Hàn sẽ giúp khu vực Đông Bắc Á an toàn hơn và việc chia sẻ thông tin tình báo là chìa khóa để phát triển chính sách và chiến lược phòng thủ chung.

Những nguy cơ

GSOMIA là hiệp định chia sẻ thông tin quân sự đầu tiên giữa Seoul và Tokyo kể từ khi Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của Phát xít Nhật (1910-1945). Hiệp định này được ký tháng 11.2016 nhằm chia sẻ các thông tin nhạy cảm về mối đe dọa do các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hằng năm nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24.8. Giới phân tích lo ngại quyết định này của Seoul không chỉ gây hại cho Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực.

Với việc hủy bỏ hiệp định hợp tác quân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc không được trao đổi thông tin mà Nhật Bản nắm giữ và sẽ có thêm nhiều khoảng trống về thông tin quân sự. Đặc biệt, trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục đe dọa thử vũ khí và hạt nhân, Seoul không nên có lỗ hổng về thông tin.

Quân đội Hàn Quốc từng nhấn mạnh Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật sẽ tăng cường khả năng giám sát và chất lượng thông tin về Triều Tiên. Đó là bởi hai nước có thế mạnh khác biệt. Điểm mạnh của Tokyo là khả năng thu thập thông tin thông qua trang thiết bị hiện đại, trong khi thế mạnh của Seoul là thu thập thông tin tình báo qua con người. Nhật Bản sở hữu những trang thiết bị thu thập thông tin như vệ tinh, ra-đa, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tra biển và có thể thu thập các thông tin liên quan đến căn cứ tàu ngầm, căn cứ tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo có khả năng được phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên. Những thông tin này rất có ích đối với Hàn Quốc. Trong khi đó, Seoul có thể thu thập thông tin thông qua con người như tình trạng người tị nạn Triều Tiên, và các loại trang thiết bị nghe lén được lắp đặt ở đường ranh giới quân sự liên Triều. Các thông tin này rất chi tiết và không thể có được ở bất cứ nơi nào khác, và những thông tin này rõ ràng rất hữu ích đối với Tokyo. Do vậy, việc phá bỏ Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật có thể gây hại cho cả hai nước

Việc Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản còn có thể làm xói mòn hợp tác an ninh Mỹ-Nhật- Hàn, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn với an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Thực tế cho thấy, khu vực Đông Bắc Á đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đặc biệt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, điều này càng được khẳng định.

Về cơ bản, quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dựa trên quan hệ đồng minh truyền thống, được khẳng định trong Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung Mỹ - Hàn. Sự tham gia của Mỹ tại Đông Bắc Á và quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn là một nhân tố cân bằng đối với sức mạnh của Trung Quốc.

Trong khi đó, phương sách giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thể hiện sự tính toán về chiến lược của Tổng thống Trump. Bởi lẽ, xét về sâu xa, vấn đề Triều Tiên chưa phải là nhiệm vụ tối quan trọng đối với an ninh Mỹ, nhưng đó lại là vấn đề đầy gai góc, có ảnh hưởng lớn đến vị thế, uy tín của Mỹ đối với khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới mà các tổng thống tiền nhiệm chưa giải quyết được. Do vậy, quyết định cải thiện quan hệ Mỹ - Triều của Tổng thống Trump nhằm thuyết phục Triều Tiên là sách lược không thể khác hơn của Mỹ. Qua đó, một mặt, Mỹ muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mặt khác, gây áp lực lên các đối thủ là Trung Quốc và Nga. Hơn nữa, cải thiện quan hệ với Triều Tiên để giảm bớt căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ triển khai, thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từng bước kiềm chế sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Có thể thấy, trước một loạt diễn biến mới ở khu vực Đông Bắc Á, hướng liên kết của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc vốn là đồng minh truyền thống và trong bối cảnh hiện nay, dường như liên minh này đang ngày càng được thắt chặt để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và đối phó với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Một số bằng chứng trong thời gian gần đây đã cho thấy liên minh này đang được thắt chặt trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á có những diễn biến phức tạp, nhất là vào ngày 3-11-2018, sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ quay lại chính sách quốc gia về tăng cường kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này cùng với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt kết quả. Trong tháng 8 này, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trậnDong Maeng (Đồng Minh), động thái này dường như để đối phó với mối đe dọa từ phía Triều Tiên, nhưng mặt khác cũng cho thấy một tín hiệu rõ ràng hơn về liên minh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tại khu vực.

Chính vì vậy việc thỏa thuận GSOMIA, biểu tượng trụ cột hợp tác an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời cũng là nền tảng chính cho hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn bị đổ vỡ sẽ gây tổn thất lớn, trong bối cảnh Triều Tiên gần đây tiến hành hàng loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại khu vực hải phận giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Đánh giá về nguy cơ của việc xóa bỏ Hiệp định GSOMIA, một số nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo bị hủy bỏ sẽ tác động đến nỗ lực của Mỹ hơn một thập kỷ qua nhằm liên kết các đồng minh khu vực Đông Bắc Á đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như kiểm soát ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Moon Seong Mook, cựu quan chức quân đội Hàn Quốc và là nhà phân tích của Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc cho rằng thỏa thuận bị hủy bỏ sẽ khiến liên kết hợp tác an ninh giữa Mỹ-Nhật-Hàn bị phá vỡ. Còn theo ông Euan Graham, giám đốc Trung tâm La Trobe Asia thuộc Đại học La Trobe ở Australia, rạn nứt Nhật-Hàn sẽ tạo "lỗ hổng lớn trong mạng lưới liên minh của Mỹ và điều này có lợi cho Triều Tiên và Trung Quốc".

THANH LÂM (TTXVN)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/nguy-co-xoi-mon-hop-tac-an-ninh-my-nhat-han-114907