Nguyện cầu cho Vũ Hán

Người thì phải rời xa vòng tay vợ và con nhỏ, người phải cắt phăng mái tóc yêu thích, nhiều người bị thương ở tay và mặt… không thể kể xiết những hi sinh thầm lặng của y bác sĩ tuyến đầu tại Vũ Hán. Gạt đi nỗi ám ảnh về Covid-19, các bác sĩ ở tâm dịch vẫn chiến đấu tận tụy, giằng giật lại từng sinh mệnh...

Hình ảnh thầy thuốc Vũ Hán qua tranh

Hình ảnh thầy thuốc Vũ Hán qua tranh

Những người hùng thầm lặng

Sơn Hiệp, 30 tuổi, là một trong số gần 1.000 nhân viên y tế luôn túc trực tại bệnh viện kể từ thời điểm dịch viêm phổi bùng phát tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Với bộ đồ bảo hộ cách ly gây nhiễm luôn bó chặt vào người, cô và các đồng nghiệp phải làm mọi cách để ngăn ngừa bệnh dịch lây lan ngay trong bệnh viện, bao gồm cả cắt tóc. “Phải cạo trọc đầu thì mới hạn chế lây bệnh qua tóc và cũng tiết kiệm thời gian mặc đồ bảo hộ lên người nữa”, Sơn Hiệp giải thích.

Sau mái tóc trụi lủi của các y tá là khuôn mặt đầy những vết hằn vì phải đeo khẩu trang suốt hơn 20 giờ mỗi ngày. Đôi tay của nhiều người cũng nứt nẻ, thậm chí hiện lên vằn vện các mạch máu nhỏ vì tiếp xúc quá nhiều với thuốc sát trùng. Cộng thêm đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Nhưng, không một ai trong số họ gục ngã.

Không ít bác sĩ, y tá đang chống dịch tại Vũ Hán lập gia đình với đồng nghiệp ở chính chỗ họ làm việc. Nhưng làm chung một bệnh viện không có nghĩa là họ có thời gian gặp nhau để chia sẻ vui buồn trong thời khắc khó khăn này. Vì thế, một cặp vợ chồng bác sĩ - y tá đã nghĩ ra cách duy trì liên lạc qua những bức thư được bỏ vào tủ đồ của nhau mỗi ngày. Nhưng không phải ai cũng có thể may mắn nói chuyện với nhau như thế.

Zhang Zhibo, sinh năm 1993: “Ban đầu khi biết tôi không về, mẹ phản ứng rất dữ dội. Bà khóc và nói rằng lí do có bữa ăn đoàn viên là để cả nhà cùng quây quần bên nhau, chứ không phải lao đầu làm việc ở nơi nguy hiểm như vậy.

Tôi phân tích cho mẹ rằng đó là trách nhiệm của nhân viên y tế. Hơn nữa, tôi không chỉ có một mình mà xung quanh là những đồng nghiệp xuất sắc. Tôi sẽ không bị đánh bại. Mặc dù khó khăn vẫn luôn chồng chất, tôi sẽ không chùn bước. Tôi hi vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để có thể về nhà. Đã quá lâu tôi quên cảm giác ra ngoài kia, trở về như một đứa trẻ”.

Và như thế, không chỉ nặng nề và oi bức, đồ bảo hộ còn che đi nhận diện của mỗi người. Đến những đồng nghiệp thân thiết nhất cũng chỉ có thể nhận ra nhau thông qua bảng tên, nói gì tới bệnh nhân. Thế nhưng những khuôn mặt phờ phạc vì chiến đấu hết công suất ấy mới là đẹp nhất...

Nhiều gương mặt vẫn còn rất trẻ nhưng đã tích lũy thêm kinh nghiệm trong cuộc chiến ác liệt với Covid-19. Họ là những người chồng, vợ, con hay người bạn. Họ nói mình không phải anh hùng gì cả, chỉ là làm tốt công việc được giao.

Mới đây, hình ảnh một bác sĩ đang nằm ngủ thiếp đi ngay trên hành lang của bệnh viện đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Điều khiến nhiều người xúc động hơn đó chính là vị bác sĩ này vẫn còn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và mắt kiếng kín mít. Được biết, hình ảnh này được chụp tại bệnh viện Nhân dân huyện Ôn Giang (Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc). Vào lúc 10h sáng ngày 14/2, bác sĩ Li Chen đã tình cờ bắt gặp hình ảnh này của đồng nghiệp Zhang Rui nên đã chụp lại.

