Nguy hiểm không ngờ khi không thấy trẻ mọc răng sau 2 tháng nhổ răng sữa
Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm không ngờ khi không thấy trẻ mọc răng sau 2 tháng nhổ răng sữa.
Mãi không thấy mọc răng sau khi nhổ răng sữa
Bé trai Đỗ Nguyên P. (9 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) đến khám Chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt, BVĐK Medlatec với lý do không mọc được răng cửa vĩnh viễn sau nhiều tháng nhổ đi hai chiếc răng sữa. Sau khi thăm khám, tiến hành chụp phim, các bác sỹ phát hiện bé trai bị rối loạn mọc răng vĩnh viễn do răng thừa ngầm hàm trên. Đánh giá vị trí răng ngầm bất thường, cản trở việc mọc răng cửa vĩnh viễn, bé được tư vấn nhập viện Răng Hàm Mặt TƯ để phẫu thuật bỏ răng thừa ngầm.
Bác sĩ Ngô Thị Thu Hà, Chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt, BVĐK Medlatec cho biết, răng thừa được tìm thấy ở bất kỳ vị trí nào trên khung hàm, có thể một hay nhiều răng, đã nhú ra hoặc mọc ngầm. Nếu cha mẹ nào có con nhổ răng sữa từ 2 tháng trở lên, lợi lành thương tốt mà không thấy mọc răng vĩnh viễn thì nên cho con đi khám bác sĩ nha khoa. Hiện tượng này có thể do một số nguyên nhân như: Răng mọc ngầm (răng dư); mầm răng vĩnh viễn lạc chỗ hoặc sau một chấn thương như ngã, tai nạn...
Biến chứng của răng mọc thừa ngầm
Theo BS. Hà, răng mọc thừa ngầm nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng như: Gây sưng lợi, đau nhức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn, nhai; Gây xô lệch, lung lay hoặc nhiễm trùng chóp, tiêu chân răng của những răng xung quanh; Có thể gây u, nang trong xương hàm; Tại vị trí mất răng, xương hàm bị tiêu hủy, mất thẩm mỹ, lâu ngày có thể khiến khuôn mặt trẻ bị biến dạng; Hoặc biến chứng gây nhiễm khuẩn tại chỗ, nguy hiểm hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết.
Răng mọc thừa ngầm chỉ được phát hiện khi thăm khám nha khoa và qua các kỹ thuật kiểm tra như chụp X-quang, chụp CT Conebeam. Chính vì vậy, việc thăm khám định kỳ răng miệng là cần thiết. Khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa, giai đoạn 6 tháng đến 1 năm tuổi là lần khám nha khoa đầu tiên, giúp các bác sĩ phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời. Sau đó, mẹ đưa trẻ đi khám định kỳ 3 – 6 tháng/lần.
BS. Ngô Thị Thu Hà cũng khuyến cáo: "Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ duy trì thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày như chải răng để giúp hàm răng chắc khỏe, ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm lợi…; nhổ răng đúng thời điểm để tránh tình trạng chen chúc, lệch lạc của răng vĩnh viễn; thay đổi thói quen ăn uống của trẻ như hạn chế ăn đồ ngọt, bánh kẹo… để có hàm răng trắng khỏe".