Nguyễn Bính, hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Chuyên luận do nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại viết, mang đầy chất thơ. Thơ từ tên sách: 'Nguyễn Bính, hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp', mượn ý thơ của thi sĩ Hoàng Cầm, mang tính ước lệ và gợi cảm. Tôi đọc liền một mạch 133 trang sách, với niềm cuốn hút, say mê, cảm giác như đọc thiên tùy bút. Ấn tượng những trang viết trong cuốn sách không chỉ mang tính khai sáng qua các luận giải, mà thú vị hơn, đưa đến những cảm xúc dịu dàng, trong trẻo về miền quê với những ký ức tuổi thơ.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bắc Bộ, cách làng Thiên Vịnh của Nguyễn Bính không bao xa. Yêu và thuộc thơ Nguyễn Bính từ nhỏ, rất tâm đắc điều Hoài Thanh, Hoài Chân viết trong “Thi nhân Việt Nam” khi giới thiệu về Nguyễn Bính: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê ở đó”. Không hề mặc cảm, Nguyễn Sĩ Đại tự nhận: “Tôi là một kẻ nhà quê nên ngoài thì mơ về thềm son vách quế, khao khát sự lộng lẫy, phồn hoa mà trong thì thức ngủ đều nhớ đến hương cây, mùi ruộng”.
Sự đồng điệu “chân quê” ấy khiến anh tìm đến Nguyễn Bính, đọc và yêu thơ ông như một lẽ tự nhiên, trong trẻo, mộng mơ và hơn thế, tạo cảm hứng cho một hướng đi: “Tôi đọc thơ Nguyễn Bính như được đi trên đồng cỏ mát tít tắp chân trời. Đồng cỏ ấy dẫn tôi về miền thơ ấu với những kỷ niệm thần tiên, với những gì thân yêu, gần gũi nhất và cũng dẫn tôi về những niềm mơ ước theo một hướng đúng trên con đường nghệ thuật: Hồn dân tộc”.
Cuốn sách dành ít trang viết về cuộc đời Nguyễn Bính. Những thông tin tư liệu, trích dẫn lời kể của những người thân, bạn bè, những nhà văn, nhà thơ cùng thời được trình bày sắp xếp công phu, thận trọng, đánh giá và nhìn nhận biện chứng, bao dung giúp người đọc có thể hình dung về nhà thơ: Dòng dõi xuất thân, học vấn, quãng đời lưu lạc, quá trình tham gia cách mạng, làm báo, làm thơ… chia sẻ và cảm thông với ông mang kiếp “giời bắt làm thi sĩ” mà có lúc Nguyễn Bính phải thốt lên: “Ai bảo mắc vào duyên bút mực/Sòng đời mang lấy số long đong”.
Sự đồng điệu ấy khiến những phân tích, bình giảng của Nguyễn Sĩ Đại về thơ Nguyễn Bính thuyết phục mà gợi cảm.
Với sự đồng cảm và trân trọng, Nguyễn Sĩ Đại phác họa sống động về Nguyễn Bính. Cùng với chất lãng tử, phiêu bạt, bất cần, là “một tâm hồn trong trẻo, bình dị; Một tính cách khảng khái; Thi sĩ của thương yêu”. Qua phân tích thi pháp, sự độc đáo, từ ngữ, âm điệu, vẻ hồn nhiên của con người và cảnh vật trong thơ, anh kết luận rằng: “Nguyễn Bính, người viết về làng Việt hay nhất”.
Dẫn các điển tích thơ, phân tích và lý giải về các nhà thơ Trung Hoa như Giả Đảo, Lý Thương Ân, Hàn Dũ, Đỗ Phủ, Vương Duy…, nêu ý kiến của Khổng Tử, Aristốt, thậm chí trích dẫn cả nhà phê bình văn học Bakhtin, cho thấy tác giả có kiến văn rộng, am hiểu sâu về văn học Trung Hoa (anh là Tiến sĩ Hán Nôm) và thái độ nghiêm túc trong cuốn sách, “một chuyên luận có ít nhiều tính khoa học” như cách nói khiêm tốn của anh.
