Nguy kịch sau khi bị loài vật lông vàng, vẻ ngoài hiền lành cắn

Một người đàn ông vừa được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện, may mắn qua cơn nguy kịch sau khi bị cắn bởi một loài động vật hoang dã hiếm gặp.

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, cho biết đã tiếp nhận cấp cứu anh N.V.M., (39 tuổi, trú tại Yên Định, Bắc Mê, Hà Giang) trong tình trạng nguy kịch sau khi bị khỉ culi cắn khoảng 2 giờ.

Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng lơ mơ, kích thích vật vã, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được, tím môi và các đầu chi, da nổi vằn như da hổ rải rác toàn thân. Đáng chú ý, thanh quản của anh M. co thắt mạnh, độ bão hòa oxy (SpO2) giảm sâu chỉ còn 40-50%.

 Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị khỉ Culi cắn. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị khỉ Culi cắn. Ảnh: BVCC.

Người đàn ông được chẩn đoán sốc phản vệ độ IV (mức độ nặng nhất trong thang phân loại phản vệ). Sau đó, các bác sĩ nhanh chóng xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ của Bộ Y tế là thở máy hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc nâng huyết áp, chống dị ứng và điều trị tích cực.

Sau 3 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện mà không để lại biến chứng.

Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh hiếm gặp do động vật hoang dã gây ra, cụ thể là loài khỉ culi (hay còn gọi là khỉ gió). Ít người biết vết cắn của khỉ culi có độc, có thể gây phản ứng dị ứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm, có thể xảy ra chỉ trong vài giây đến vài giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên như thức ăn lạ, thuốc, nọc độc côn trùng hoặc động vật. Phản vệ nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến mất mạng.

Để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân cần lưu ý một số biện pháp phòng tránh khi sinh sống hoặc di chuyển qua những khu vực có khỉ culi:

Không tiếp xúc, bắt giữ hoặc nuôi giữ khỉ culi
Tránh chọc phá hoặc kích động loài khỉ này
Cẩn trọng khi đi rừng, đặc biệt ở những vùng có khỉ culi sinh sống

Xử trí ban đầu khi bị khỉ culi cắn:

Rửa sạch ngay vết thương bằng nước và xà phòng
Không hút, nặn vết thương vì có thể làm lan độc tố
Sử dụng dung dịch sát trùng như povidone-iodine hoặc cồn y tế
Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguy-kich-sau-khi-bi-loai-vat-long-vang-ve-ngoai-hien-lanh-can-post1546313.html