Nguyễn Huy Thiệp - cánh hạc về trời
Văn hóa và Đời sống - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã rời xa cõi tạm vào 16h45 ngày 20-3-2021, và người thân, bạn hữu đã tiễn đưa anh linh nhà văn về trời vào sáng ngày 24-3. Sau khi hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ, tro cốt được đưa về nghĩa trang gia đình tại xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội. Nhà văn đã khép lại một cuộc người 71 năm có lẻ.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng sách cho độc giả hâm mộ. Ảnh: H.T
Nói về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ không một ai yêu văn chương, sống trong quãng hai thập niên cuối của thế kỷ trước cho đến nay không biết tên tuổi và những tác phẩm nổi tiếng của anh.
Bước vào văn đàn muộn, khi đó anh đã ngót nghét tuổi tứ tuần, nhưng ngay lập tức các tác phẩm truyện ngắn của anh chinh phục bạn đọc. Với chùm truyện Những truyện kể của thung lũng Hua Tát, sau đó là Tướng về hưu, đặc biệt là bộ ba truyện ngắn “Giả lịch sử” Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một cơn bão dư luận lớn trong đời sống văn học và tinh thần lúc bấy giờ: phía ủng hộ, ngợi ca và phía còn lại thì phủ nhận gay gắt...
Vì sao lại có những cuộc tranh luận dữ dội (như chính nhà văn bảo thiên hạ sẽ tốn nhiều giấy mực) đến như vậy?
Lý do thì có nhiều, nhưng ít nhất có 3 điểm cần nói lại: 1) Với những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, lần đầu tiên văn chương nhìn cuộc sống một cách toàn diện, đa chiều về hiện thực vốn cực kỳ bề bộn, phức tạp lúc bấy giờ; chấm dứt cái nhìn đơn giản, một chiều của văn chương trước đó. 2) Ở các tác phẩm của anh, hiện thực đời sống và lịch sử được phân tích và cắt nghĩa trên một tinh thần “hoài nghi”, nhận thức lại, đưa ra các khả năng của đời sống với một cái nhìn đối thoại, dân chủ, không áp đặt, không giáo điều, tôn trọng bạn đọc, kích hoạt bạn đọc tham dự cùng. Và 3) Văn Nguyễn Huy Thiệp xác lập một lối viết kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách biểu đạt trực diện, gay gắt, dữ dội, thậm chí trần trụi với một phía khác là trữ tình, lãng mạn, đầy chất thơ của đời sống; cả hai đều đạt tới độ căng, chói sáng, gây ấn tượng mãnh liệt đối với người đọc.
Nhờ tất cả những điểm trên, cộng với “sự may mắn trời cho” (như chính tác giả nói), Nguyễn Huy Thiệp đã trở nên một hiện tượng đặc biệt của văn xuôi Việt Nam, xứng đáng tên gọi mà văn giới phong tặng: “Ông vua truyện ngắn Việt Nam hiện đại”.
Tôi, người viết bài này, do công việc giảng dạy ở Khoa Viết văn (Đại học Văn hóa Hà Nội), nên tôi hay mời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến khoa, khi thì nói chuyện, khi thì tọa đàm, trao đổi, gặp gỡ giao lưu. Lại nữa, nhà riêng của anh và nhà tôi khá gần nhau, chừng cây số, nên hai anh em thỉnh thoảng sang thăm nhau. Nhiều khi tôi được nghe anh tâm sự những điều rất sâu sắc về cuộc sống, văn chương chữ nghĩa nói chung.
Tôi lại có một ông bạn thân người xứ Thanh, cùng làm nghề dạy học, viết nghiên cứu phê bình: Tiến sĩ Chu Văn Sơn. Tuy từng lúc có khác nhau, nhưng hai chúng tôi nhiều năm được học hành cùng trường, thụ giáo cùng những người thầy lớn, giảng dạy cùng nơi, và cũng hay cùng nhau đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi lần đến chơi, vợ chồng nhà văn đón tiếp rất ân cần. Chả cần anh bảo, chị lúi húi dưới bếp một lúc rồi bưng lên nhà một mâm thức nhắm đậm đà chất đồng quê: Đậu mơ, rau thơm, lạc luộc, mấy cái bánh giò, có lần còn khoai hoặc sắn luộc. Thế thôi. Mấy anh em nhâm nhi đôi chén rượu cuốc lủi làng Cò - Khương Trung (Đống Đa - Hà Nội), nơi gia đình anh sinh sống. Không nệ mâm cao cỗ đầy (mà khách của nhà văn thì đông, tứ xứ, cả khách ta khách Tây nhiều lắm), nhìn mâm thức nhắm đẹp mắt, tinh tế, sạch sẽ mà lại bình dị, thân thuộc. Rất thú. Con người ta hóa ra việc ngồi ăn với ai và được đón tiếp theo cách nào mới thực quan trọng...