Tuy nhiên, điều cuốn hút trong cuốn sách là sự cảm nhận mang tính đồng điệu và giàu cảm xúc, khi anh phân tích, lý giải làm sáng rõ “Hồn dân tộc” trong thơ Nguyễn Bính. Đây là chia sẻ của Nguyễn Sĩ Đại khi tiếp xúc với bài thơ “Trường huyện” lúc tuổi học trò: “Cộng hưởng cái dao động, cái nên thơ và sự tiếc nuối… làm cho những câu thơ giàu nhịp điệu của chất tình thân ấy vang vọng suốt cuộc đời tôi”.
Tự nhận mình là nông dân, những cảnh sắc ảnh làng quê, hoa xoan, hương bưởi, hoa chanh, cánh đồng, ngõ xóm, láng giềng… trong thơ Nguyễn Bính, với anh là mạch nguồn cảm xúc sâu lắng và da diết: “Hồn tôi là một cánh đồng xanh mướt lúa ngô, là bờ sông thổi gió, là khói bếp la đà mái rạ, là hoa xoan tím, lục bình cũng tím, hoa chanh thơm, hoa bưởi cũng thơm, là râm ran tiếng chợ trưa về, là ngọt ngào lời chào thăm hỏi của cô bác láng giềng đầu ngõ, là mơ màng huyễn hoặc những câu chuyện ngày xưa bên bếp lửa đêm đêm”.
Sự đồng điệu ấy khiến những phân tích, bình giảng của Nguyễn Sĩ Đại về thơ Nguyễn Bính thuyết phục mà gợi cảm. Minh chứng cho nhận xét Nguyễn Bính là nhà thơ viết hay nhất về làng quê Việt, anh phân tích: “Thơ Nguyễn Bính viết về làng quê như những bức tranh lụa. Đó là sự ngọt ngào trinh bạch. Cần phải nói thêm, còn như sự khắc tạc của những điều muôn thuở. Đó là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Đó là sự rộn rã ấm áp của sự sống sinh sôi, sự ngọt ngào thơm lên của những mùi hương hoa trái và của tình người”.
Phân tích về bút pháp thơ, cùng những lý giải thấu đáo về ngôn từ, cách sử dụng tài tình thể thơ dân tộc, hình ảnh chân thực và trong trẻo mang tâm lý, tâm thức Việt, Nguyễn Sĩ Đại chỉ ra “giọng kể” trong thơ Nguyễn Bính. Đây là một phát hiện thú vị. Những bài thơ có “cốt truyện” qua giọng kể của nhà thơ hiện lên sống động trong khung cảnh làng quê, với những chuyện tình lỡ dở, thân phận đa đoan… gieo những nỗi niềm. Có lẽ, ảnh hưởng “giọng kể” của thơ Nguyễn Bính, trong một bài thơ viết về Mẹ của Nguyễn Sĩ Đại có một sự đồng điệu, người đọc rất xúc động, bùi ngùi:
“Ta về với mẹ ta thôi
Năm nay mẹ đã chín mươi mỏi mòn
Cha thì đã khuất núi non
Con dăm bảy đứa chỉ còn
vài ba…”
Yêu đến “sùng” thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Sĩ Đại không ngần ngại tiên đoán: “Và ta cũng không hoàn toàn ngạc nhiên, khi một ngày nào đó, Nguyễn Bính được giải
Nô-ben hay được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới”. Tôi nghĩ, nhà thơ của “Chân quê”, “Lỡ bước sang ngang”… chắc cũng chẳng màng đến giải thưởng, danh hiệu, nhưng có thể khẳng định Nguyễn Sĩ Đại hoàn toàn đúng khi nhận xét, cho rằng thơ Nguyễn Bính sẽ “thành một bảo tàng để những ai còn mang lòng hoài cổ về chiêm ngưỡng” và nhà thơ Nguyễn Bính, “ông vẫn ngự trên ngai thơ, vẫn là niềm dấu yêu trong lòng bạn đọc nhiều thời đại”.
Nguồn:https://nhandan.vn/nguyen-binh-hon-dan-toc-sang-bung-tren-giay-diep-post761576.html