Nguyễn Hữu Linh chạy trốn tại tòa: Đòi hỏi phi lý về 'quyền riêng tư'

Khi tác nghiệp về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, nhà báo chúng tôi không cảm thấy áy náy hay có nghĩa vụ phải che giấu khuôn mặt hoặc danh tính của những người bị buộc tội.

Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh tránh né, thậm chí là chạy trốn khỏi báo giới trước phiên tòa xét xử tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi diễn ra ngày 25/6 đặt ra câu hỏi: Nhà báo có nên lùi lại và giữ cho ông Linh một chút riêng tư khi đang bị cả xã hội chỉ trích?

Tôi cho là không.

Nhà báo cũng có nhiệm vụ bảo vệ bị cáo, nhưng vì những lý do hoàn toàn khác.

Khi đưa tin về các vụ án, nhà báo có trách nhiệm riêng biệt với nạn nhân và người bị tố cáo. Chúng tôi phải tránh tối đa khoét sâu thêm vết thương tâm lý lẫn tinh thần mà nạn nhân đã phải gánh chịu.

Điều đó đồng nghĩa với việc danh tính của những nạn nhân bị tấn công tình dục phải được bảo vệ (trừ khi họ đồng ý công khai). Khi còn làm cho tờ Phnom Penh Post ở Campuchia, rất nhiều lần tôi phải cắt bỏ thông tin cá nhân liên quan đến nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Nhà báo cũng có nhiệm vụ bảo vệ bị cáo, nhưng vì những lý do hoàn toàn khác.

Khi đối tượng phạm tội còn ở mức độ tình nghi, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, nhà báo chỉ được đưa tin dựa trên bằng chứng, hoặc dẫn lời của cảnh sát hay luật sư. Cuối cùng thì nhà báo vẫn không thể thay tòa phân xử và đưa ra phán quyết được.

Tôi nhớ lại trường hợp của Amanda Knox, một phụ nữ Mỹ bị kết án năm 2009 với tội danh giết người. Nạn nhân là Meredith Kercher, người Anh và cũng là bạn thân của Knox.

Tuy rằng sau đó vài năm Knox được miễn tội tại Italy, trong thời gian chuẩn bị xét xử, nhiều tờ báo lá cải của Anh và Italy liên tiếp khắc họa chân dung của Amanda Knox là một kẻ bệnh hoạn, cuồng dâm, đặt cho cô biệt danh “Foxy Knoxy" và miêu tả đây là vụ án hãm hiếp, giết người. Có căn cứ để tin rằng chính những thông tin sai sự thật đã có tác động đến sự kết tội sai lầm của bồi thẩm đoàn.

Tuy nhiên, nhà báo không bắt buộc phải bảo vệ danh tính của bị cáo nếu họ không phải là trẻ vị thành niên. Hệ thống pháp lý càng minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Đây là điều cần thiết để ngăn chặn án oan hoặc những phán quyết sai lầm, đồng thời cũng giúp hạn chế việc người phạm tội “đi cửa sau" tác động đến phán quyết của tòa. Chung quy lại, một người bị buộc tội không có lý do chính đáng nào để né tránh, trốn chạy khỏi ống kính phóng viên.

Trong khi đó, các nhà báo cũng cần nhạy bén để quyết định trường hợp nào tội phạm tình nghi cần được theo dõi và đưa tin sát sao, trường hợp nào có thể bỏ qua.

Nhà báo không bắt buộc phải bảo vệ danh tính của bị cáo nếu họ không phải là trẻ vị thành niên.

Lấy ví dụ, tôi là nhà báo, nhưng có xích mích nhỏ với hàng xóm. Một ngày nọ tôi phát hiện ra hàng xóm của mình phạm tội vặt nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền bỏ qua thì việc tôi tung tin và đưa ảnh của anh hàng xóm lên các trang báo là vi phạm đạo đức nghề. Hoặc trường hợp khác, hình ảnh bị cáo cũng không thú vị gì nếu người đó phạm một tội quá phổ biến, đại trà.

Thế nhưng, ông Nguyễn Hữu Linh không nằm trong trường hợp phạm tội phổ thông vì hai lý do.

Một, hành vi xâm hại của ông Linh đã được camera ghi lại. Và dễ thấy, hành động của nguyên Viện phó Viện kiểm sát này là cực kỳ tồi tệ.

Tôi không phải là luật sư, cũng không phải người Việt Nam, nên không thể nói được theo luật ông Linh phạm phải tội gì, dựa theo điều luật nào. Nhưng rõ ràng, với tư cách là một nhà báo, nếu ở trong hoàn cảnh của các đồng nghiệp Việt Nam, tôi bắt buộc cũng phải tác nghiệp dựa trên những gì xảy ra trước mắt mình.

Hai, ông Linh là người từng có chức quyền và đã làm việc nhiều năm trong ngành tư pháp ở Đà Nẵng. Những điều này khiến ông Linh nên được liệt vào diện cần chú ý.

Khi còn là phóng viên của Phnom Penh Post, chúng tôi - bao gồm các nhà báo phương Tây - đã từng đưa rất nhiều tin, bài về lạm dụng tình dục trẻ em. Những câu chuyện chấn động nhiều không kể xiết. Điển hình trong số đó là vụ một người cha quấy rối chính con ruột mình; giám đốc trại mồ côi xâm hại những đứa trẻ ông ta cưu mang; hay sư trụ trì chùa Siem Reap lạm dụng những nhà sư trẻ.

Trong tất cả các trường hợp như vậy, chúng tôi không cảm thấy áy náy hay tiếc thương khi bóc trần sự thật. Chúng tôi cũng không cảm thấy có nghĩa vụ phải che giấu khuôn mặt hay danh tính của những người bị buộc tội.

Bản chất hành vi xâm hại tình dục là hành động đáng khinh. Nếu kẻ xâm hại là người có địa vị thì điều này càng đáng báo động bởi xã hội và nhân dân đã tin tưởng giao phó quyền hành vào tay họ.

Sự giám sát chặt chẽ của dư luận thông qua các phương tiện truyền thông đối với những diễn biến tại phiên xử Nguyễn Hữu Linh là hoàn toàn chính đáng và hợp lý.

Là người từng công tác trong ngành kiểm sát, ông Nguyễn Hữu Linh có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho nhân dân. Với hành vi sàm sỡ bé gái, ông Linh đã phá vỡ lòng tin của xã hội.

Sự giám sát chặt chẽ của dư luận thông qua các phương tiện truyền thông đối với những diễn biến tại phiên xử Nguyễn Hữu Linh là hoàn toàn chính đáng và hợp lý.

Do đó, việc các phóng viên Việt Nam theo sát, đào sâu vào vụ án nên được coi là làm đúng bổn phận và chức trách của mình, thay vì bị lên án. Trong những phiên tòa tới, báo giới cần tiếp tục làm đúng nhiệm vụ đó.

Còn về phía ông Linh - người bị cáo buộc - tốt nhất là đừng nên chạy trốn như một kẻ hèn nhát.

Bennett Murray
Illustration: Hà My Biên dịch: Khánh Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-huu-linh-chay-tron-tai-toa-doi-hoi-phi-ly-ve-quyen-rieng-tu-post962736.html