Bắc rạp dưới lòng đường - nguy hiểm chết người

Nhà đám bắc rạp dưới lòng đường không phải chuyện hiếm ở Hải Dương và trong cả nước. Việc này rất nguy hiểm.

Hiện trường vụ ô tô đâm vào rạp đám tang bắc trên đường ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang)

Hiện trường vụ ô tô đâm vào rạp đám tang bắc trên đường ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang)

Ngày 31/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Bình Giang khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ ô tô đâm vào rạp đám tang.

Đây là sự khẩn trương, cũng là sự nghiêm khắc cần thiết của người đứng đầu chính quyền tỉnh sau sự việc một cán bộ thuộc UBND huyện Bình Giang lái ô tô "thiếu quan sát" đã đâm vào rạp đám tang bắc trên đường ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) khiến 5 người bị thương.

Sự việc này được xã hội đặc biệt quan tâm ít ngày qua. Bởi đây không phải lần đầu xảy ra va chạm, tai nạn giao thông từ nguyên nhân liên quan đến việc dựng rạp đám tang, đám cưới dưới lòng đường, cả Hải Dương cũng như cả nước. Không khó để tìm kiếm những thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Không riêng rạp đám tang, đám cưới, những đoàn người đi dâng hương, đưa tang hay chúc phúc đám cưới đi bộ trên đường cũng có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm. Hẳn mọi người còn nhớ vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra với đoàn cán bộ xã Kim Lương (nay là xã Kim Liên, Kim Thành) chiều 21/1/2019. Sau khi viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp đại hội MTTQ xã, đoàn người đi bộ trên quốc lộ 5, dù họ đi ở phần đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ nhưng tai nạn vẫn xảy ra.

“...đột ngột chiếc xe tải lao đến, đâm thẳng vào đoàn người đang đi bộ phía trước. Chưa kịp định hình thì tôi thấy hàng chục người nằm la liệt trên đường. Cảnh tượng lúc đó rất khiếp sợ”, lời kể của một người chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc khi đó. Vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 8 người, làm 8 người khác bị thương.

Điểm chung của những sự việc đau lòng nói trên là gì? Lái xe không làm chủ vô lăng? Người dân còn chủ quan, coi “nhà có việc xin nhường đường” là chuyện hiển nhiên? Hay còn có sự lỏng lẻo trong quản lý của cấp chính quyền? Có lẽ do cả 3.

Vụ tai nạn kinh hoàng tại Kim Thành dịp cận Tết Nguyên đán 2019 khiến nhiều người kinh hoàng khi nhớ lại (ảnh tư liệu)

Vụ tai nạn kinh hoàng tại Kim Thành dịp cận Tết Nguyên đán 2019 khiến nhiều người kinh hoàng khi nhớ lại (ảnh tư liệu)

Tấm bảng “nhà có việc, xin nhường đường” khá phổ biến. Nhìn thấy nó, dù vội hay ức chế đến mấy, người ta cũng đành quay xe, hoặc phải đi chậm lại qua đoạn đường có rạp vì chiếc rạp có thể đã chiếm trọn lòng đường, nhất là với những con đường nhỏ hay một phần đường lớn, quốc lộ...

Rất hiếm người lên tiếng phản đối, nếu ai tỏ ra khó chịu thì sẽ được nhắc là đừng ích kỷ, nhà ai cũng có lúc có việc, nên thông cảm cho nhau. Cứ thế, đường đi chung ngang nhiên bị chiếm dụng làm của riêng, một nhà có việc khiến nhiều nhà khác lỡ việc. Thậm chí, những vị khách sau bữa cỗ cũng quên mất họ bước ra khỏi rạp là đang bước trên đường. Chỉ một sơ sẩy là có thể mất mạng.

Theo khoản 34 điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ... có thể bị phạttừ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức.

Còn theo điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 73 điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ thì việc dựng rạp dưới lòng đường nếu làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%... có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.

Nhiều năm trước, TP Hải Dương từng ban hành quy định cấm dựng rạp đám tang, đám cưới trên 11 tuyến phố. Quy định có nhưng khó thực hiện. Nguyên nhân thì nhiều, từ ý thức của người dân cho đến phần thiếu quyết liệt, tâm lý e ngại của người làm nhiệm vụ, nhất là khi có gia đình nào đó dựng rạp đám tang.

Đến nay, việc này ra sao?

Mỗi địa phương cần rà soát lại các quy định, tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao ý thức mỗi khi nhà có việc. Nếu việc chẳng thể đừng thì cần xin phép chính quyền địa phương, phải có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Và càng không thể chiếm dụng toàn bộ lòng đường.

Tết đến rất gần rồi, sẽ có nhiều người đi chợ hoa, chọn cây cảnh chơi Tết, đi bộ đến những địa điểm xem bắn pháo hoa… và còn rất nhiều lý do khiến chúng ta buộc phải xuống đường, nơi tử thần luôn rình rập. Mong mọi người hãy luôn nhớ: quan sát kỹ và lái xe cẩn thận.

SONG TƯỜNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguy-hiem-bac-rap-duoi-long-duong-402272.html