Nguyễn Đình Phúc, người đa tài

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc là người đa tài, sinh thời nổi tiếng với những bức tranh chân dung đẹp về các văn nghệ sĩ trong cả nước. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bên cạnh hai lĩnh vực âm nhạc, hội họa, ông còn có nhiều tài và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: quản lý biểu diễn, giảng dạy, làm thơ, viết truyện, nghiên cứu.

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông, vào giữa tháng 10 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật có tên “Tiếng đàn bầu”.

1. Tôi đã say sưa những bức chân dung của họa sĩ Nguyễn Đình Phúc, rồi cũng lắng lại và du dương với những ca khúc “Cô lái đò”, “Lệ thu”, “Lời du tử” của ông. Ở hai vai trò nhạc sĩ và họa sĩ, ông đều được đánh giá cao. Nay cùng lúc được thưởng thức đêm nhạc của ông, nâng niu ba cuốn sách gồm tranh chân dung nghệ sĩ, tuyển ca khúc, sách nghiên cứu về quan họ được phát hành và in cẩn trọng, tôi càng trân trọng người nghệ sĩ đã sống, cống hiến hết mình.

Lần lượt, các sáng tác âm nhạc Nguyễn Đình Phúc được thể hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, kể câu chuyện về một con người giản dị, đa tài, luôn nhập thế và tận hiến cho nghệ thuật. Những ca khúc đầu tiên được ông sáng tác từ những năm 40 của thế kỷ trước, như “Lệ thu”, “Cô lái đò”, “Lời du tử” in đậm dấu ấn riêng của một tâm hồn tài tử, lãng mạn, yêu quê hương đất nước. Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ… Bao nhiêu sự kiện lớn lao của dân tộc trong thế kỷ 20, ông đều có mặt, đồng hành với tư cách công dân, tư cách nghệ sĩ, viết ca khúc động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân, làm nhạc cho phim, soạn giao hưởng, vẽ tranh, nghiên cứu âm nhạc, làm thơ, viết văn, viết hồi ký, tham gia quản lý - đào tạo nghệ thuật…

Chỉ với 13 ca khúc cũng đủ để nhận ra một tài năng. Bên cạnh những ca khúc mộc mạc bình dị với hình thức nhỏ gọn, xinh xắn dễ hát, là những ca khúc nghệ thuật có quy mô khác nhau - bao gồm cả những trường ca với nhiều đoạn hoặc nét nhạc tương phản về tính chất, cảm xúc và âm điệu. Cùng với những bài hát nhẹ nhàng, đằm thắm, hoặc duyên dáng, tươi mát mang âm hưởng dân ca Nam bộ, chèo, quan họ… và đỉnh cao là “Tiếng đàn bầu” thâm trầm sâu sắc, lại vừa réo rắt, bay bổng lảnh lót với âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, còn có “Chiến sĩ sông Lô” hào sảng mà thiết tha, một “Hữu ngạn sông Thao” da diết sâu đậm ân tình mà cũng rất kiên cường mạnh mẽ và sẵn chứa tiền đề cho một hoạt cảnh nho nhỏ, một “Bình ca” nghe như khúc hát tự sự aria trong nhạc kịch, lúc bi thiết - lúc trầm lắng, lúc dâng mãnh liệt - lúc nhịp nhàng, thư thái. Không những thế, ca khúc của chàng du tử lúc này đã đem theo cả dấu ấn của dân nhạc với những câu dạo đầu và tiết tấu mang đặc trưng rất riêng của nhạc cụ gõ Tây Nguyên, những âm luyến láy uyển chuyển mềm mại như lối chơi của đàn bầu trong phần hát và phần dạo nhạc…

Còn khi đọc cuốn “Để góp phần vào vấn đề nghiên cứu Quan họ” của Nguyễn Đình Phúc, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền chia sẻ: “So sánh với các công trình tiếp nối của Hồng Thao, Trần Linh Quý - những tên tuổi lớn nghiên cứu Quan họ cuối thế kỷ 20, sẽ thấy rõ 2 giai đoạn điền dã kế tiếp trong nội bộ một vùng dân ca tập trung. Đây là điều vô cùng quý giá trong lịch sử ngành âm nhạc dân tộc học Việt Nam. Các nghiên cứu của Nguyễn Đình Phúc được tiến hành công phu, tỉ mỉ, phản ánh một quá trình lao động khoa học miệt mài, để lại nhiều vấn đề học thuật, nội dung lịch sử mà cho đến nay vẫn còn nguyên những giá trị của nó. Thậm chí, có những nghiên cứu mà với thế hệ chúng tôi là hoàn toàn mới mẻ”.