Nhưng tôi muốn nói thêm chuyện khác, cũng liên quan đến xứ Thanh. Chả là Chu Văn Sơn có tham gia hướng dẫn một thầy giáo tên là Nguyễn Văn Đông làm tiến sĩ. Đề tài mà thầy trò thống nhất là nghiên cứu về nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Công việc diễn ra khá trôi chảy ngay từ khi dự thi, nhận đề tài, triển khai nghiên cứu, sửa chữa, seminar, và viết hoàn chỉnh. Công việc nghiên cứu cũng kéo dài đến gần 4 năm trời. Chu Văn Sơn và tôi có một số lần đưa anh Đông đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với cái ý trực tiếp gặp nhà văn để cảm nhận sâu hơn về các tác phẩm mà họ viết ra. Do đi lại nhiều, lâu lâu cũng trở nên chỗ thân tình. Quê xứ Thanh có món nem gói nổi tiếng. Thỉnh thoảng anh Đông lại mang ra, phần thì biếu nhà văn, phần biếu thầy hướng dẫn, lắm khi tôi cũng được chia quà.
Nhớ mãi hôm bảo vệ luận án của anh Đông, nhận lời mời của anh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tới dự. Đây là luận án đầu tiên trong ngành đào tạo sau đại học ở Việt Nam nghiên cứu về văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thấy anh ngồi chăm chú nghe nghiên cứu sinh trình bày luận án như thể một học trò ngoan. Gương mặt anh lúc tỏ ra ngạc nghiên, lúc lại có vẻ như xúc động.
Khi kết thúc buổi chấm luận án, kết quả đã có, luận án đạt loại xuất sắc, Ban tổ chức mời nhà văn lên phát biểu. Anh lên nói mấy lời thưa gửi rất run, lập bập không thành tiếng. Để khích lệ anh, cử tọa đồng loạt vỗ tay. Bấy giờ anh mới có đôi lời kính thưa kính gửi rất khó khăn. Xong rồi anh rút trong túi áo ngực ra một tờ giấy khổ A4 trông hơi nhàu, rồi anh xin phép đọc. Cầm tờ giấy trên tay mà hai tay run lên bần bật. Lạ thế. Thì ra anh cảm động, và quá xúc động. Anh ngỏ lời đọc bài thơ chúc mừng tân tiến sĩ. Dưới đây là một đoạn trích:
Anh từ Thanh Hóa ra,
Đi thi bằng tiến sĩ.
Mừng anh đến chơi nhà,
Vợ con tôi hoan hỷ...
Trò chuyện một hồi lâu,
Thật tôi cảm động quá!
May thật phúc cho anh,
Gặp một giàn thày giỏi.
Tâm lành, đạo cao cường,
Không phen này chết đói...
Mừng anh đỗ tiến sĩ,
Tôi nhẹ hết cả người!
Nghiệp chướng tôi khả dĩ,
Bớt phần nào tai ương...
Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn khá dài, thể hiện sự cảm động của tác giả đối với tiến sĩ Nguyễn Văn Đông khi bảo vệ thành công luận án. Cũng bởi nhà văn lo văn chương của anh cao số, nếu ai nghiên cứu e rằng dễ sẽ bị rầy rà, vất vả...
Nguyễn Huy Thiệp là như thế đấy. Văn chương dữ dội là thế, thoạt nhìn bề ngoài có phần lạnh lùng, khắc khổ, ít mở lời trước với ai, ấy thế mà trong đời sống thường ngày, rất ân cần, nhiều cảm xúc, biết lo lắng cho người khác.
Nay thì anh linh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang bay về miền miên viễn. Như một cánh hạc. Anh có một truyện ngắn nổi tiếng: “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”. Xin mượn hình ảnh và cách nói này của nhà văn để bảo rằng: “Nguyễn Huy Thiệp - cánh hạc đã bay về chốn yên bình ”...