Nguyễn Du và quan niệm đi trước thời đại về chữ trinh

Trong sáng tác cả chữ Nôm lẫn chữ Hán, Tố Như đã thể hiện một quan niệm hết sức tiến bộ về người phụ nữ, trong đó có quan niệm về chữ trinh.

Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Tĩnh.

Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Tĩnh.

Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại của dân tộc, có lẽ bởi ông là nhà thơ viết nhiều và cảm động nhất, dành sự cảm thông sâu sắc nhất cho những số phận hồng nhan bạc phận, những thân phận phụ nữ khổ đau.

Từ quan niệm trong Truyện Kiều

Ngay từ khi mới ra đời, Truyện Kiều đã được dư luận đặc biệt chú ý. Người khen Kiều nhiều mà kẻ chê cũng không ít. Người khen thì không tiếc lời, người chê thì tận cùng mạt sát. Nhưng tựu trung lại, hầu như mọi sự khen chê đều xuất phát từ một chữ trinh gắn liền với cuộc đời của nhân vật chính. Thúy Kiều bội ước với Kim Trọng, thất thân với Mã Giám Sinh, nhiều năm làm kĩ nữ “sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh” nơi lầu xanh hành viện, hai lần lấy chồng là Thúc Sinh và Từ Hải, bị Hồ Tôn Hiến chiếm đoạt ngay khi chồng vừa chết.... Đó là những lí do để nhiều người lên án nàng Kiều.

Những người phê phán Truyện Kiều ở thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đều đứng lên lập trường đạo đức phong kiến mà chỉ trích nàng Kiều họ Vương là “tà dâm”, đồng thời qua đó chê trách quan niệm về chữ trinh của Nguyễn Du. Nặng nề nhất là Nguyễn Công Trứ trong Vịnh Thúy Kiều:

Đã biết má hồng thì phận bạc

Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng

Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang

Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình cũng phải

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải

Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu

Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu

Mà bướm chán ong chường cho đến thế

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Đó đem chữ hiếu mà lầm được ai

Nghĩ đời mà ngán cho đời

Và Tản Đà trong Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến:

Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran

Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn

Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng

Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan

Tổng đốc ví thương người bạc mệnh

Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan

Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ

Hồn có nghe chăng một giọng đàn

Sinh thời, trong một bài thơ duy nhất tác giả nhắc đến tên mình, Nguyễn Du từng băn khoăn về số phận những đứa con tinh thần của mình cũng như những tư tưởng đi trước thời đại mà ông kí thác trong những đứa con ấy: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Quả như thi nhân tiên cảm, không phải hậu thế ai cũng hiểu hết về ông và đồng cảm cùng ông, như trong trường hợp về chữ trinh vừa nói trên chẳng hạn.

Viết về cuộc đời chìm nổi của người con gái tài hoa bạc mệnh họ Vương, Nguyễn Du gởi gắm vào đó một quan niệm tiến bộ về vấn đề trinh tiết, suy cho cùng chính là phẩm giá của người phụ nữ. Trong Truyện Kiều, mượn lời nhân vật, nhiều lần Nguyễn Du phát biểu quan niệm của mình về chữ trinh. Tiêu biểu là lời của Tam Hợp đạo cô và Kim Trọng. Sau khi từ giã Thúy Kiều tại Chiêu Ẩn am, Giác Duyên “đeo bầu quải níp rộng đường vân du”. Lúc “Gặp bà Tam Hơp đạo cô”, Giác Duyên mới “Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng”. Trong cuộc trò chuyện này, hai người đã bàn nói nhiều về Thúy Kiều, trong đó có việc bàn về phẩm hạnh của nàng. Tam Hợp cho rằng: Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều/ Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.