Căn cứ vào công trình của Nguyễn Đình Phúc, có thể xác định được biểu mục bài bản Quan họ ngày nay so với thời kỳ giữa thế kỷ trước đã thất truyền nhiều giọng Quan họ. Càng cho ta thấy rõ hơn tính cấp thiết trong việc bảo tồn vốn liếng bài bản cổ nhạc nói chung, dân ca Quan họ nói riêng - vốn luôn gắn liền với đời sống nghệ nhân các thế hệ tiếp nối.

Một tiết mục trong đêm nhạc

Một tiết mục trong đêm nhạc

2. Nguyễn Đình Phúc quê ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau vì chống lại thầy giáo người Pháp xúc phạm học sinh An Nam mà bị đuổi khỏi trường. Năm 1943, với bức tranh "Chú bé thổi sáo", ông giành được giải nhất tại cuộc triển lãm tranh Đông Dương tổ chức ở Hà Nội. Phần thưởng đủ để ông làm một chuyến du lịch xuyên Việt nhiều ngày.

Nói về tranh chân dung của Nguyễn Đình Phúc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Đường trần muôn ngả, mờ ngàn lối rẽ khúc quanh. Tự nhàn tâm, ông yên nhiên đặt bút, thả nét gọi thần dung nhan phúc phận bạn bè văn nghệ, những người ông quý. Ông yêu trong cõi nhân gian bé xíu của đời sống văn học nghệ thuật đương thời qua những chân nét tinh tế, bình dị của phẩm cách và tài năng không thể khác”.

Nhận mình là kẻ du tử, nhưng trong thực tế, Nguyễn Đình Phúc luôn tự học không ngừng, học trong vốn dân tộc phương Đông, học từ kiến thức phương Tây. Gia cảnh nghèo khó càng nhen lên khao khát buổi đầu đời, mong muốn được đi khắp nơi để đoàn kết đồng bào trong thế giới đại đồng. Mơ ước ấy cũng là mơ ước của một thế hệ thanh niên trí thức trong thời buổi nước mất nhà tan.

Nguyễn Đình Phúc mất năm 2001. Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, bất cứ ở nơi đâu, ở cương vị nào, Nguyễn Đình Phúc cũng như con ong chăm chỉ, miệt mài đi hút mật hoa để làm nên mật ngọt cho đời. Không tính các bức tranh đã được đem tặng và theo người yêu tranh của ông về những nẻo xa, hiện gia đình còn lưu giữ gần 500 bức tranh. Ngoài ra, còn 3 tập thơ với hàng trăm bài, hàng chục vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, sách nghiên cứu và biên dịch. Riêng trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, ông để lại tổng cộng 120 ca khúc thuộc các thể loại khác nhau, 2 vở ca kịch, 2 bản Giao hưởng 3 chương, 2 phiên bản Tổ khúc giao hưởng 6 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng và chuyển soạn cho dàn nhạc dân tộc đương đại. Cho tới những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng làm thơ, viết nhạc.

Trăm năm trong cõi nhân gian, nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc đã mở rất nhiều cánh cửa lòng mình, để ai cũng có thể bước vào ngôi nhà nghệ thuật của ông, ngồi cùng ông bên ấm trà, giá vẽ, cây đàn piano, trò chuyện về nhân sinh, về cuộc đời, dẫu cuộc đời ấy có những va đập, những mất mát tổn thương, thì đọng lại vẫn là vẻ đẹp nhân ái vị tha.

Thúy Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguyen-dinh-phuc-nguoi-da-tai-93786.html