Nguyễn Huy Thiệp vẫn trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn đương đại
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đến giờ, chưa ai có khả năng làm thay đổi thi pháp và tinh thần văn xuôi như Nguyễn Huy Thiệp.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều làm Trưởng ban tang lễ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Tang lễ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) sáng 24/3. Đông đảo nhà văn, nhà thơ và những người yêu văn của ông đã đến để tiễn đưa ông.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bước vào con đường văn chương khá muộn nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn của ông xuất hiện cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua “cánh rừng” đời sống văn chương Việt và làm đời sống rung lên.
“Kể từ năm 1975 tới nay, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại”, ông Thiều nhận định.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, văn chương của Nguyễn Huy Thiệp là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người sẵn sàng nhìn thẳng vào sự thật và gọi đúng tên sự thật. Văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người. Đó cũng là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng là sự đau đớn của tình yêu thương con người.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có ảnh hưởng sâu sắc tới văn chương Việt Nam đương đại
Đối với Nguyễn Quang Thiều, những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. “Con dao” ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người, làm con người đau đến mức tưởng không chịu nổi nhưng rồi lại bình phục và lớn lên.
“Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình. Sự buốt lạnh đến rùng mình ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri. Có lẽ lúc đó với ông, nước mắt than khóc hay những lời an ủi hão huyền chỉ là sự phù phiếm đối với một nhà văn khi nghĩ về, nói về đồng loại của mình”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc đôi lúc kinh hãi bởi nhận ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được thức tỉnh và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình.
Thế nên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng”.
Còn trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, đố kỵ, mọi khiêu khích.
“Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó để cuối cùng được yêu thương nó”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.