Nguy hiểm rình rập từ thuốc cai nghiện online

Chỉ cần tìm một từ khóa đơn giản 'thuốc cai nghiện ma túy tại nhà', người dùng ngay lập tức bị lôi kéo vào một thế giới đầy cám dỗ trên các nền tảng trực tuyến. Tại đây, những lời hứa hẹn như 'cai nghiện không đau', '100% thảo dược', 'không cần đến trung tâm' xuất hiện liên tục, đánh trúng vào sự tuyệt vọng và mong muốn thoát khỏi nghiện ngập của người bệnh và gia đình. Tuy nhiên, đằng sau những lời chào mời đầy hấp dẫn ấy lại là một mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Ma trận thuốc cai nghiện online

Chỉ cần gõ cụm từ “thuốc cai nghiện ma túy tại nhà” trên Google hoặc trên thanh tìm kiếm của Facebook, TikTok, hàng nghìn kết quả sẽ hiện ra chỉ trong vài giây. Từ các trang fanpage, tài khoản cá nhân cho đến những nhóm kín, nhóm công khai - đâu đâu cũng nhan nhản các lời mời chào hấp dẫn: “Cai nghiện không đau đớn”, “Không cần đến trung tâm”, “100% từ thảo dược”, “Cam kết không tái nghiện”, thậm chí là “bảo mật tuyệt đối - giao hàng tận nơi - hoàn tiền nếu không hiệu quả”. Tất cả đều đánh trúng vào tâm lý của những người nghiện đang muốn thoát khỏi vòng xoáy ma túy, và cả những gia đình đang trong tuyệt vọng tìm phương án “nhẹ nhàng” thay vì phải đưa con em đến các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cốc thuốc cai nghiện mà người bán đăng tải lên để quảng cáo.

Cốc thuốc cai nghiện mà người bán đăng tải lên để quảng cáo.

Nguy hiểm hơn, nhiều người bán còn cố tình tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đội lốt các “bác sĩ”, “chuyên gia điều trị” để tư vấn trực tuyến, chia sẻ về quá trình điều trị. Họ sử dụng các bài nói chuyện giả khoa học, các bài viết được chỉnh sửa kỹ lưỡng có xen lẫn từ ngữ y học nhằm tạo cảm giác “chuyên môn cao”. Một số còn dựng hẳn video tái hiện quá trình cai nghiện thành công, với nhân vật là những “bệnh nhân điển hình” từng nghiện nặng, nay đã hoàn lương nhờ loại thuốc đặc trị được rao bán. Tất cả đều nhằm tạo dựng niềm tin và thúc đẩy quyết định mua hàng ngay lập tức.

Để tìm hiểu thực hư việc này, phóng viên có tham gia vào hội “Anh em cai nghiện ma túy tại nhà”, hội này có tới 13 nghìn thành viên, các bài viết chủ yếu là những kinh nghiệm cai nghiện và các thành viên đăng bài bán thuốc cai nghiện. Một “thầy lang online” có tên Hùng Ngô đăng tải: “Anh em muốn cắt cơn nhẹ nhàng hãy liên hệ với tôi qua số điện thoại 09758xxx”. Khi phóng viên gọi điện, người này cho biết với giọng đầy tự tin: “Chị liên hệ với thằng em là chuẩn bài rồi, thuốc của em chỉ uống 3 ngày là thấy tỉnh, 7 ngày là khỏi. Không khỏi, em đền. Chị chỉ cần cho số điện thoại, địa chỉ người nhận là bên em ship đến tận giường”.

Khi chúng tôi hỏi, uống thuốc này có tác dụng phụ gì không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Thì người này cho hay: “Thuốc này hoàn toàn tự nhiên, toàn những loại thảo dược quý. Đảm bảo khi uống vào không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, chỉ có tỉnh táo ra mà thôi”.