Rõ ràng, khi lí giải căn nguyên của những khổ đau mà Kiều phải chịu, vị đạo cô bí ẩn trong truyện đã khẳng định đó là do người phụ nữ này “lại mang lấy một chữ tình/ khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong”, tức những “oan khổ lưu ly” mà Kiều phải chịu là bởi sự tiền định cho kẻ hồng nhan đa tình. Theo giáo lí nhà Phật, hậu quả tức những gì người ta phải chịu ở kiếp này là do tiền nhân, những gì đã làm ở kiếp trước, quy định. Kiều vướng vào chữ “tình là dây oan”, lại “vô duyên là phận hồng nhan đã đành”, cho nên “những chốn thong dong/ Ở không yên ổn ngồi không vững vàng/ Ma đưa lối quỷ dẫn đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Như vậy, cái tội nghiệp “hết nạn nọ đến nạn kia” mà Kiều phải gánh do bản chất “là giống hữu tình”, lại mang lấy phận hồng nhan để trời đố kị, nhưng tuyệt nhiên Kiều không thuộc vào hạng tà dâm như người đời chê trách. Bởi quả Kiều đã phải thất thân với tên Mã Giám Sinh và sau đó là mười lăm năm chịu cảnh mua đi bán về, “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” nhưng tất cả những điều ấy đều không nằm trong ý muốn và sự làm chủ của nàng, mà là do sự đưa đẩy của hoàn cảnh (Giữa dòng nước chảy sóng dồi/ Trước hàm rồng cá gieo mồi băng tinh - Băng tinh, tức băng tuyết và thủy tinh, ví cho thân thể và phẩm hạnh của Kiều trong giá trắng ngần - P.T.V).

Hơn nữa, Kiều là người ý thức hơn ai hết giá trị của chữ trinh (Đã cho vào bậc bố kinh/ Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu/ Ra tuồng trên bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi) và việc nàng bội ước với chàng Kim là vì động cơ tốt đẹp (Để lời thệ hải minh sơn/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành). Như vậy, sự thất tiết của Kiều nhi, trong quan niệm của Tam Hợp đồng thời cũng là của Nguyễn Du, là do các lí do khách quan và tuyệt nhiên, đó không phải là điều tà dâm như người xưa vẫn trách.

Đặc biệt, trong màn tái hợp, sau khi nghe nàng Kiều phân trần về tấm thân “ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” của mình đã không còn xứng đáng với “chàng Kim đó là người ngày xưa”, Kim Trọng - người tình đầu lí tưởng - đã thay cho tác giả phát biểu một quan niệm mới mẻ, tiến bộ về cái gọi là “hoa thơm phong nhụy, trăng vòng tròn gương” trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy nhiều người phụ nữ xưa vào bi kịch:

Xưa nay trong đạo đàn bà

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường

Có khi biến, có khi thường

Có quyền nào phải một đường chấp kinh

Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay

Thông qua lời thoại của nhân vật Kim Trọng, Nguyễn Du đã nêu ra ít nhất ba điểm quan trọng trong quan niệm về chữ trinh của ông. Một, không nên nhìn nhận chữ trinh một cách cứng nhắc (có quyền nào phải một đường chấp kinh). Hai, “chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”, chữ trinh không chỉ là chữ trinh thể xác mà quan trọng hơn, đó còn là chữ trinh tinh thần, tức vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, phẩm hạnh của người phụ nữ. Ba, giá trị của người phụ nữ không phải nằm ở chữ trinh sinh lý kia, mà là ở chữ trinh tinh thần như đã nói (Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay). Thực tế, chính nàng Kiều cũng đã thừa nhận:

Thiếp từ ngộ biến đến giờ

Ong qua, bướm lại đã thừa xấu xa

Bấy chầy gió táp, mưa sa

Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn

Thế nhưng Kiều vẫn có thể ngẩng cao đầu nói cùng Kim Trọng bằng cả lòng tự trọng: Chữ trinh còn một chút này và chàng Kim cũng một mực khẳng định: Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa. Đó không chỉ bởi cái nhìn bao dung của chàng Kim (Thân tàn gạn đục khơi trong/ Là nhờ quân tử khác lòng người ta) mà quan trọng hơn, là do Kiều vẫn giữ được chữ trinh thứ hai, là những phẩm chất tốt đẹp trong con người nàng “trải bao gió dập sóng dồi” vẫn chưa hề đánh mất.

