Nguy hiểm của gió Ô Quý Hồ gây cháy rừng Hoàng Liên

Gió Ô Quý Hồ là một loại gió địa phương, xảy ra trên phạm vi hẹp, thổi từ đèo Ô Quý Hồ tràn xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các vùng phụ cận đem theo khô nóng dễ gây cháy rừng.

Gió Ô Quy Hồ đem hơi nóng khô là tác nhân gây cháy rừng

Sáng 20/2, lực lượng chức năng cho biết, đã xảy ra cháy rừng thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, khu vực thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Chính quyền địa phương và đơn vị liên quan tập trung triển khai các giải pháp khống chế đám cháy.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, ngày 19/2, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu, kết hợp với tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây, nhiệt độ các khu vực trong tỉnh Lào Cai đồng loạt tăng nhanh, vùng thấp tiết trời nóng nực. Đặc biệt, tại Sa Pa đã xuất hiện gió Ô Quý Hồ ấm khô thổi mạnh, khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao.

Gió Ô Quý Hồ là tác nhân gây cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Gió Ô Quý Hồ là tác nhân gây cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Trong đợt này, gió Ô Quý Hồ bắt đầu xuất hiện tại thị xã Sa Pa từ trưa 18/2. Đến 19 giờ cùng ngày, Trạm Khí tượng Sa Pa quan trắc được nhiệt độ cao nhất lên tới 22,2 độ C; độ ẩm thấp nhất giảm xuống còn 36%, gió hướng Tây Nam, tốc độ 5m/s. Gió thổi từ đèo Ô Quý Hồ tràn xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các vùng lân cận nên được người dân địa phương đặt tên là gió Ô Quý Hồ. Với bản chất là ấm khô, mỗi khi xuất hiện, loại gió này đẩy cấp báo động cháy rừng tăng cao.

Cũng vào chiều 19/2, lực lượng tuần rừng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên phát hiện đám cháy đồi cỏ và rừng trồng tại khu vực Nà Háng (cách Trạm Kiểm lâm Séo Mý Tỷ khoảng 5km), thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Ngay sau khi phát hiện đám cháy, cán bộ Trạm Kiểm lâm khu vực Séo Mý Tỷ thông tin với UBND xã Tả Van huy động lực lượng dân quân, tổ bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ tiếp cận đám cháy để dập lửa.

Đến chiều tối cùng ngày, thị xã Sa Pa huy động gần 400 người tiếp cận đám cháy dập lửa, khoanh vùng không để lan vào khu vực rừng già. Tuy nhiên, điểm cháy nằm ở độ cao khoảng 1.900m so với mực nước biển, lớp thực bì dày, gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, đám cháy lan rộng hơn 10ha.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, gió Ô Quý Hồ là một loại gió địa phương, xảy ra trên phạm vi hẹp, thổi từ đèo Ô Quý Hồ tràn xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các vùng phụ cận, nên người dân Sa Pa gọi là gió Ô Quý Hồ. Hiện tượng gió vượt đèo được gọi là Phơn (foehn), hay còn gọi là hiệu ứng Phơn. Từ bên kia sườn núi gió thổi lên, càng lên cao, không khí càng lạnh dần rồi ngưng kết, tạo thành mây cho mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết tỏa ra.

Sau khi vượt qua đỉnh, gió thổi xuống bên này núi, nhiệt độ của nó tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt. Vì vậy, đến chân núi bên này, không khí trở nên khô và nóng hơn. Đỉnh núi càng cao, chênh lệch nhiệt độ càng lớn. Đèo Ô Quý Hồ có độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, nên hiệu ứng Phơn rất mạnh, khiến gió Ô Quý Hồ cũng trở thành loại gió địa phương đặc thù với sức ảnh hưởng lớn.

Đề phòng tác hại của gió Ô Quý Hồ

Trước đó, để chủ động phòng ngừa, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Khi có dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V, các cấp chính quyền phải tổ chức canh phòng, tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng ở những khu vực xung yếu, nguy cơ cháy rừng cao; cấm mọi hoạt động sử dụng lửa, đốt nương, đốt xử lý thực bì trong rừng, gần rừng và thông báo cho nhân dân biết, thực hiện để phòng ngừa nguy cơ cháy lan vào rừng.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong điều kiện gió Ô Quý Hồ hoạt động mạnh, các chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã xây dựng; điều chỉnh, bổ sung phương án đảm bảo sát đúng với thực tế, có tính khả thi cao; đầu tư, tu sửa các công trình phòng cháy, chữa cháy, xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy rừng…

Các chủ rừng bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt/trạm bảo vệ rừng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp 4, cấp 5; phát hiện sớm và kiểm soát chặt chẽ người ra, vào các khu rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm mùa khô; sẵn sàng tham gia chữa cháy kịp thời không để cháy lan, cháy lớn.

Đèo Ô Quý Hồ có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, nên hiệu ứng Phơn rất mạnh, khiến gió Ô Quý Hồ cũng trở thành loại gió địa phương đặc thù với sức ảnh hưởng lớn. Hiện, tác động của loại gió này tới địa phương vẫn có xu thế tăng cao hơn. Dự báo khả năng kéo dài tới hết ngày 23/2, do đó cảnh báo chính quyền và cơ quan chức năng cần chủ động tăng cường, ứng phó.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-hiem-cua-gio-o-quy-ho-gay-chay-rung-hoang-lien-16924022010435386.htm