Nguyễn Hồng Thủy: 'Lún sâu để rồi đam mê'

Cầm máy ảnh 15 năm nhưng cái tên Nguyễn Hồng Thủy còn khá mới mẻ với người chơi ảnh, yêu nhiếp ảnh xứ Thanh. Vốn là dân ngoại đạo, làm kinh doanh tất bật tìm kiếm thị trường, lại còn kín tiếng nên mọi người không biết anh cũng là điều dễ hiểu.

“Đường về nhà”, tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ năm 2020.

“Đường về nhà”, tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ năm 2020.

Sinh năm 1987, Nguyễn Hồng Thủy bắt đầu cầm máy ảnh từ năm 2009. “Nhớ lại hồi đó vì thích đi phượt, mê khám phá các cung đường hoa ở vùng Tây Bắc, nên thỉnh thoảng tôi phải mượn chiếc máy ảnh cơ để chụp cho thỏa niềm đam mê. Ai ngờ có ngày lún hơi sâu như thế này”, Thủy vừa cười vừa nói.

“Lún” đầu tiên là dù bố mẹ phải cho tiền để mua xe máy Wave, chừng 15 triệu, nhưng khi đi làm có lương, thưởng, anh đã dồn tiền mua ngay con máy Canon hơn 30 triệu. Thời điểm khoảng năm 2010 như thế là quá đầu tư.

Và cứ thế, nhiếp ảnh như một thú chơi rất cá nhân của riêng anh. Đó là những buổi cuối chiều, hoặc cuối tuần, anh một mình lang thang trên con đường từ TP Thanh Hóa đi Sầm Sơn hoặc các địa phương lân cận chỉ để tìm xem cái gì đẹp, cái gì hay và bấm máy.

Tác phẩm “Mùa gặt” (Huy chương vàng quốc tế “Vidin Spring Circuit 2021” tại Bulgaria).

Tác phẩm “Mùa gặt” (Huy chương vàng quốc tế “Vidin Spring Circuit 2021” tại Bulgaria).

Anh chia sẻ: Người trẻ như chúng tôi có nhiều thú chơi, song những thú chơi mang tính chất lành mạnh lại rất ít. Vì thế tôi đến với nhiếp ảnh mà không bị ai cản trở, thậm chí không muốn nói là còn được ủng hộ.

Tuy nhiên cũng phải đến 10 năm sau, anh mới có tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ năm 2020. Đó là bức ảnh “Đường về nhà” anh chụp ở Pù Luông vào mùa lúa chín. Cái phản chiếu sáng tối, thiên nhiên và con người được bố cục chặt chẽ, chính là ưu điểm trong tư duy nhiếp ảnh của anh.

Không lâu sau đó, tác phẩm “Mùa gặt” đã đạt Huy chương vàng quốc tế “Vidin Spring Circuit 2021” tại Bulgaria dưới sự bảo trợ của PSA và được trưng bày tại nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Nói về tác phẩm này, Nguyễn Hồng Thủy cho biết: Rất tự nhiên, tôi đến Nga Sơn vào buổi trưa, khi ấy nhìn thấy cảnh những người nông dân đang lầm lụi gặt lúa, giữa một màu xanh bát ngát. Trong khi hiện nay hầu hết gặt hái đã là phần việc của máy móc thì ở đây người nông dân vẫn tự tay gặt lúa.

“Nét đẹp lao động của một lão nông tại Thừa Thiên Huế”, tác phẩm được trưng bày triển lãm tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” năm 2022.

“Nét đẹp lao động của một lão nông tại Thừa Thiên Huế”, tác phẩm được trưng bày triển lãm tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” năm 2022.

Tiếp theo, “Nét đẹp lao động của một lão nông tại Thừa Thiên Huế” đã được trưng bày triển lãm tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Rồi “Đêm Vũng Áng” cũng được trưng bày triển lãm Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tổ quốc bên bờ sóng” lần thứ 2 năm 2023. Và gần đây nhất, tác phẩm: “Giọt mật mùa xuân” đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ, năm 2023.

Nói về hành trình này, Nguyễn Hồng Thủy cho rằng anh có may mắn vì được những người thầy trong nghề chỉ bảo từng chút, từng chút một, đặc biệt chỉ ra những hạn chế trong cách chụp của anh.

