Nguy cơ xung đột mới ở Trung Đông khi quân đội Israel tiến về Syria

Hiện nay, quân đội Israel vẫn đang duy trì hoạt động quân sự ở Syria và chiếm được phần lớn vùng đệm ở Cao nguyên Golan. Giới phân tích lo ngại rằng, điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột mới ở Syria.

Quân đội Israel đang tiến về Damascus?

Theo Reuters, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đánh chiếm phần lớn vùng đệm ở Cao nguyên Golan ở miền nam Syria và cách thủ đô Damascus khoảng 25 km về phía tây nam Syria. Hoạt động quân sự của Israel bắt đầu ngay sau Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ vào ngày 8/12.

Kênh truyền hình Al Mayadeen của Lebanon, thân cận với phong trào Hezbollah, cũng đưa tin về việc quân Israel tiến sâu vào lãnh thổ Syria. Theo đó, xe bọc thép của Israel đã tiến qua thành phố Al-Quneitra (cách Damascus khoảng 55 km) và trên đường tới thủ đô Syria đã thiết lập quyền kiểm soát các thành phố và làng mạc Aarna, Bakasm, Ar-Reemeh, Hina, Qala, Jandal, Al-Husseiniya, Jita và El Khashab. Trong bối cảnh đó, như Russia Today đưa tin, máy bay không người lái của Israel liên tục tấn công Damascus.

 Quân đội Israel ở Cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Quân đội Israel ở Cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Theo Al Jazeera, Không quân Israel đã tấn công sân bay Aqraba ở ngoại ô Damascus, cũng như một tiểu đoàn phòng không của quân đội Syria ở khu vực Maaloula. Các cuộc tấn công đã phá hủy hàng chục máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của Syria.

Nguồn tin quân sự của The Times of Israel đưa tin, một số tàu tên lửa của Syria ở Latakia cũng là những mục tiêu tấn công của quân đội Israel. Theo Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR), quân đội Israel đã thực hiện hơn 320 cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu khác nhau của Syria.

Các cuộc tấn công quy mô lớn của Không quân Israel diễn ra cùng với thời điểm việc bổ nhiệm Mohammed al-Bashir làm Thủ tướng của chính phủ chuyển tiếp. Ông al-Bashir đã giữ một số chức vụ bộ trưởng trong “Chính phủ Cứu quốc Syria”, đây là chính quyền dân sự của một nhóm nhỏ ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria do nhóm đối lập Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) kiểm soát. Ông được bầu giữ chức thủ tướng “Chính phủ Cứu quốc Syria” kể từ tháng 1/2024.

“Chính phủ Cứu quốc” được coi là một chính quyền kỹ trị, với một số lĩnh vực quản lý, chẳng hạn như y tế và giáo dục, được giao cho các tổ chức địa phương và các tổ chức viện trợ nước ngoài, trong khi chính quyền này kiểm soát an ninh và nền kinh tế.

Nguy cơ xung đột Israel - Syria trong tương lai gần

Cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại các hành động quân sự của Israel tại Syria, có khả năng khơi mào một cuộc xung đột quân sự mới giữa Israel - Syria.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen kêu gọi chính quyền Israel chấm dứt các hành động gây leo thang căng thẳng. Thậm chí, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric còn báo cáo về một cuộc đụng độ giữa quân đội Israel với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đóng tại khu phi quân sự kể từ năm 1974.

 Quân đội Israel không kích tàu chiến của Syria. Ảnh: Reuters

Quân đội Israel không kích tàu chiến của Syria. Ảnh: Reuters

Về phía Israel, đại diện của Bộ chỉ huy quân sự Israel phủ nhận thông tin cho rằng, quân đội nước này đang tiến về phía Damascus. Người phát ngôn quân đội Israel Avichai Adrai viết trên trang X của IDF rằng, “Quân đội Isrel chỉ hiện diện bên trong vùng đệm và ở các vị trí phòng thủ gần biên giới để bảo vệ Israel”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định các cuộc không kích nhằm tiêu diệt năng lực quân sự còn lại của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và ngăn chặn việc vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ với chính phủ chuyển tiếp của Syria, hiện do Thủ tướng lâm thời Mohammed al-Bashir lãnh đạo.

Theo Dmitry Maryasis, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Trung Đông nhận định, quân đội Israel tiến vào vùng đệm nhằm giảm thiểu cho đất nước mình những rủi ro tiềm ẩn từ phía Syria. Sau khi phe đối lập có vũ trang giành quyền lực ở Syria, chính phủ mà người Israel có thể đoán trước đã không còn, và các cơ chế, thủ tục để bảo đảm an ninh ở khu vực biên giới với Syria cũng biến mất.

Do đó, bằng các hoạt động quân sự, một mặt, Israel tiêu diệt các nhóm phiến quân vốn bị Israel coi là mối đe dọa an ninh; mặt khác, “nắn gân” chính phủ chuyển tiếp Syria về các biện pháp bảo đảm an ninh khu vực biên giới với Israel. Theo Dmitry Maryasis cho rằng, Israel sẽ không vẽ lại biên giới Syria theo hướng có lợi cho mình và sẽ rời khỏi khu phi quân sự ngay khi một chính phủ thể hiện trách nhiệm của mình trong vấn đề an ninh, đặc biệt là ở khu vực biên giới Syria – Israel.

Theo quan điểm của người Israel, hành động quân sự của Israel vào miền nam Syria là một biện pháp phòng thủ nhằm ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu những rủi ro có thể đến từ lãnh thổ Syria trong tương lai. Đồng ý với nhận định này, Lyudmila Samarskaya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, hoạt động của Israel tại Syria chỉ là một bước đi chiến thuật tạm thời.

Theo bà Samarskaya, rất khó để dự đoán thời gian hiện diện của quân đội Israel trên lãnh thổ Syria do tình hình bất ổn ở nước này. “Từ góc độ của Israel, hành động quân sự của nước này trên lãnh thổ Syria nhằm tạo ra một vùng đệm an ninh chiến lược ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, xét đến sự đa dạng của các chủ thể trong cuộc xung đột ở Syria, không loại trừ khả năng tình hình sẽ leo thang và xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Syria và Israel trong tương lai gần”.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguy-co-xung-dot-moi-o-trung-dong-khi-quan-doi-israel-tien-ve-syria-post325167.html