Có thể nói, trong quan niệm về giá trị của người phụ nữ, nhất là về chữ trinh, Nguyễn Du không chỉ có cái nhìn yêu thương, cảm thông, trân trọng, bao dung, mà vượt lên trên, đó còn là cái nhìn hết sức tiến bộ, nhân văn. Điều này sẽ được phát triển cao hơn trong thơ chữ Hán, tiêu biểu là bài Vọng phu thạch.

Đến bi kịch trong Vọng phu thạch

Theo như gia phả họ Nguyễn Tiên Điền: “Mùa đông năm Quý Hợi (1803), sứ Thanh sang phong sắc cho vua (tức Gia Long), ông (tức Nguyễn Du) được cử cùng với Tri phủ Thượng Hồng là Trần Quý Chuyên, Tri phủ Thiên Trường là Ngô Nguyễn Viên và Tri phủ Tiên Hưng là Trần Lưu đi lên Trấn Nam Quan nghênh tiếp. Khi sứ thần về nước, những bài thơ tống tiễn đều tự tay ông thảo ra”. Vọng phu thạch được viết trong dịp đi nghênh sứ đó.

Tác phẩm này viết về hòn vọng phu, một đề tài quen thuộc trong văn học dân gian, văn học trung đại Việt Nam. Bài thơ theo thể thất ngôn bát cú ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một quan niệm mới mẻ, đi trước thời đại của tác giả mà cho đến ngày nay, con người hiện đại vẫn còn phải ngỡ ngàng:

Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân?

Độc lập sơn đầu thiên bách xuân

Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng

Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân

Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ

Đài triện trường minh nhất đoạn văn

Tứ vọng liên sơn diểu vô tế

Độc giao nhi nữ thiện di luân?

Dịch nghĩa:

Đá chăng, người chăng, ai vậy nhỉ

Đứng một mình nơi đầu núi cả trăm nghìn năm

Muôn kiếp đành chịu không biết mộng mây mưa

Để thân mãi mãi giữ được một chữ trinh

Mưa ba thu như nước mắt chảy hoài không ngớt

Lớp rêu như ghi lại đoạn văn để nhớ mãi [về nàng]

Nhìn ra bốn bề núi non trùng điệp không thấy gì nữa

Sao để riêng phận con gái như nàng phải giữ mãi đạo luân thường

Hòn Vọng Phu (nằm trong quần thể động Tam Thanh) gắn với câu chuyện nàng Tô Thị ôm con chờ chồng hóa đá là địa danh nổi tiếng của Lạng Sơn, từ lâu đã đi vào ca dao và trở nên quen thuộc với nhiều người Việt: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh. Đó là địa danh cụ thể mà Nguyễn Du đã gặp trên đường đi nghênh sứ, từ đó cảm hứng mà viết về những hòn vọng phu không phải tên riêng có mặt trên đời, những hòn đá đợi chồng gây xúc động đặc biệt đối với một nhà thơ dễ động lòng trắc ẩn trước nỗi đau của người phụ nữ.

Trong tâm thức thẩm mĩ - đạo đức truyền thống, hình ảnh đá vọng phu là biểu tượng của người phụ nữ tiết hạnh, thủy chung, là tượng đài sừng sững cho những liệt nữ trung trinh suốt đời thủ tiết thờ chồng mà người đời ca ngợi. Một hòn vọng phu xuất hiện phổ biến trong văn học dân gian, trong thơ truyện của nhiều trí thức phong kiến bởi bản thân hình tượng mang tính ca ngợi, giáo huấn cao. Viết về đề tài liệt nữ để răn dạy kẻ làm nữ nhi và ca ngợi đức hạnh của người phụ nữ lí tưởng, nhiều tác giả đã chọn hình tượng hòn vọng phu là vì lí do trên.

