Nguyên Chủ tịch HĐTV của Vinashin Nguyễn Ngọc Sự bị đề nghị tăng hình phạt

Sau một ngày xét xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vinashin, sáng nay (11/10), phiên tòa đã khép lại phần xét hỏi, đại diện VKS đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án với các bị cáo.

Trong phần nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội vẫn tiếp tục giữ nguyên nội dung kháng nghị trên. Đồng thời cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Chính phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 60 tỷ đồng không có hóa đơn là không đúng. Cần tuyên buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này.

 Đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án với các bị cáo

Đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án với các bị cáo

Trước đó, VKSND TP. Hà Nội đã kháng nghị về khoản tiền 105 tỷ đồng chiếm đoạt. Thay vì tuyên buộc các bị cáo phải hoàn trả số tiền này để trả cho Oceanbank và cấn trừ vào phần trách nhiệm của ông Hà Văn Thắm theo quyết định của bản án sơ thẩm, thì VKSND đề nghị tịch thu, sung công quỹ. Lý do vì đây là số tiền lãi Oceanbank trả cho Vinashin, vì vậy các bị cáo chiếm đoạt tiền của Vinashin nên không cần trả lại cho Oceanbank.

Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng giữ nguyên quan điểm đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Sự. VKS cho rằng, bị cáo giữ vai trò là Chủ tịch HĐTV Vinashin và là người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất. Bị cáo giữ vai trò chính, chủ động trong việc quyết định gửi tiền vào Oceanbank khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhằm chiếm đoạt tiền chi lãi ngoài. Bị cáo đã khắc phục hơn 8 tỷ đồng nhưng không thành khẩn khai báo và còn đổ lỗi cho cấp dưới. Bản án 13 năm tù là nhẹ và không đảm bảo tính công bằng với các bị cáo khác.

Với các bị cáo Trần Đức Chính, nguyên kế toán trưởng; Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng giám đốc và Phạm Thanh Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng tại phiên tòa phúc thẩm lần này các bị cáo còn khai báo quanh co, số tiền bồi thường “quá nhỏ” so với số tiền chiếm đoạt. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và số tiền bồi thường.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm lần này, luật sư Nguyễn Xuân Anh (đại diện ủy quyền của Hà Văn Thắm) không chấp nhận nội dung kháng nghị trên của VKS. Vị luật sư này dẫn chứng một số vụ án chi lãi ngoài đã được đưa ra xét xử và có hiệu lực pháp luật. Theo bản án phúc thẩm năm 2018, ông Hà Văn Thắm phải chịu bồi thường số tiền 890 tỷ đồng tiền lãi ngoài mà Oceanbank đã chi cho các khách hàng, trong đó có 105 tỷ đồng chi cho Vinashin và các bị cáo trong vụ án này đã chiếm đoạt.

 Các bị cáo đứng nghe đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án xử phạt

Các bị cáo đứng nghe đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án xử phạt

Các vụ án xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Vietsopetrol đều quyết định các đối tượng nhận tiền lãi ngoài phải bồi hoàn cho Oceanbank. Luật sư Nguyễn Xuân Anh nói: “Các bản án này đã xác định đây là tiền lãi ngoài của Oceanbank, Oceanbank là đối tượng bị thiệt hại và bị chiếm đoạt nên các cá nhân nhận tiền phải trả lại cho Oceanbank. Và nếu số tiền trả lại thiếu bao nhiêu thì ông Thắm sẽ phải bù để trả đủ cho ngân hàng”.

Cũng theo luật sư Xuân Anh, nội dung kháng nghị đã trái ngược với bản án phúc thẩm của ông Thắm và các vụ án khác. Do đó, vị luật sư này đề nghị, nếu HĐXX chấp nhận nội dung kháng nghị thì có nghĩa là bản án ông Thắm phải xem xét lại theo hướng ông Thắm không phải bồi hoàn lại tiền. Còn nếu các bản án khác là đúng thì đề nghị HĐXX không chấp nhận ý kiến kháng nghị trên của VKSND để đảm bảo không mâu thuẫn giữa các bản án.

Theo bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2010, Vinashin được nhận 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí để tái cơ cấu và sau đó tiếp nhận 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho Vinashin.

Do cần nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của OceanBank, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và cán bộ lãnh đạo tại OceanBank đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng cho Vinashin để lãnh đạo Vinashin quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank.

Mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền nhận từ PVN và tiền Chính phủ cấp, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank để chiếm đoạt số tiền chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.

Trong thời gian từ tháng 3/2011 - tháng 8/2014, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoãi do các cán bộ của OceanBank chi.

Nhận số tiền trên, bị cáo Trần Đức Chính trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, bị cáo Sự chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng, Chính 10 tỷ đồng, Tuyến 3,5 tỷ đồng và Sơn 1,2 tỷ đồng.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-dinh/nguyen-chu-tich-hdtv-cua-vinashin-nguyen-ngoc-su-bi-de-nghi-tang-hinh-phat-316170.html