Nguy hiểm sinh con tại nhà
Tình trạng gọi bà mụ đỡ đẻ tại nhà vẫn còn phổ biến ở một số vùng miền núi, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đứa trẻ sinh ra trên rẫy, sau đó bị tật nguyền, cũng có những đứa trẻ không kịp cất tiếng khóc chào đời...

Bác sĩ thăm khám sản phụ sau sinh tại bệnh viện. Ảnh: SKĐS
Đứa con đầu... thứ ba
Bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) kể, bà có 4 lần mang thai, nhưng sinh ra mẹ tròn con vuông, nuôi chỉ được 2 người con. Đứa đầu mất khi vừa lọt lòng mẹ sinh ra tại nhà, đứa thứ hai sinh non cũng mất...
Anh Trần Văn Nhị cũng ở xã Xuân Quang 3 chia sẻ: Anh có 2 đứa con sinh tại nhà. Khi vợ đau bụng, gia đình kêu bà mụ đến đỡ đẻ tại nhà, tắm cho đứa trẻ. Đứa đầu phát triển bình thường, mang thai đứa thứ hai, lúc đó vợ chồng làm rẫy xa nhà. Theo cách tính của vợ anh thì còn tuần nữa mới sinh, nào ngờ vợ sinh sớm, đứa con lọt ra trên rẫy, nên đặt tên cu Rẫy. Đứa con tên Rẫy bị tật nguyền, thấp còi.
Chị La Lang Thị Bông ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) sinh đến đứa con thứ ba mới nuôi được. Chị Bông giãi bày: Đứa thứ nhất và đứa thứ hai còn non ngày non tháng đã lọt ra khỏi bụng mẹ rồi mất. “Mất hai đứa con tôi rất buồn, đến đứa thứ ba tôi đi đến trạm y tế và bệnh viện khám, đi siêu âm định kỳ, bác sĩ chỉ cách đi đứng để tránh động thai, nhờ thế mới giữ được đứa thứ ba chào đời khỏe mạnh”, chị Bông nói.
Chỉ cứu được mẹ
Chị Kso Hờ Thư ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) có 3 lần mang thai và sinh con tại nhà, nuôi lớn được 2 đứa. Khi được hỏi tại sao không đến trạm y tế để sinh con thì chị nói: “Sinh ở nhà, gọi bà mụ đỡ đẻ cũng quen rồi. Ở đây đẻ con tại nhà là chuyện thường, ít người đi bệnh viện lắm”.
Đến lần mang thai thứ ba, chị Thư cũng theo thói quen sinh ở nhà, thì sự cố ập đến. Chị Thư đau bụng 2 ngày mà không sinh được. Tình hình nguy kịch, gia đình đưa chị Thư đến trung tâm y tế huyện thì bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu để “cứu mẹ” vì cái thai đã tử trong bụng mẹ.
Theo Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, mặc dù các sản phụ người đồng bào DTTS ở huyện miền núi đều có thẻ BHYT nhưng nhiều người vẫn lựa chọn cách sinh con tại nhà. Nhiều người vẫn nghĩ rằng việc đến cơ sở y tế thêm một người thăm nuôi gây tốn kém. Bên cạnh đó, khi mang thai, chị em phụ nữ miền núi, vùng đồng bào DTTS ít có điều kiện hoặc không chú trọng khám thai định kỳ. Vì không khám thai định kỳ nên thai phụ không biết ngày dự sinh để chuẩn bị sẵn sàng sinh con. Trẻ sinh ra thường được cắt rốn bằng dao hoặc kéo có sẵn trong nhà. Chính phong tục này đã khiến không ít bà mẹ, trẻ em tử vong, mang tật khi sinh con tại nhà.