Chẳng hạn, Cao Bá Quát trong bài thơ cùng tên (Vọng phu thạch) ngợi ca tấm chân tình chung thủy dù mọi thứ đổi thay của người vợ bồng con đợi chồng hóa đá: Thiên hoang địa lão tình do tạc (Trời hoang đất già, tình vẫn còn như hôm qua). Hay Nguyễn Đề trong bài Vịnh Tô thị vọng phu sơn: Nghĩa liệt trường lưu bất hủ danh/ Nham nham kính cốt kí cô trinh (Gương liệt nghĩa còn lưu giữ mãi, danh tiếng bất hủ/ Đá cứng cỏi là nơi gởi gắm dạ kiên trinh). Biểu tượng hòn vọng phu vì thế trở thành phương tiện để các tác giả biểu dương những tấm gương kiên trinh liệt nữ, để rao giảng đạo đức phong kiến làm gương cho kẻ hồng quần.

Nguyễn Du không đồng ý với quan điểm này. Ngay trong câu mở đầu ông đã bộc lộ thái độ bất đồng tình qua ba câu hỏi tu từ liên tiếp khi chứng kiến hòn đá đứng trơ trụi muôn đời. Là đá hay là người mà cứ dựng đó cả ngàn năm để rồi vạn kiếp không còn biết đến hạnh phúc gối chăn (điển vân vũ chỉ cho chuyện quan hệ nam nữ).

Đời người ngắn ngủi, tại sao cứ phải chờ đợi một điều không bao giờ trở lại để cho tuổi xuân héo tàn. Tan vỡ một cuộc tình ngang trái, người chồng - người anh vì mặc cảm tội lỗi mà đã bỏ đi biệt xứ chẳng thể trở về, thì hà cớ gì người vợ trẻ phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân chờ đợi một điều viễn vọng. Người vợ trẻ ấy có quyền được tái giá, sống hạnh phúc giản đơn như bao người phụ nữ bình thường, vì cớ gì phải chấp nhận chôn vùi tuổi xuân, kìm nén hạnh phúc bản năng chính đáng để rồi chịu kết cục hóa đá trơ trọi dãi dầu, ngàn năm vẫn còn đau đáu chờ đợi…

Nguyễn Du liên tiếp đặt ra những câu hỏi khiến người đọc không thể ngồi yên mà phải cùng ông đi tìm lời giải đáp. Bằng trái tim giàu lòng trắc ẩn và cái nhìn vượt lên trên định kiến của cuộc đời, Tố Như đã cho ta câu trả lời cay đắng. Hóa ra vì một chữ trinh để lưu kim cổ (nhất trinh lưu đắc cổ kim thân), một cái tiếng “tiết hạnh khả phong” mà người phụ nữ chấp nhận, thậm chí bị buộc phải đánh đổi tuổi xuân, sức sống và hạnh phúc xác thịt. Hóa ra, vì tôn thờ một cái danh mơ hồ mà đạo đức phong kiến tạo ra nhằm ràng buộc người phụ nữ, người vợ trẻ có thể cam chịu hi sinh những ham muốn đời thường, thậm chí còn lấy làm mãn nguyện, tự hào vì nó.

Thế nhưng đâu ai biết rằng, đằng sau tiếng được khen của người đời là bao nhiêu bi kịch mà người phụ nữ xưa phải âm thầm chịu đựng. Đài rêu xanh như đoạn văn ca ngợi tiết hạnh kiên trinh kia (Đài triện trường minh nhất đoạn văn) có che đậy được những giọt nước mắt chảy hoài không ngớt như mưa mùa Thu (Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ)? Riêng mình ôm giữ đạo luân thường cứng nhắc kia (Độc giao nhi nữ thiện di luân) làm gì để phải chịu cảnh một mình trơ trọi giữa bốn bề núi non (Tứ vọng liên sơn diểu vô tế) với những gì còn lại chỉ là một tảng đá rêu phủ không hơn không kém.

