Nguy hiểm lạm dụng kháng sinh điều trị bệnh hô hấp
Điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thời tiết thay đổi theo mùa, tạo điều kiện cho các bệnh đường hô hấp...
Trong trường hợp nguyên nhân do vi khuẩn, cơ địa dị ứng thì việc dùng kháng sinh được cho là lợi bất cập hại!
Cứ ho, sốt là tống kháng sinh để “chặn”!
Mặc dù đã 3 tuổi song con gái chị Phạm Ngọc Anh (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn thường xuyên bị ho, sổ mũi kèm theo biểu hiện sốt nhẹ. “Mỗi khi thay đổi thời tiết là cháu bị ho, sổ mũi, sốt dưới 38 độ về đêm nhưng sáng hôm sau lại hết. Công việc bận rộn, con lại hay ốm vặt phải nghỉ học ở nhà. Vậy nên cứ thấy có biểu hiện viêm đường hô hấp, ấm đầu là tôi lại mua kháng sinh theo đơn cũ của bác sĩ trước đó đã kê. Uống vào chặn từ đầu chứ để lai rai thì lâu khỏi lắm”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
"Thời điểm giao mùa, hoặc trẻ bắt đầu đi học, cơ thể miễn dịch kém thường bị viêm đường hô hấp. Theo đó, để giảm tải khả năng lây bệnh, trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt, tiêm vaccine đầy đủ, rửa tay sau khi về nhà và trước khi ăn; đeo khẩu trang, giữ ấm vào mùa đông, tránh tiếp xúc môi trường quá đông, vệ sinh mũi, họng thường xuyên…”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy
Trưởng bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội
Tương tự, chị Vũ Thị Hạnh (Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng cho biết, con trai 2 tuổi thường xuyên bị viêm họng, liên tục phải uống kháng sinh. “Cháu thường bị sốt, ho và nôn, đặc biệt ho rất nhiều vào ban đêm; có khi vừa dứt thuốc 1 tuần lại bị lại. Dù rất sợ dùng kháng sinh nhưng nhìn con cứ ăn vào rồi lại nôn trớ hết mà xót xa”, người mẹ cho hay.
Là người có kinh nghiệm nghiên cứu và trực tiếp khám chữa cho bệnh nhi, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sự thực các ông bố bà mẹ ở Việt Nam thường tự mặc định bệnh cho con mình, tự điều trị bằng “kinh nghiệm truyền tai”. “Cứ đứa trẻ nào ho, sốt, khó ăn là bố mẹ lại mặc định con bị viêm họng và tự ý dùng kháng sinh. Thậm chí, khi mang con tới khám, có bà mẹ còn chủ động yêu cầu bác sĩ cho uống kháng sinh nặng vì sợ bệnh không khỏi. Họ không hiểu dùng kháng sinh ngoài tác dụng tốt còn có tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, nôn... Vi khuẩn cũng có đề kháng. Dùng kháng sinh nhiều gây tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Vi khuẩn đấy còn lây lan sang cộng đồng, hậu quả rất lớn”, bà Thúy chia sẻ.
Theo nữ chuyên gia, giai đoạn chuyển mùa trẻ em thường mắc viêm đường hô hấp trên với biểu hiện hắt hơi, xổ mũi, ho kèm theo sốt nhẹ, các bậc phụ huynh cần theo dõi và đưa con đi khám để xác định có phải do nhiễm khuẩn hay không. “Trong số ca viêm hô hấp trên, có tới 70-80% nguyên nhân bệnh là do virus gây ra. Do vậy, nếu chỉ hắt hơi sổ mũi bình thường thì vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, khuyến khích trẻ uống nước nhiều, ăn lỏng để đờm loãng ra, làm giảm ho. Có thể dùng thuốc cảm cúm thông thường, giảm tắc mũi sau 3 - 5 ngày trẻ tự khỏi”. Bên cạnh đó, bà Thúy cũng lưu ý đối với trẻ có cơ địa dị ứng, thường rất hay ho khi thay đổi thời tiết. Trường hợp này tuyệt đối không được dùng kháng sinh mà chỉ nên dùng thuốc giãn phế quản, thuốc phòng ngừa triệu chứng. “Dùng kháng sinh trong trường hợp này không những không có tác dụng, thậm chí cơ địa dị ứng càng làm bệnh nặng hơn”, bà Thúy nhấn mạnh.
50% trường hợp dùng kháng sinh không hợp lý
GS.TS. Ngô Quý Châu, Giám đốc Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai cho hay, từ những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học, người ta thấy đa phần nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp là các virus. Ngoài ra, viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau, có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau như dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá, thuốc lào... “Việc sử dụng thuốc để điều trị các bệnh về đường hô hấp còn tùy thuộc vào người bệnh mắc virus hay vi khuẩn, từ đó thầy thuốc có chỉ định hợp lý. Song thực tế tình trạng lạm dụng kháng sinh vẫn xảy ra phổ biến tại Việt Nam. 90% các loại kháng sinh được bán tự do và ai cũng có thể mua ”, GS Châu phân tích.
Theo GS. Châu, có tới 50% trường hợp bệnh nhân sử dụng kháng sinh không hợp lý. “Trong nhi khoa, điều đó rất quan trọng là phải xác định đúng trường hợp phải điều trị kháng sinh hay không. Khi xác định nhiễm khuẩn, dựa vào khuyến cáo, kinh nghiệm mùa dịch, thì phải dùng kháng sinh phù hợp với vi khuẩn đó. Cùng liều thuốc đó, trẻ bé, trẻ lớn phải khác nhau, thời gian dùng thuốc cũng phải đủ liều nếu không vi khuẩn lại kháng thuốc. Trong khi đó, với phác đồ điều trị 10 ngày, nhiều bệnh nhân dùng 3 ngày đã thấy đỡ liền bỏ thuốc. Điều đó làm cho bệnh nhân nhờn thuốc, rất khó điều trị sau này”, GS Châu thông tin.
Trước tình trạng phụ huynh thường mua thuốc chữa viêm đường hô hấp cho con theo đơn cũ của lần khám bệnh trước đó, ông Châu cho rằng, đây là thói quen không tốt, cần phải thay đổi. “Dù cùng là bệnh viêm đường hô hấp, song triệu chứng mỗi lần mắc có thể khác nhau, lúc dùng kháng sinh lúc không. Ngay cả khi phải dùng kháng sinh thì không phải lúc nào cũng giống một loại như vậy”, ông Châu nói và khuyến cáo: “Không nên lạm dụng kháng sinh song trong trường hợp cần thiết vẫn phải dùng theo đúng liều lượng, chỉ định của bác sĩ”.