Khi tôi nói: Có tác phẩm được trưng bày tại các cuộc thi cấp quốc gia và một số giải khu vực, đủ để nhận định anh khá có duyên với nhiếp ảnh. Nguyễn Hồng Thủy đáp lại: Sau mỗi giải thưởng, tự mình nhìn lại, tôi thấy mình khá may mắn. Trong hàng nghìn tác phẩm tham gia, thậm chí Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” và “Tổ quốc bên bờ sóng” từ hơn 10 nghìn bức ảnh tham dự để chọn ra hơn 150 bức trưng bày thì rõ ràng phải may mắn, phải phù hợp tiêu chí giải thưởng và hợp gu với ban giám khảo. Ảnh chơi khác với ảnh thi, chỉ khi hội tụ được các yếu tố: ánh sáng, bố cục, màu sắc, khoảnh khắc thì đó mới là tác phẩm nghệ thuật.

Là một người trẻ, Nguyễn Hồng Thủy có lợi thế về thiết bị và kỹ thuật. Hầu hết các tác phẩm của anh được thực hiện bằng flycam, vì thế hiệu ứng thẩm mỹ đến với khán giả rất nhanh. “Tôi nghĩ, để mà chia tỷ lệ quyết định giữa tư duy nhiếp ảnh và thiết bị phải phân ra 2 trường hợp. Nếu trường hợp có điều kiện ánh sáng tốt, vị trí chụp thoải mái... thì tư duy chiếm hơn 80%; còn trong trường hợp khó chụp thì thiết bị chiếm khoảng 50%”. Với điều kiện kỹ thuật như hiện nay, bất kể ai cũng có thể chụp ảnh, nhưng để chuyên tâm với nhiếp ảnh, để có những tác phẩm nghệ thuật, thật khó. Ngoài ra, cũng cần có tài chính. Như chiếc flycam mà anh dùng để chụp hiện nay được mua với giá gần trăm triệu. Kỹ thuật chụp và kỹ thuật sử dụng thiết bị rất quan trọng, sơ sẩy cũng có thể rớt con “SH biết bay” ngay. Trong chiếc balo của anh, chỉ vài ba thiết bị chụp ảnh mà tính vội cũng chừng 200 triệu đồng. Tâm sự về điều này, Nguyễn Hồng Thủy cho biết, hiện nay anh thiếu nhất là thời gian. Hơn ai hết, anh hiểu rằng nghề ảnh phải đi nhiều, mà anh thường xuyên bị bó hẹp trong khoảng thời gian 8 giờ đồng hồ với các công việc hành chính. Lúc bố trí đi được thì không đủ các điều kiện về ánh sáng, nhân vật... để tạo ra bức ảnh đẹp.

Cũng vì điều kiện bó hẹp ấy mà hầu hết các tác phẩm ảnh đều đến với anh rất tự nhiên và không nhiều sự tính toán theo một ý tưởng sẵn có. “Điều đầu tiên tôi chú ý là cảm xúc. Một khung cảnh đẹp, một con người ấn tượng khiến mình phải òa lên thì chắc chắn sẽ cho ra một tác phẩm chạm vào cảm xúc của người khác. Hiện nay chụp ảnh nhàn hơn, nhưng khó hơn vì cạnh tranh nhau từ góc chụp đến sự đánh giá tác phẩm”.

Nguyễn Hồng Thủy.

Nguyễn Hồng Thủy.

Song, dù theo cách nào thì tác phẩm ảnh nghệ thuật đều có tiêu chí và mẫu số chung. Điều ai cũng có thể nhìn thấy ở các tác phẩm của Nguyễn Hồng Thủy đó chính là sự hiện đại trong cách tư duy và lựa chọn màu sắc.

Nói về hành trình của đam mê trong 15 năm đã qua, Nguyễn Hồng Thủy cho biết: Cảm xúc thì vẫn vậy nhưng tư duy để bấm máy, hậu kỳ cho ra tấm ảnh đã có nhiều thay đổi. Không đơn giản chỉ là vác máy đi chụp những cái mình thích, khi có thông báo về cuộc thi này, cuộc triển lãm kia phù hợp thì gửi; đến nay anh có thể tự lên kế hoạch dài hơi để có những tác phẩm nghệ thuật. “Tôi đã có ảnh đạt giải quốc tế, giải khu vực, vì thế tôi rất mong muốn trong thời gian tới, sẽ có giải tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc. Đây là cuộc thi lớn mà bất kể tay máy nào cũng mong muốn được tham gia vừa là cơ hội học hỏi đồng nghiệp vừa được thể hiện cá tính, góc nhìn, tính phát hiện đề tài của bản thân".

Nguyễn Hồng Thủy hiện đang là hội viên trẻ nhất của Ban Nhiếp ảnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, chặng đường làm nghề của anh còn rất dài, hy vọng rằng nhiếp ảnh không chỉ là cuộc chơi, không chỉ là tình yêu mà còn là sự thôi thúc, ám ảnh để anh sẵn sàng đầu tư công sức và thời gian.

KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/nguyen-hong-thuy-lun-sau-de-roi-dam-me/30120.htm