Nguyễn Huy Hoàng: 'Rái cá sông Gianh' trở thành kỷ lục gia SEA Games
Năm năm kể từ ngày ra mắt SEA Games bằng một kỷ lục, Nguyễn Huy Hoàng giờ đây là một ngôi sao lớn tầm cỡ châu Á.
"Bố mẹ ơi, con giành huy chương vàng rồi", Nguyễn Huy Hoàng hét lên ở bể bơi Trung tâm thể thao dưới nước ở Kuala Lumpur (Malaysia). Tháng 8/2017, "rái cá sông Gianh" lần đầu tiên tham dự SEA Games đã giành luôn huy chương vàng, phá sâu kỷ lục của đàn anh Lâm Quang Nhật.
Sau 5 năm, Nguyễn Huy Hoàng giành tổng cộng 8 huy chương vàng đấu trường này. Tính riêng ở kỳ đại hội trên sân nhà, anh mang về cho đoàn thể thao Việt Nam tới 5 tấm HCV, một con số mà tính cả đại hội chỉ kém Quah Jing Wen (Singapore). Nguyễn Huy Hoàng là một trong 4 vận động viên tiêu biểu của SEA Games 31.
Nguyễn Huy Hoàng là 1 trong 4 VĐV tiêu biểu của SEA Games 31.
Rái cá sông Gianh
Khúc sông Gianh chảy qua thôn Thanh Tiến (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là nơi ươm mầm cho ngôi sao sinh năm 2000. Nguyễn Huy Hoàng từ ngày thơ bé đã lội sông cùng mẹ nhặt rong về cho cá ăn, nhờ đó mà biết bơi từ khi mới 3 tuổi. Biệt danh "Rái cá sông Gianh" mà truyền thông đặt cho Nguyễn Huy Hoàng sau này cũng từ đó mà ra.
Cũng chính khúc sông ấy đã đưa cậu bé 11 tuổi gầy nhẳng bén duyên với môn bơi chuyên nghiệp. Lúc ấy đang là kỳ nghỉ hè, Nguyễn Huy Hoàng đang đi chơi với bạn thì nghe được thông báo thi tuyển vận động viên ở bờ sông. Đăng ký cho vui, ngờ đâu cậu lại trúng tuyển rồi từ đó bắt đầu hành trình xa nhà.
Nguyễn Huy Hoàng lên thành phố Đồng Hới, vào TP.HCM rồi Cần Thơ. Mỗi lần chuyển đi lại xa hơn một chút, nhưng đó cũng chính là những bước tiến trong sự nghiệp của "rái cá sông Gianh". Xuống đến miền Tây đồng nghĩa với việc anh đã trở thành tuyển thủ quốc gia.
Huy Hoàng phá 2 kỷ lục ở SEA Games 31.
Giáo án khắc nghiệt, mỗi ngày có khi phải bơi đến hơn chục cây số, cũng không bằng nỗi nhớ nhà. "Em nhớ bố mẹ", Nguyễn Huy Hoàng tâm sự sau tấm huy chương vàng đầu tiên ở SEA Games 29. Mỗi năm cậu chỉ được về nhà một, hai lần, số ngày được nghỉ ngơi bên gia đình đếm trên đầu ngón tay.
Gia đình kình ngư sinh năm 2000 cũng không có điều kiện dư dả để đi xa thăm con nhiều. Ngày Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games tại Malaysia, cả gia đình họ hàng tụ họp trên chiếc chiếu trải giữa phòng khách của căn nhà cấp 1 xem trên tivi. Năm năm sau, bố mẹ cậu bắt xe khách từ Quảng Bình ra Hà Nội để được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc con trai mình đứng trên bục nhận huy chương.
Kỷ lục gia SEA Games
Năm 2015, Nguyễn Huy Hoàng giành 5 huy chương vàng ở giải bơi trẻ Đông Nam Á. Mười bảy tuổi, Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games ngay trong lần đầu xuống bể ở đấu trường này. Anh về nhất ở cự ly 1.500m bơi tự do với thành tích 15 phút 20,10 giây. Chạm đích thứ hai ở làn bơi phía thành bể đối diện chính là Lâm Quang Nhật, người nắm kỷ lục cũ.
Trước đó 2 tháng, Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng là tâm điểm của cuộc tranh cãi liên quan đến suất dự SEA Games 29. Bơi Việt Nam bỗng nhiên có tới 3 nhân tài xuất sắc ở cự ly dài và phải đấu với nhau để tranh suất tham dự nội dung 1.500m tự do. Huy Hoàng đạt thành tích 15 phút 22 giây, tương đương với kỷ lục SEA Games mới ở thời điểm đó.
Khoảnh khắc Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng ôm nhau khoác cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trên bục trao huy chương là một hình ảnh mang tính biểu tượng của đội bơi Việt Nam khi ấy. Đó chính là cột mốc đánh dấu sự chuyển giao giữa 2 nhà vô địch. Lâm Quang Nhật sau đó nghỉ thi đấu và chuyển sang 3 môn phối hợp.
Nguyễn Huy Hoàng lần đầu giành huy chương vàng SEA Games năm 2017, khoác vai đồng đội, đàn anh Lâm Quang Nhật trên bục nhận huy chương.
"Em đã tập luyện từng ngày, nỗ lực cố gắng để có thể vươn lên. Em phải cố gắng, cố gắng, cố gắng không ngừng!", Nguyễn Huy Hoàng từng chia sẻ. Khi ấy, "rái cá sông Gianh" 17 tuổi còn ngượng nghịu, bẽn lẽn khi trả lời phỏng vấn. Nhưng, đó là câu nói mà anh thốt lên một cách dõng dạc, không chút ngập ngừng.
Tấm huy chương vàng SEA Games không còn là mục tiêu cao nhất của cậu mỗi khi xuống bể. Huy Hoàng muốn phá kỷ lục, muốn đạt chuẩn A Olympic. Cậu đã làm được.
Năm 2018 ở Jakarta (Indonesia), Nguyễn Huy Hoàng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành huy chương bạc ASIAD môn bơi. Đó là tấm huy chương quý như vàng, bởi "rái cá sông Gianh" chỉ về sau ngôi sao số một thế giới người Trung Quốc là Sun Yang.
SEA Games 31 trên sân nhà, Nguyễn Huy Hoàng là người cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam trong lễ khai mạc. Ngày bế mạc, với 5 tấm huy chương vàng và 2 kỷ lục, sân khấu ở Cung điền kinh trong nhà Mỹ Đình (Hà Nội) tôn vinh kình ngư sinh năm 2000 - một trong 4 vận động viên xuất sắc nhất của đại hội.