Sau khi đánh thức anh Zhang dậy, Li Chen đề nghị đổi ca để người đồng nghiệp có thể nghỉ ngơi nhưng anh Zhang Rui lại lắc đầu bỏ qua. Anh nói rằng: “Không sao, tôi vẫn ổn” và tiếp tục công việc của mình.

“Đường dù dài đến đâu, thì cũng phải tới đích”…

Bác sĩ Huang Xiaobo - Đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) của Bệnh viện nhân dân tỉnh Tứ Xuyên ở thành phố Thành Đô. Nhưng vào ngày Mùng 1 Tết Âm lịch, 25/1, ông được giao nhiệm vụ Phó giám đốc một đội ngũ y tế gồm 30 người chi viện cho Vũ Hán.

Trong cuộc phỏng vấn với trang Tài Tân (Caixin, Trung Quốc), ông chia sẻ: “Khung cảnh tuyệt vọng. Ngày hôm qua là 10 ngày kể từ khi tôi dẫn đội chi viện chống dịch tới Vũ Hán và cũng là ngày đầu tiên tôi có thể nghỉ ngơi một chút từ khi đến đây. Chúng tôi có mặt ở Vũ Hán vào sáng sớm ngày 26/1 rồi bắt đầu công việc tại Hội Chữ thập đỏ vào buổi chiều.

 Tranh sơn dầu của một cựu chiến binh 61 tuổi tại Trùng Khánh, Trung Quốc, miêu tả hình ảnh các y bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Tranh sơn dầu của một cựu chiến binh 61 tuổi tại Trùng Khánh, Trung Quốc, miêu tả hình ảnh các y bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Trong hơn 10 năm kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân bị ốm nặng, công việc chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy khổ sở như khoảng thời gian tại Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán. Vai trò của tôi ở đây bao gồm tái điều phối ICU của bệnh viện. Khi nhóm của tôi mới đến, khoảng hơn chục nhân viên ICU đã kiệt sức.

Một trong bốn bác sĩ bị xác nhận nhiễm virus corona, hai trường hợp được phát hiện ở nhóm y tá và hai hay ba trường hợp ở nhóm khác. Và vấn đề chính là sự lây nhiễm trong đội ngũ y tế, hơn 30 người đã phải nhập viện, trong khi 30 người khác bị cách ly. Điều này có nghĩa là khoảng 1/6 nhân lực của bệnh viện không thể công tác, và ai cũng lo rằng họ sẽ là người tiếp theo đổ bệnh.

Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ còn thiếu nhiều nguồn lực để cứu bệnh nhân trước ngưỡng cửa của tử thần. Tất cả bệnh nhân đều khao khát được sống, họ nắm chặt tay các bác sĩ của chúng tôi và khẩn cầu đừng bỏ rơi họ. Nhưng khi không có được trang thiết bị đúng, thì chúng tôi chỉ đành bất lực nhìn sự sống trôi dần khỏi những bệnh nhân.

Vào lúc này, chúng tôi không thể làm được gì nhiều cho những bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng. Chúng tôi chưa biết được những loại thuốc nào có thể ngăn chặn virus, vậy nên chỉ có thể cố gắng kéo dài sự sống cho bệnh nhân và chờ đợi bệnh tình chuyển biến.

Phần quan trọng nhất của công việc là phải giữ được tinh thần phấn chấn: Phải khích lệ bệnh nhân không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu để chiến thắng bệnh tật. Tôi cũng thường nhận cuộc gọi từ những bác sĩ trẻ cảm thấy mệt mỏi và muốn tâm sự. Mới đây tôi nhận điện của một bác sĩ và một y tá, cả hai đều khóc vì bệnh nhân qua đời do virus. Họ tự vấn là đã làm tất cả để cứu người bệnh chưa, hay liệu họ đã mắc sai sót gì.

Tôi chỉ có thể nói với họ rằng, những điều kiện đang có chính là hiện trạng và chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài cố gắng mọi điều có thể để hỗ trợ. Trong vai trò bác sĩ, đó là nghĩa vụ lớn nhất của chúng tôi lúc này.