Chị Huỳnh Thị Cúc ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) cho hay: Tôi có người chị lấy chồng ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), ngày chị chuyển dạ sinh con gặp khó điện thoại về, cả gia đình đều khóc. Qua lời kể của chị Cúc, đi khám bác sĩ kết luận thai khó, còn mẹ thì bỏ con và ngược lại, vì thế anh chị chạy chữa nhiều nơi, khám thai định kỳ theo dõi thai nhi. Khi chuyển dạ, cả nhà nín thở trông chờ. Thế rồi nhờ y học hiện đại, bác sĩ mổ cấp cứu hai mẹ con “9 phần chết”, nhưng kết quả là mẹ tròn con vuông, đứa bé chào đời trong niềm vui của nhiều người.
Chị Cúc cho biết thêm, đứa con đó anh chị đặt tên là Tỉ, vì từ khi mang thai đến khi sinh và nuôi lớn phải bằng tiền tỉ. Dân gian có câu: Có vàng, vàng chẳng hay phô/ Có con nó nói trầm trồ mà nghe. Đúng là sinh con mẹ tròn con vuông, phát triển bình thường là một món quà quý giá của tạo hóa mang đến cuộc đời mỗi cặp vợ chồng.
Tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ vẫn ở mức cao
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tại Việt Nam, mặc dù những năm qua tỉ lệ tử vong bà mẹ trên toàn quốc đã giảm xuống còn 46%/100.000 ca trẻ sinh ra sống, con số này vẫn rất cao ở khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số (100-150 ca/100.000 ca trẻ được sinh ra sống), đặc biệt vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, trong số trường hợp tử vong bà mẹ được báo cáo ở khu vực miền núi, tỉ lệ thường cao hơn đối với một số dân tộc như Mông (60%) và dân tộc Thái (17%). Ước tính, nguy cơ tử vong khi mang thai hoặc sinh con ở các bà mẹ người Mông cao gấp 4 lần so với bà mẹ dân tộc Kinh.
Nguyên nhân chính gây tử vong đối với các bà mẹ ở vùng DTTS là do sinh con tại nhà hoặc khi đang trên đường đưa đến bệnh viện chiếm 47,2%. Điều này cho thấy các bà mẹ người đồng bào DTTS còn nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về việc thăm khám, chăm sóc thai kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế; chậm trễ trong việc đến cơ sở y tế, khi tình trạng nguy kịch việc cấp cứu đã muộn.
Thời gian đến, Sở Y tế triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai tại 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Kế hoạch này nhằm nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào DTTS, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh cho tuyến xã, thôn, buôn, khu phố, bao gồm cộng tác viên dân số, y tế thôn, các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở...
Theo Sở Y tế Phú Yên, thông qua kiểm tra hồ sơ sổ sách, thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trạm y tế cho thấy, hầu hết các trạm y tế xã có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, có phòng thủ thuật riêng sạch sẽ, có tủ thuốc và một số trang thiết bị, dụng cụ thực hiện KHHGĐ, khám phụ khoa. Cùng với đó, trạm y tế sẵn sàng cung cấp dịch vụ KHHGĐ đầy đủ, kịp thời, công tác giám sát hỗ trợ được thực hiện khá tốt, thông tin được cập nhật vào phần mềm y tế cơ sở, thực hiện báo cáo và lưu trữ thông tin theo quy định. Tuy nhiên, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chưa triển khai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán sơ sinh, mà phụ thuộc vào các trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tuyến trung ương (Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ). Do đó, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn gặp khó khăn. Một khó khăn nữa là thai phụ chưa chủ động đến các cơ sở y tế để thăm khám thai, hoặc thực hiện không đúng thời điểm của thai kỳ, vì vậy việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó, có trường hợp phát hiện dị tật bẩm sinh khi đã đủ tháng.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích, thời gian đến, Sở Y tế triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai tại 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Kế hoạch này nhằm nâng cao năng lực quản lý dân số vùng đồng bào DTTS, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh cho tuyến xã, thôn, buôn, khu phố, bao gồm cộng tác viên dân số, y tế thôn, các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở; tuyến huyện, xã, bao gồm: trung tâm y tế, trạm y tế và phòng dân số...; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Theo đó, phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/nguy-hiem-sinh-con-tai-nha-fc5147c/