Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Người kiên trì mở đường cho một Việt Nam hội nhập, phát triển

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người góp phần định hình sâu sắc đường lối đối ngoại đa phương, đặt nền móng cho tiến trình hội nhập sâu rộng của nước ta.

Với tầm nhìn chính trị vững vàng và sự kiên định của mình trong suốt những năm giữ trọng trách đứng đầu Nhà nước (từ tháng 9-1997 đến tháng 6-2006), nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người đã góp phần quan trọng mở ra cánh cửa hội nhập toàn diện, tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Góp phần định hình, đặt nền móng cho hội nhập kinh tế sâu rộng

Giữ cương vị Chủ tịch nước từ năm 1997 đến 2006 – một giai đoạn bước ngoặt khi Việt Nam bước ra khỏi khủng hoảng, củng cố nền tảng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đó là người góp phần định hình một cách sâu sắc đường lối đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, đặt nền móng cho tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò Chủ tịch nước, đồng chí đã thay mặt Nhà nước ký kết, thúc đẩy hàng loạt hiệp định kinh tế – thương mại có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam.

 Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8/1998 đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. (Ảnh: Tư liệu TTXVN phát)

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8/1998 đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. (Ảnh: Tư liệu TTXVN phát)

Trong đó, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000 là một dấu mốc mang tính đột phá. Đây là bước ngoặt lớn, không chỉ giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc, mà còn mở đường để Việt Nam tiến tới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 – sự kiện đánh dấu vị thế mới của một nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Với tinh thần điềm tĩnh, kiên cường và thấu hiểu sâu sắc quy luật phát triển, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương không chỉ chú trọng thúc đẩy thương mại, đầu tư mà còn đặc biệt quan tâm tới xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh – điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư bền vững. Chính trong nhiệm kỳ của ông, nhiều đạo luật kinh tế quan trọng đã được ban hành, sửa đổi nhằm tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, phù hợp với chuẩn mực quốc tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...

Ông là người hiểu rất rõ rằng một quốc gia muốn phát triển không thể đứng ngoài dòng chảy toàn cầu hóa. Nhưng để hội nhập thành công thể chế phải đủ mạnh, con người phải đủ trí tuệ và bản lĩnh. Chính vì vậy, dù xuất thân là một nhà địa chất, nhưng ông lại có tầm nhìn xa về kinh tế, luôn đồng hành, lắng nghe và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và trí thức kinh tế tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.

Ấn tượng về tư duy đổi mới

Đối với chúng tôi – những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạch định kinh tế – di sản lớn nhất mà nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại không chỉ là những văn kiện hay con số tăng trưởng, mà là một tư duy đổi mới mở lối đi trước thời đại, một tấm gương về sự điềm đạm, bản lĩnh và tận tụy vì lợi ích quốc gia – dân tộc.

Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn trong lòng những người từng đồng hành trên hành trình kiến tạo một Việt Nam tự cường, hội nhập và phát triển bền vững. Nhưng hành trang mà ông để lại – đó là một tầm nhìn chính trị sâu rộng gắn liền với thực tiễn phát triển kinh tế – sẽ mãi là kim chỉ nam cho các thế hệ tiếp nối.

 Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997). (Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN)

Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997). (Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN)

Với tư cách là một nhà nghiên cứu kinh tế từng công tác tại Ban Vật giá Chính phủ – cơ quan tham mưu trọng yếu về chính sách giá và điều tiết vĩ mô trong giai đoạn đầu đổi mới – tôi có may mắn được trực tiếp làm việc, trao đổi chuyên môn và tiếp thu những chỉ đạo sâu sát từ đồng chí Trần Đức Lương. Những buổi làm việc đó không chỉ thể hiện tầm nhìn bao quát của một nhà lãnh đạo cấp cao, mà còn bộc lộ tư duy đổi mới thẳng thắn, thực tế và luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Tôi đặc biệt ấn tượng với quan điểm xuyên suốt của ông cải cách kinh tế không thể tách rời khỏi hoàn thiện thể chế, và hội nhập quốc tế phải đi đôi với chuẩn bị nội lực.

Chính sự thấu hiểu sâu sắc và chỉ đạo kịp thời của ông đã góp phần tạo nên môi trường chính sách thuận lợi cho việc hình thành mặt bằng giá mới, điều tiết thị trường trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xin nghiêng mình tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương – người mở đường cho một Việt Nam đổi mới, hội nhập và ngẩng cao đầu trên trường quốc tế.

PGS.TS NGÔ TRÍ LONG - Chuyên gia Kinh tế

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-nguoi-kien-tri-mo-duong-cho-mot-viet-nam-hoi-nhap-phat-trien-post851150.html