Một tài khoản các có tên “Quang Huy”, cũng tự nhận mình là “người chữa nghiện không cần trại”. Người này cho biết: “Cai nghiện giờ đơn giản lắm, không cần đến bác sĩ hay trung tâm gì hết. Chỉ cần tin tưởng bài thuốc nhà tôi - lá rừng bí truyền, ngậm thôi cũng đỡ thèm đấy nha!”. Vẫn là câu hỏi về tác dụng phụ của thuốc, người này trả lời gọn lỏn: “Thuốc của em chỉ có tác dụng ngủ nhiều thôi, khỏi rồi thì mập lên chứ không gầy rộc như lúc nghiện nữa đâu”.

Thậm chí, không ít đối tượng còn thuê người đóng vai “bác sĩ đầu ngành”, mặc blouse trắng, ngồi trước phông nền giả bệnh viện để tư vấn online cho người xem. Trong các buổi livestream, họ thao thao bất tuyệt về cơ chế “giải độc tế bào”, “điều hòa dẫn truyền thần kinh”, “tái tạo hệ thống thần kinh trung ương sau nghiện”... - những khái niệm không đúng bản chất hoặc bị thổi phồng lên một cách trắng trợn. Nhiều người nhẹ dạ cả tin, không có kiến thức y tế cơ bản, dễ dàng tin rằng đây là giải pháp thần kỳ, nhanh chóng chuyển khoản để đặt mua.

Để tăng tính thuyết phục, các tài khoản này còn gắn kèm những hình ảnh “chứng nhận giả” như bằng khen từ tổ chức quốc tế, giấy phép hành nghề hoặc video cắt ghép cảnh “được lên truyền hình”, “được báo chí phỏng vấn”. Trong khi đó, chỉ cần truy tra nguồn gốc hoặc kiểm tra mã giấy phép thì phát hiện đó hoàn toàn là giả mạo, không có giá trị pháp lý. Nhưng với những người đang trong tình trạng khủng hoảng, thiếu kiến thức và bấu víu vào hy vọng cuối cùng, họ gần như không có thời gian và tâm lý để xác minh.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm cai nghiện ma túy, nơi mà nhiều đối tượng rao bán các loại thuốc cai nghiện gia truyền.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm cai nghiện ma túy, nơi mà nhiều đối tượng rao bán các loại thuốc cai nghiện gia truyền.

Chiêu trò tinh vi hơn là việc “gài bình luận ảo”. Dưới mỗi bài đăng hoặc video quảng cáo, hàng loạt bình luận khen ngợi kiểu: “Tôi đã dùng và khỏi!”, “Anh trai tôi giờ đã đi làm lại bình thường, cảm ơn thuốc của bên bạn”, “Không ngờ sau bao năm khổ sở, giờ con tôi đã thoát ra được”… Tất cả đều là tài khoản giả, có khi cùng một người điều hành, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa như thật. Chính sự cộng hưởng này khiến người tiêu dùng cảm thấy yên tâm, tưởng rằng đã tìm được cứu cánh - mà không ngờ mình đang bước vào một cái bẫy tinh vi, được dựng lên bằng sự gian dối có chủ đích.

Vẫn là cách tiếp cận đó, phóng viên trong vai có người thân nghiện ma túy, cần tìm thuốc cai. Chỉ sau một dòng trạng thái lên nhóm “chuyên cai nghiện tại nhà”, chúng tôi đã nhận được tin nhắn từ người bán. Tài khoản có tên “Hoàng nổ” đã gửi cho chúng tôi hình ảnh sản phẩm, giá cả, kèm luôn cả hướng dẫn sử dụng và số tài khoản để chuyển tiền. Đáng lo ngại là hoàn toàn không có bất kỳ yêu cầu nào về hồ sơ bệnh án, tình trạng sức khỏe người sử dụng, hay cảnh báo về tác dụng phụ. Họ cam kết "dùng là khỏi”.