Và trong cuộc chiến không cân sức ấy, có nhiều người đã ngã xuống. Thời Báo Hoàn Cầu ngày 12/2 thông tin nữ bác sĩ Xu Hui, phó chủ nghiệm khoa y học Trung Quốc thuộc bệnh viện Nam Kinh, đã qua đời ở tuổi 51 vào ngày 7/2 vì “đổ bệnh bất ngờ” và kiệt sức sau 18 ngày làm việc không ngừng nghỉ. Trước bà Xu đã có ít nhất 3 bác sĩ khác qua đời liên quan đến dịch Covid-19.

Người đầu tiên là bác sĩ Liang Wudong (62 tuổi) của bệnh viện Hubei Xinhua, đã chết vì đau tim khi đang làm việc ở tuyến đầu ứng phó với dịch bệnh này ( theo đài CGTN ngày 25/1). Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đã qua đời ngày 7/2 vì nhiễm virus corona chủng mới. Đầu tuần này, bác sĩ Lin Zhengbin (62 tuổi), chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực ghép thận tại Trung Quốc với hơn 30 năm kinh nghiệm, cũng qua đời sau chưa đầy 1 tháng nhiễm virus corona chủng mới…

Tào Gia Thụy, học sinh lớp 7 trường Thực nghiệm thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ khu tự trị Ninh Hạ có mẹ đang là một bác sĩ tình nguyện ở Vũ Hán. Mẹ cô bé, bác sĩ Lưu Nhạn Hồng cùng đồng nghiệp đã có mặt ở tâm dịch hơn một tháng qua. Xa nhà hàng nghìn km, hàng ngày hai mẹ con chỉ được nói chuyện với nhau vài câu qua điện thoại. Tào Gia Thụy đã viết một lá thư gửi mẹ với tựa đề “Đường dù dài đến đâu, thì cũng phải đến đích”.

“Mẹ yêu quý. Những ngày qua con biết mẹ rất mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng mẹ ơi, dù đêm có dài đến đâu thì bóng tối cũng sẽ phải kết thúc. Mẹ hãy cố lên, Vũ Hán cố lên. Con rất yêu và nhớ mẹ”, một phần bức thư viết.

Vào ngày 4/2, bác sĩ Lưu rất bất ngờ khi nhận được thư của con gái kèm theo một bài thơ ngắn cô bé tự làm bày tỏ tình yêu đặc biệt đối với mẹ. “Hồ Bắc nghìn xa/ Mẹ vẫn chiến đấu/ Nhớ con đau đáu/Mẹ có mệt không/Mẹ có khát không/Con yêu mẹ lắm”...

Nhận được thư của con, Lưu Nhạn Hồng ứa nước mắt: “Dù rất thương nhớ con nhưng ở đây người dân cần tôi hơn. Chính những lời động viên của con gái đã tiếp thêm sức mạnh để tôi có thể cùng đồng nghiệp chống chọi lại dịch bệnh này”.

Vài ngày sau khi nhận thư, bác sĩ Lưu đã viết thư trả lời con “Mẹ hy vọng con có thể cảm nhận được trái tim yêu thương của mẹ. Chúng ta cần phải kiên cường, khi dịch bệnh kết thúc, mẹ con mình sẽ lại được gặp nhau”…

Qua mỗi ngày, nỗi nhớ lại càng tăng thêm, như để thử thách những người ở trong lẫn ngoài vùng dịch. Song, họ vẫn cùng nhau đối diện căn bệnh quái ác với chung suy nghĩ: Cuối cùng trí tuệ và sự hy sinh của con người nhất định sẽ giành chiến thắng!

Có thể họ không sinh ra như những người hùng trên thế giới này. Có điều, một vài người bình thường đã phải đứng lên và bước ra tuyến đầu để bảo vệ mọi người! Họ đã hy sinh cho nhân loại được sống, bất kể hiểm nguy và thần chết luôn cận kề trước mắt. Và dù thế nào, chúng ta chỉ biết nguyện cầu cho Vũ Hán như lời nhắn nhủ của cô bé lớp 7: “Đường dù dài đến đâu, thì cũng phải đến đích”…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/nguyen-cau-cho-vu-han-495547.html