Nguyễn Đức: 'Tôi thấy mình và anh Việt trong hình ảnh của song Nhi'
'Ông trời lấy đi của chúng ta thứ này, sẽ có những thứ khác tốt hơn chờ đợi', Nguyễn Đức, người em trong cặp song sinh Việt - Đức, chia sẻ.
Nguyễn Việt - Nguyễn Đức là cặp song sinh dính liền đầu tiên tại Việt Nam được mổ tách thành công. Hơn 30 năm sau ca mổ này, cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi chào đời với phần dính liền tương tự Việt - Đức. Ngày 15/7, hai bé được mổ tách thành công, đánh dấu chặng đường mới của y học Việt Nam.
2 cặp song sinh cùng dính vùng bụng chậu
Nguyễn Đức là người còn sống trong ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức. Người anh Nguyễn Việt đã mất sau 19 năm được tách rời.
Ngày 25/2/1981, tại Sa Thầy, Kon Tum, cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức chào đời với hình hài khác người bình thường. Hai anh em bị dính nhau ở phần bụng, cùng bộ phận sinh dục, hậu môn, có 3 chân và trọng lượng chỉ 2,2 kg.
Ngày 4/10/1988, cặp song sinh Việt - Đức được GS.TS.BS Trần Đông A cùng 70 y bác sĩ, tách rời thành công. Ở thời điểm đó, ca đại phẫu đã đi vào lịch sử y học của Việt Nam và thế giới.
Nguyễn Đức cho biết anh vẫn luôn theo dõi tin tức về Trúc Nhi - Diệu Nhi. “Tôi thấy hình ảnh của anh em mình trong câu chuyện của song Nhi. Bao nhiêu ký ức đều ùa về và hiện ra rõ nét. Hai bé rất giống tôi và anh Việt ngày xưa. Chúng tôi là hai cặp song sinh dính liền, 4 số phận đặc biệt”, Nguyễn Đức chia sẻ.
Nhớ lại ca phẫu thuật tách rời của mình 32 năm trước, Nguyễn Đức cho biết thời điểm quyết định mổ, anh em Việt - Đức đã 8 tuổi. Lúc này, y học Việt Nam chưa phát triển như hiện tại. Để tách phần xương chậu dính liền, các bác sĩ phải dùng tay đục xương hàng giờ và mất khá nhiều máu.
Các chuyên gia cũng nhận định ca mổ tách Việt - Đức phức tạp hơn. Cặp song sinh này chỉ có ba chân, Nguyễn Việt bị bại não. Khi phẫu thuật, bác sĩ đã chia một chân khỏe mạnh cho Việt, chân còn lại dành cho Đức.
“Ca mổ tách cho chúng tôi thực sự là thách thức cho nền y học năm 1988. Nhờ tình thương của các y bác sĩ, hơn hết là bản lĩnh của GS Trần Đông A, chúng tôi đã được sinh ra lần thứ 2, nguyên vẹn hình hài. Sau mổ, GS Đông A vẫn luôn theo dõi, chăm sóc cho chúng tôi đến bây giờ, khi ông đã 79 tuổi, tôi đã có gia đình nhỏ”, Nguyễn Đức xúc động nói về GS.TS.BS Trần Đông A, Trưởng ê-kíp mổ.
"Ông trời luôn công bằng, mạnh mẽ lên song Nhi"
Hiện tại, Nguyễn Đức làm Đại sứ hòa bình tại Nhật Bản, phụ trách đối ngoại trong quan hệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản của Hội Hữu nghị Việt - Nhật TP.HCM và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc tế Hiroshima (Nhật Bản).
Sau ca mổ tách thành công, từ năm 1988 đến nay, Nguyễn Đức còn phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật lớn, nhỏ. Tuổi thơ không may mắn và trọn vẹn như những đứa trẻ khác, Nguyễn Đức không vì thế mà dễ dàng buông xuôi.
Từ trải nghiệm của bản thân, anh cho biết mong ước lớn nhất đối với cặp song Nhi hiện tại là ca mổ thành công trọn vẹn, sức khỏe hai bé tiến triển tốt, tiếp tục viết lên những điều kỳ diệu.
Nguyễn Đức chia sẻ: "Có thể khi sinh ra, số phận đã an bài cho tôi với hình hài không trọn vẹn. Tuy nhiên, các y bác sĩ đã xin phép đấng tạo hóa để tái tạo cho chúng ta hình hài mới, vậy nên mình không có lý do gì để bỏ cuộc".
Người đàn ông này tâm niệm các y bác sĩ đã dồn lực để giúp những cặp song sinh dính liền như anh và song Nhi dần trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, anh mong những người như mình sẽ sống thật tốt để thay lời "cảm ơn" đến cha mẹ, các y bác sĩ.
"Ông trời lấy đi của chúng ta thứ này, sẽ có những thứ khác tốt hơn chờ đợi. Nếu không, chính chúng ta sẽ tự mình đạt được điều đó. Mạnh lẽ lên song Nhi”, Nguyễn Đức nhắn gửi đến Trúc Nhi, Diệu Nhi.