Nguyên Bình chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (bão Yagi), từ ngày 7/9, trên địa bàn huyện Nguyên Bình bắt đầu có mưa to trên diện rộng, một số tuyến đường sạt lở, ách tắc, giao thông tạm thời chia cắt. Công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão được huyện chủ động triển khai theo phương châm '4 tại chỗ', nhằm khắc phục nhanh nhất hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Chiều ngày 8/9, đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra công tác ứng phó với ảnh hưởng cơn bão số 3 tại huyện Nguyên Bình, tại điểm sạt lở đoạn đường từ Bản Nùng, xã Thể Dục đi xã Triệu Nguyên, mưa lớn khiến hàng trăm mét khối đất đổ xuống tuyến đường khiến người dân không thể đi lại được. Để di chuyển người dân bắt buộc phải khiêng xe máy qua điểm sạt lở rất nguy hiểm, còn xe ô tô không thể đi qua được khu vực này. Mặc dù chính quyền địa phương đã huy động máy móc để san gạt nhưng do mưa lớn nên công tác này gặp nhiều khó khăn, đất, đá vẫn sạt, gây trơn trượt, các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông. Chị Phạm Thị Ngân, ở thị trấn Tĩnh Túc chia sẻ: Do mưa bão, cây cối gẫy đổ, bùn, đất tràn ra toàn bộ mặt đường, khiến việc đi lại của người dân rất vất vả. Để về nhà, chúng tôi phải giúp nhau cùng khiêng xe máy qua đoạn sạt lở.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân khu vực thị trấn Nguyên Bình bị ngập úng.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân khu vực thị trấn Nguyên Bình bị ngập úng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa cho biết: Để ứng phó kịp thời với ảnh hưởng của cơn bão số 3, UBND huyện ban hành Công văn số 1764/UBND-NN, ngày 6/9/2024 về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 3. Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chủ động chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc các yêu cầu của Trung ương, của tỉnh về việc tập trung ứng phó với nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Chỉ đạo các xã, thị trấn đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, lũ quét, thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm thiên tai. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các khu vực, vị trí đã xảy ra và có nguy cơ tiếp tục sạt lở cao; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du theo quy định. Chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai thường trực và sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đảm bảo kịp thời và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra ngay từ giờ đầu. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng tránh.

Tuyến đường tỉnh 218 thuộc địa phận xã Phan Thanh nhiều đoạn sạt lở đất vùi lấp mặt đường.

Tuyến đường tỉnh 218 thuộc địa phận xã Phan Thanh nhiều đoạn sạt lở đất vùi lấp mặt đường.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, đến thời điểm 21 giờ 30 ngày 8/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lớn kèm gió lốc đã làm 37 hộ dân bị tốc mái, 19 hộ bị sạt lở đất vào sau nhà và sập tường, 13 hộ nước ngập vào nhà. Toàn bộ các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ từ Nguyên Bình đi các xã: Mai Long, Phan Thanh, Thành Công, Triệu Nguyên, Ca Thành đã bị tắc hoàn toàn. Trong đó, Quốc lộ 34 sạt lở 1 điểm taluy âm, 1 điểm taluy dương tại xóm Thôm Phiêng, thị trấn Tĩnh Túc; đoạn từ ngã 3 Ca Thành xuống UBND xã bị sạt lở 5 vị trí; tại tỉnh lộ 218, đoạn đường Cao My đi xã Phan Thanh, Mai Long sạt lở gây tắc đường, xe máy không thể qua được; đoạn xóm Kéo Có, xã Mai Long bị sạt lở nhiều điểm chưa xác định được khối lượng. Tỉnh lộ 202, đoạn cách UBND xã Yên Lạc khoảng 500 m hướng đi Bảo Lạc, sạt lở khoảng 300 m3 gây tắc đường. Tỉnh lộ 212 đoạn Km 12 đi xã Thành Công, sạt lở nhiều điểm gây tắc đường. Tỉnh lộ 216 đoạn từ Quốc lộ 34 vào khoảng 2 km bị sạt lở ô tô không qua được, xe máy đi phải dắt. Đường Bản Nùng, xã Thể Dục đi Triệu Nguyên, Thông Nông (Hà Quảng), sạt lở đất, cây đổ chắn gây tắc đường. Các tuyến đường liên xóm sạt lở 8 điểm của 7 tuyến đường với khối lượng khoảng 750 m3 tại các xã: Ca Thành, xã Thể Dục, Tam Kim, Hưng Đạo. Tại xóm Phúng Líang, xã Phan Thanh, bị đổ 1 cột điện đường dây hạ thế và đường dây cáp quang xã Mai Long bị đứt.

Đường Quốc lộ 34 đoạn qua thị trấn Tĩnh Túc sạt lở taluy âm do mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đường Quốc lộ 34 đoạn qua thị trấn Tĩnh Túc sạt lở taluy âm do mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước thiệt hại do mưa bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp cùng các chính quyền cơ sở, đơn vị khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả trận mưa lũ, thống kê đầy đủ về thiệt hại tài sản và hoa màu của nhân dân. Chủ động xây dựng kế hoạch, có phương án ứng phó linh hoạt với diễn biến bất thường của hoàn lưu bão số 3 theo phương châm 4 tại chỗ để kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão; khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu để bảo đảm sinh hoạt cho người dân.

Chiều 8/9, trên địa bàn thị trấn Tĩnh Túc, thị trấn Nguyên Bình, xã Vũ Minh mưa lớn gây ngập úng sâu diện tích hoa màu và nhà dân, các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân, công an giúp người dân vận chuyển, di dời tài sản, lương thực về nơi an toàn, đồng thời, tiến hành cắt, thu dọn cây đổ trên đường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông thông suốt.

Ngay khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo tỉnh và huyện Nguyên Bình đến kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão tại các điểm sạt lở trên địa bàn huyện.

Ngay khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo tỉnh và huyện Nguyên Bình đến kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão tại các điểm sạt lở trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết: Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra rà soát, tổng hợp thiệt hai do thiên tai gây ra, huy động lực lượng khắc phục nhanh các điểm sạt lở, giúp đỡ các hộ gia đình bị hư hỏng nặng. Hiện mưa vẫn chưa ngớt, nguy cơ sạt lở trên các tuyến đường vẫn có khả năng sẽ tiếp diễn, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc. Người dân cần cẩn trọng di chuyển tại các khu vực có nguy cơ cao sạt lở nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Hoài An

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguyen-binh-chu-dong-ung-pho-voi-anh-huong-cua-bao-so-3-3171886.html