Thì ra, chính những gì mà người vợ tự hào lại là nguyên nhân của những nỗi đau họ phải gặm nhấm từng ngày. Cội nguồn của mọi bi kịch ấy chính là ở một chữ trinh cứng nhắc, nghiệt ngã. Trong bài thơ này, Nguyễn Du lại nêu ra một quan niệm mới về chữ trinh. Đó là có chữ trinh bởi đạo đức và dư luận người đời mà trở thành vòng kim cô trói chặt người phụ nữ trong đau khổ. Nhưng xót xa thay, người phụ nữ xưa không có dũng khí và cũng không đủ điều kiện để vượt ra ngoài dư luận, tự mình tháo bỏ chiếc vòng oan nghiệt kia, cho nên trọn một đời chỉ biết câm lặng chịu đựng nỗi đau. Đó là chữ - trinh - bi - kịch - phải - gìn - giữ mà những người vợ trẻ góa chồng ngày trước không dám bước qua.

Người phụ nữ trong xã hội “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” thường không được mãn nguyện trong hạnh phúc gối chăn, thậm chí nói như Hồ Xuân Hương, “một tháng đôi lần có cũng không” (Cảnh chồng chung). Họ cũng có những nhu cầu hạnh phúc sơ đẳng của người làm vợ nhưng nhiều trường hợp không thực hiện được vì cái bóng của đạo lí dư luận quá lớn họ không thể vượt qua. Bi kịch của họ cũng xuất phát từ đó. Nguyễn Du hiểu điều này. Ông lên tiếng đấu tranh cho người phụ nữ xưa với một quan niệm về chữ trinh rất tiến bộ và sự nhìn nhận một cách công bằng về hạnh phúc trần thế của họ. Vọng Phu thạch xứng đáng được xem là bài thơ có thể làm giật mình người ta ở mọi thời.

Thay lời kết

Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại. “Tố Như có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến ngàn đời” (Mộng Liên Đường Chủ nhân). Viết về kiếp người trong cõi nhân sinh, ông dành sự thương cảm đặc biệt cho những thân phận phụ nữ khổ đau, bởi hơn ai hết, trong xã hội phong kiến với trùng điệp những quy định và bất trắc, những thân phận phụ nữ mong manh rất dễ bị tổn thương.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du xót xa kêu lên “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Trong Văn chiêu hồn, một lần nữa ông thở dài bất lực “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu”. Cả hành trình thơ của mình, dường như Tố Như tập trung nhiều nhất vào việc đi tìm nguyên nhân của những nỗi đau mà con người ta, đặc biệt là người phụ nữ, trong thế cuộc trăm năm phải chịu đựng.

Trong các con đường đi lí giải những bất công mà cuộc đời mang đến cho người phụ nữ, có nhiều lần Nguyễn Du đã bất lực, bế tắc và rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Thế nhưng cái nhìn của ông nhìn chung vẫn rất hiện thực. Ông nhìn thấy được nguyên nhân sâu xa của những bất công ấy ít nhiều liên quan đến chữ trinh của người phụ nữ cùng với sự ràng buộc của các chuẩn mực đạo đức phong kiến và dư luận nghiệt ngã, khắt khe.

Từ Truyện Kiều đến Vọng phu thạch, Nguyễn Du trong các tác phẩm của ông đã nên lên nhiều quan điểm mới mẻ, tiến bộ và giàu tính nhân văn về chữ trinh nói riêng và phẩm hạnh của người phụ nữ nói chung. Đó là tư tưởng nhân đạo tốt đẹp trong thơ Nguyễn Du mà nhân loại muôn đời sẽ còn nhớ mãi về ông.

Trong xã hội phong kiến với muôn vàn những quy định khắt khe, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” (Truyện Kiều) được xem là thước đo giá trị cao nhất của người phụ nữ. Hiểu rộng ra, tiết hạnh với tấm thân tuyết sạch giá trong được xem là vấn đề sống còn của người phụ nữ xưa. “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trao mình” (Lục Vân Tiên), chữ trinh là nguyên tắc đạo đức, là điều kiện để đảm bảo hạnh phúc trong đời sống hôn nhân nhưng đồng thời, nó cũng là nguyên nhân của biết bao nỗi đau, bi kịch mà người phụ nữ phong kiến phải chịu đựng.

ThS Phạm Tuấn Vũ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguyen-du-va-quan-niem-di-truoc-thoi-dai-ve-chu-trinh-post642724.html