Không chỉ các loại thuốc cai nghiện đông y gia truyền được bán tràn lan mà một số loại thuốc chống tái nghiện như Naltrexone cũng được bán khá thoải mái trên thị trường, bất chấp tính chất đặc thù và tiềm ẩn nhiều rủi ro của loại dược phẩm này. Các biệt dược khác của Naltrexone như Revia 500 mg (Pháp), Natrex (Đà Nẵng), Depade (Mỹ), Abernil (Thụy Sĩ) đều được chào bán công khai, dễ dàng như những sản phẩm tiêu dùng thông thường. Chỉ cần một cuộc gọi hoặc vài cú nhấp chuột, người mua có thể tiếp cận được nguồn thuốc mà lẽ ra phải được giám sát chặt chẽ bởi ngành y tế.

Một người bán thuốc cai nghiện đăng hình quảng cáo 1 bệnh nhân đã cắt cơn sau 1 lần uống thuốc.

Một người bán thuốc cai nghiện đăng hình quảng cáo 1 bệnh nhân đã cắt cơn sau 1 lần uống thuốc.

Liên lạc với một người có tên “Dược sĩ Hải”, người này cho biết đang có loại thuốc cai nghiện Depade của Mỹ giá 52.000 đồng/viên và một loại thuốc sản xuất trong nước giá 35.000 đồng/viên. Khi chúng tôi bày tỏ nhu cầu mua thử mỗi loại 10 viên, người này ngay lập tức từ chối với lý do nơi anh chỉ bán sỉ, tối thiểu 100 viên mới giao dịch. “Nếu chị có nhu cầu mua thì bên em sẽ gửi hướng dẫn sử dụng qua tin nhắn, đồng thời gửi hàng qua địa chỉ sau đó mới nhận tiền”.

Qua khảo sát của phóng viên, toàn bộ quá trình này không hề có sự tư vấn y tế, không cần đơn thuốc, và không ai chịu trách nhiệm nếu người sử dụng gặp phản ứng phụ hoặc dùng sai cách dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Nói về vấn đề này, dược sĩ Nguyễn Thị Trang (Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Theo quy định tại Luật Dược năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành, những loại thuốc có tác dụng đến hệ thần kinh trung ương như Naltrexone được xếp vào nhóm thuốc kê đơn đặc biệt, chỉ được bán khi có đơn thuốc hợp lệ của bác sĩ. Việc cá nhân tự ý kinh doanh, tàng trữ, hoặc buôn bán các loại thuốc này không có giấy phép, không qua kiểm soát của cơ quan chức năng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều khoản về buôn bán thuốc giả, thuốc cấm hoặc vi phạm quy định về quản lý dược phẩm. Hành vi đăng tải thông tin rao bán công khai trên mạng, giao dịch qua tài khoản cá nhân mà không đăng ký kinh doanh, không có sự cấp phép của cơ quan y tế là vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành”.

Theo dược sĩ Trang, Naltrexone là một chất đối kháng opioid, có tác dụng ngăn chặn cảm giác hưng phấn khi sử dụng ma túy nhóm opioid (như heroin, morphine). Tuy nhiên, việc sử dụng Naltrexone đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, vì nếu dùng sai liều, dùng cho người vẫn còn ma túy trong máu hoặc có bệnh lý gan, sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, rối loạn tâm thần, thậm chí tử vong. Ngoài ra, việc tự ý ngưng thuốc, dùng thuốc không đủ liều, hoặc kết hợp với các chất kích thích khác có thể khiến người nghiện tái nghiện nhanh chóng với mức độ nặng nề hơn.

Thực trạng mua bán thuốc cai nghiện như hàng hóa phổ thông không chỉ gây nguy cơ mất kiểm soát điều trị mà còn phá vỡ nỗ lực của ngành y tế trong việc xây dựng các phác đồ cai nghiện chuẩn hóa, an toàn. Điều đáng lo ngại là người dân - đặc biệt là gia đình có người thân nghiện - thường vì thiếu hiểu biết, nôn nóng nên dễ bị lôi kéo mua thuốc trôi nổi, tiềm ẩn nguy cơ "tiền mất, tật mang".

