'Nguy' và 'cơ' với kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ mới của ông Trump
Sự trở lại của ông Donald Trump với Nhà Trắng có thể tác động đáng kể tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có thể vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, sẽ có lợi hơn nếu Việt Nam bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ
GDP của Việt Nam có thể giảm gần 1%
Các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump bao gồm thuế quan cao, cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và thúc đẩy rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu quan trọng. Theo các nhà phân tích, rất khó để xác định mức độ mà ông Trump sẽ tìm cách thực hiện các biện pháp này trong nhiệm kỳ bốn năm thứ hai của mình, nhưng chắc chắn là hậu quả của bất kỳ biện pháp nào cũng sẽ tác động lớn trên toàn cầu.
Đặc biệt là về thuế quan, từ mà ông Trump từng mô tả là từ yêu thích của mình, gọi đó là “từ đẹp nhất trong từ điển”. Theo CNBC, ông Trump có thể sẽ sử dụng chúng như một công cụ mặc cả để giành được sự nhượng bộ từ các bên khác, hoặc có thể ông thực hiện các lời hứa của mình.
Theo The Economist, ảnh hưởng lớn nhất với Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là thương mại. Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất về thương mại, sau Mexico, Trung Quốc.
Với Việt Nam, dựa trên phân tích trước đó, kinh tế trong nước dưới nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng Việt Nam có thể đối mặt với nhiều thách thức kinh tế. Việc áp đặt các mức thuế quan mạnh mẽ, bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, từ đó làm giảm sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Một số nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện này, GDP của Việt Nam có thể giảm gần 1% so với kịch bản dưới chính quyền của bà Harris. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị áp thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá, do Việt Nam vẫn đang bị xếp là nền kinh tế phi thị trường và có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Những mặt hàng Việt Nam đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ rất thấp là gỗ (0%), thủy sản (0%), săm lốp (4%). Trong khi dệt may và thép, tôn mạ đều đang có mức thuế nhập khẩu khá cao, từ 8 - 25%. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng này hiện tại đều chưa bị áp thuế chống bán phá giá.
Do đó, nếu cả thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá đồng loạt tăng có thể triệt tiêu những lợi ích dự kiến tăng thêm từ việc tái phân bổ thương mại. Bên cạnh đó, việc điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có thể trở nên gắt gao hơn để đảm bảo Mỹ không bỏ sót các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia khác, nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Đồng thời, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các thị trường khác, làm tổn hại đến các ngành công nghiệp trong những khu vực đó, bao gồm Việt Nam.
Về cơ hội, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự thay thế thương mại nếu Mỹ tăng cường chuyển dịch xa khỏi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mở ra cơ hội cho việc tăng cường thương mại với các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Các nhà kinh tế dự báo rằng việc tái phân bổ thương mại này có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng khoảng 0,5% so với kịch bản của chính quyền Harris, khi chuỗi cung ứng được điều chỉnh và việc nhập khẩu từ Mỹ tăng từ Việt Nam.
Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định
Trong khi đó, ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM) có quan điểm lạc quan hơn khi dự báo về kinh tế Việt Nam ở nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump."VinaCapital tin rằng, những rủi ro đã bị đẩy lên quá mức cần thiết và không có lý do gì để lo ngại rằng chiến thắng của ông Trump sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế lành mạnh của Việt Nam", ông Michael Kokalari đánh giá.
Đối với châu Á, các nhà phân tích tại Macquarie Group cho rằng, xét về giá trị thực, chiến thắng trong cuộc bầu cử của Trump là "tin xấu cho Châu Á", đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, khu vực này "đã chuẩn bị tốt hơn" so với năm 2016, khi ông Trump lần đầu chuyển đến Nhà Trắng.
Theo chuyên gia của VinaCapital, mối đe dọa về thuế quan chủ yếu đang bị phóng đại. Con số thuế suất 60% có thể chỉ là một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Đội ngũ cố vấn kinh tế am hiểu và tài năng của ông hiện tại hoàn toàn hiểu rõ các hậu quả tiêu cực của việc áp thuế quá nặng lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Hơn nữa, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance cũng chỉ ra rằng, vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu đã dẫn đến việc đồng USD bị định giá quá cao - điều này khiến việc đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ không khả thi về mặt kinh tế. Việc áp thuế nặng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Lạm phát đã thấp khi ông Trump áp thuế lên Trung Quốc, nhưng lần này, việc áp thuế nặng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát mạnh mà nền kinh tế Mỹ rất có thể sẽ gặp phải vào năm tới.
Qua các phân tích, VinaCapital không nhận thấy bất kỳ sự phản đối đáng kể nào đối với việc tiêu thụ các sản phẩm "made in Vietnam" từ người tiêu dùng Mỹ. Do đó, không có lý do gì để Trump nhắm vào Việt Nam từ góc độ dân túy.
Tuy nhiên, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ có thể trở thành vấn đề. Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 100 tỷ USD với Mỹ vào năm ngoái, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có cán cân thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
“Vào một thời điểm nào đó, sự mất cân bằng này sẽ trở thành vấn đề đối với chính quyền của ông Trump. Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối quan ngại lớn với chính quyền mới. May mắn là, điều này có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách mua các sản phẩm giá trị cao như khí LNG và động cơ máy bay từ Mỹ”, ông Michael Kokalari bình luận.
Từ những phân tích này, VinaCapital tin rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời chính quyền mới của ông Trump. Chính sách "ngoại giao cây tre" khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trên thế giới đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi./.