Nguy hiểm khi vắt chui vào tai, mũi
Tháng 7, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện gắp con vắt trong mũi bệnh nhân T.B.N ở thị xã Ninh Hòa. Theo bệnh nhân N., khoảng một tuần trước khi nhập viện, anh có triệu chứng ho nhiều về đêm, khó thở, chảy máu mũi, đau nhức, ngứa ngáy khó chịu ở vùng mũi. Qua thăm khám lâm sàng, nội soi mũi họng, bác sĩ phát hiện có dị vật sống hình dạng tương tự với loài vắt, đỉa rừng đang di chuyển trong khe mũi của bệnh nhân. Khi dùng ánh sáng soi vào, dị vật di chuyển liên tục. Sau khi lấy được con vắt ra khỏi mũi, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ Khoa Tai mũi họng nội soi mũi cho bệnh nhân.
Trước đó, cuối tháng 5, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (thị xã Ninh Hòa) trong tình trạng đau nhức, chảy máu ở mũi liên tục. Sau khi thực hiện thăm khám nội soi tai mũi họng, các bác sĩ phát hiện có côn trùng sống nằm ở sâu trong khe mũi dưới của bệnh nhân. Ê-kíp bác sĩ của khoa đã thực hiện nội soi gắp côn trùng ra ngoài, đó là con vắt dài khoảng 6cm. Sau thủ thuật, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện về nhà sau đó. Theo lời kể của bệnh nhân H., bệnh nhân có đi tắm suối, sau đó về nhà thì bị tình trạng đau nhức và chảy máu mũi trái dai dẳng. Bệnh nhân đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, điều trị. "Có thể lúc đi rừng, tắm suối là thời điểm tôi bị vắt xâm nhập vào cơ thể mà không biết”, bệnh nhân H. nói.
Bác sĩ chuyên khoa I Võ Quang Minh Hiếu - Phó Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Vắt có đặc tính thích nơi ẩm ướt, các khe hẹp và thường lẩn trốn ánh sáng mạnh khi dùng đèn pin hay đèn nội soi. Vì thế, bệnh nhân bị vắt chui vào tai hoặc mũi đến các cơ sở y tế khám rất dễ bỏ sót khi kiểm tra. Nhiều trường hợp, bác sĩ soi không thấy được vì vắt nấp trong các khe hốc mũi, phải soi khám kỹ nhiều lần mới có thể phát hiện. Biểu hiện thường thấy của người bệnh là cảm giác nhột trong lỗ mũi, nghẹt mũi, đa số bị một bên, chảy máu mũi”.
Theo bác sĩ Hiếu, vắt cũng như đỉa, rất đói máu. Vắt núp trong các hốc đá, dưới lá cây, dòng suối… chờ người hoặc súc vật đi qua sẽ bám vào hút máu. Đối với những người bị vắt, đỉa đốt trên da thường không đau nhưng chảy máu kéo dài. Những loài này khi chui vào cơ thể người qua đường miệng (khi uống nước) vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa hoặc chui vào đường tiết niệu, sinh dục do tắm lâu dưới nước suối, sông... sẽ hút máu và liên tục tiết ra chất hirudine, có tác dụng chống đông máu, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn, dẫn tới tình trạng chảy máu kéo dài có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong môi trường nước, vắt rất nhỏ, chỉ bằng sợi chỉ nên rất khó phát hiện. Thế nhưng, sau một thời gian ký sinh, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây các triệu chứng bệnh khác nhau. Nguy hiểm nhất nếu vắt ký sinh ở khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong. Nếu vắt nằm trong mũi, ở các ngách khe sẽ trở thành dị vật gây phù nề xuất tiết tắc nghẽn, dẫn đến viêm mũi xoang. Nếu để lâu ngày, vắt ký sinh và hút máu dẫn đến tình trạng chảy máu mũi dai dẳng, gây thiếu máu mãn tính. Vắt cũng có thể gây tác hại nguy hiểm nếu bám hút ở các mạch máu lớn, hoặc di chuyển xuống thanh quản có thể là dị vật đường thở.
Chính vì vậy, người dân cần chú ý không nên uống nước khe, suối khi chưa được đun sôi, hạn chế tắm ở khe suối. Khi có hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra, điều trị kịp thời.
C.ĐAN
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202308/nguy-hiem-khi-vat-chui-vao-tai-mui-4a560c2/