Ẩn họa khôn lường

Vì tin theo những loại “thần dược” gia truyền, cũng như những loại thuốc tây được bán trên mạng xã hội mà không có chỉ định của bác sĩ nhiều người đã phải gánh những hậu quả nghiêm trọng. Khoảng tháng 9/2024, anh T.V.D (thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang) đã phải cấp cứu trong tình trạng sốc thuốc sau khi uống “cao hoàn thảo dược giúp cắt cơn nghiện nhanh trong 48 giờ”, được livestream bán với lời cam đoan “không tác dụng phụ, an toàn tuyệt đối”. D. bị tổn thương gan nặng, mê sảng và được bác sĩ cảnh báo nguy cơ suy đa tạng nếu không được điều trị kịp thời.

Một loại thuốc chỉ định để cai nghiện ma túy nhưng được bán theo đơn thuốc của bác sĩ cũng được bán rất công khai trên mạng.

Một loại thuốc chỉ định để cai nghiện ma túy nhưng được bán theo đơn thuốc của bác sĩ cũng được bán rất công khai trên mạng.

Hay trường hợp của một người cha tên L.Q.N (huyện Duy Tiên, Hà Nam) đã đưa con trai 19 tuổi nhập viện sau khi uống viên “cai nghiện dạng nén” mua qua fanpage Facebook, do một nhóm tự xưng là “trung tâm phục hồi tự nhiên không cần thuốc Tây” rao bán. Sau 5 ngày dùng, con anh bị ảo giác, co giật liên tục, và phải dùng đến thuốc an thần liều cao để kiểm soát hành vi. Xét nghiệm cho thấy loại viên nén đó chứa chất gây ức chế thần kinh nặng, không có nhãn mác rõ ràng, hoàn toàn không qua kiểm định y tế.

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, chỉ riêng nửa cuối năm 2024 đã ghi nhận hơn 30 ca nhập viện vì ngộ độc do sử dụng thuốc cai nghiện không rõ nguồn gốc. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Phong - Khoa Chống độc - cho biết: “Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn thần kinh, suy gan, suy thận do uống các loại thuốc mà không ai biết thành phần, liều lượng ra sao. Đáng lo là phần lớn đều mua qua mạng”. Điều đáng tiếc là nhiều người trong số đó đã không qua khỏi.

Theo bác sĩ Phong, đối với những người có người thân nghiện ma túy cần được tích cực đưa đến các trung tâm để được hướng dẫn tận tình và chăm sóc tốt hơn, không nên tin theo những lời quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc dẫn đến nguy hại đến tính mạng người nghiện.

“Đối với người mới bắt đầu nghiện và sức khỏe hoàn toàn bình thường thì không nên dùng bất cứ các loại thuốc cai nghiện nào, nếu có ý chí thì trong khoảng hai ba ngày họ có thể dễ dàng vượt qua. Thuốc cai nghiện không thể coi như một loại thực phẩm chức năng, cứ ra tiệm thuốc mua về sử dụng. Chúng ta cần phải hết sức thận trọng vì nếu sử dụng thuốc mà không có hướng dẫn chỉ định của bác sĩ còn có thể dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng người được cai nghiện”, bác sĩ Phong cho biết thêm.

Có thể thấy, chỉ từ một lời quảng cáo mơ hồ, người tiêu dùng rơi vào một “ma trận” với vô vàn lựa chọn - nhưng không có cái nào được cơ quan chuyên môn xác nhận. Đó là môi trường màu mỡ cho lừa đảo và vi phạm pháp luật len lỏi dưới lớp vỏ đạo đức và nhân đạo giả tạo. Một “chợ đen” online âm thầm nhưng nguy hiểm, nơi sự cả tin và bế tắc của người dân trở thành món hàng béo bở cho những kẻ trục lợi vô lương tâm.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nguy-hiem-rinh-rap-tu-thuoc-cai-nghien-online-i765423/